Nắng nóng vào mùa, bệnh nhi nhập viện tăng

Mặc dù chưa bước vào đỉnh điểm nắng nóng nhưng với mức nhiệt từ 33oC như hiện nay tạo điều kiện cho vi trùng phát triển mạnh.

Gần 7.000 trẻ nhập viện mỗi ngày

BS CKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết thời điểm hiện tại mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận gần 5.000 lượt trẻ đến khám và điều trị. Trong đó, các nhóm bệnh mùa nóng đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt bệnh hô hấp chiếm khoảng 30%, tiếp đến là các bệnh nhiễm chiếm 30%, bệnh về đường tiêu hóa chiếm 10%. Ngoài ra, các bệnh dịch như tay-chân-miệng (TCM), thủy đậu, sốt xuất huyết… lượng bệnh nhân cũng đang có xu hướng tăng lên.

Còn tại BV Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày có gần 7.000 trẻ đến khám, trong đó có 384 trẻ phải nhập viện điều trị. Tại khoa Hô hấp 1, số bệnh nhi trong tuần qua tăng lên con số 180-190 trẻ/ngày. Trong khi thời điểm trước đây khoảng một tháng chỉ trung bình 150 trẻ/ngày.

Lượng bệnh nhi tập trung về khá đông, kèm theo thời tiết oi bức dẫn tới số giường nằm không đủ. Bệnh nhi và người thân tập trung hầu hết ra hành lang bệnh viện để sinh hoạt.

Bà Ngô Thị Minh Hằng (Ba Tri, Bến Tre), có con nằm tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết: “Cách đây vài ngày con tôi có nổi vài mụn ngứa, người hơi đỏ. Tôi cứ nghĩ cháu nóng như mọi khi nên ra tiệm mua thuốc. Vậy mà chỉ trong hai ngày, người cháu đỏ lên, sưng tấy khắp nơi. Đi khám bác sĩ bảo cháu bị viêm da, may mà đến bệnh viện sớm nếu không đã nhiễm trùng huyết” - bà Hằng cho biết.

Bác sĩ BV Nhi đồng 1 đang khám cho một trẻ bị bệnh hô hấp. Ảnh: HẢI ÂU

Chăm sóc không đúng cách

BS Phạm Văn Hoàng cho biết thông thường vào mùa nóng, khi nhiệt độ lên đến khoảng 38oC thì bệnh ở trẻ mới bùng phát. Tuy nhiên, chu kỳ bệnh năm nay đã có nhiều thay đổi, một phần nguyên nhân do thời tiết bất thường, một phần xuất phát từ việc chăm sóc không đúng cách của phụ huynh.

Theo BS Hoàng, nắng nóng khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều, đây là cơ hội để vi trùng phát triển mạnh ở da gây ửng đỏ ngứa ngáy, điều này hay khiến bé gãi liên tục. Nếu cha mẹ không chú ý để mụn nước vỡ sẽ hóa mủ trên da dẫn đến nhiễm trùng. Ban đầu tình trạng này không nguy hiểm nhiều nhưng về sau nguy cơ viêm mô, viêm da dẫn đến nhiễm trùng huyết có thể gây tử vong. “Khi gặp tình trạng viêm da, sốc nhiệt vào mùa nắng nóng, phụ huynh hay dùng những phương pháp dân gian như cho con tắm lá cây, lá khổ qua, trà xanh… Tuy nhiên, đây là những điều cấm kỵ, nó sẽ làm tình trạng nhiễm trùng nặng thêm” - BS Hoàng giải thích.

Đối với các bệnh đường hô hấp, theo BS Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 2, hiện nay các phụ huynh đã hiểu biết ít nhiều về bệnh của trẻ em. Tuy nhiên, do chủ quan nên nhiều trường hợp cha mẹ để con bệnh nặng mới đưa đến bệnh viện. Đặc biệt, khi trời nóng cha mẹ nên chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng máy lạnh và bên ngoài. Tránh làn da cơ thể không kịp thích ứng sẽ bị sốc và sụt giảm sức đề kháng.

BS Hoàng lưu ý thêm các cô giáo cũng như phụ huynh cần thường xuyên khử trùng đồ chơi sau khi cho trẻ chơi. Không cho trẻ để tay vào miệng tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, thức ăn của trẻ phải được chế biến đúng, kiểm tra thường xuyên. Thời tiết nóng thức ăn dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn dễ gây ra các bệnh tiêu hóa. “Đặc biệt, do bận rộn nhiều cha mẹ hay tự ý đi mua thuốc tại các hiệu thuốc khi con mắc bệnh. Nhiều nhà thuốc thường đánh kháng sinh ngay cho trẻ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, khó điều trị về sau” - BS Hoàng nói.

Với sốt xuất huyết, TCM là hai nhóm bệnh gây biến chứng và tử vong cao, khi trẻ sốt cao từ hai ngày trở lên cha mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kịp thời phát hiện và điều trị. Ngoài ra, những dấu hiệu như trẻ sốt lơ mơ, nôn ói, ho nhiều, thở mệt là dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng.

Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, tay-chân-miệng

Gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi nên có biện pháp bảo vệ trước sự ảnh hưởng của nắng nóng để hạn chế tối đa sốc nhiệt, say nắng. Cho trẻ uống nhiều nước, tiêm đủ các mũi vaccine và mũi nhắc lại. Đối với các bệnh chưa có vaccine ngừa như TCM, sốt xuất huyết, cần chủ động phòng tránh như cho trẻ nằm mùng, thoa kem chống muỗi; khử trùng sạch sẽ đồ dùng chung trước khi cho trẻ tiếp xúc...

BS CKII PHẠM VĂN HOÀNG, Trưởng khoa Khám bệnh,
BV Nhi đồng 1 TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm