Ngày đầu áp viện phí mới: Nơi nghẽn, nơi thông

Các bệnh viện (BV) dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ “thượng đế” nhưng do ngày đầu chạy ứng dụng công nghệ thông tin mới, có nơi trơn tru, cũng có nơi nghẽn cục bộ.

Làm hết mức để bệnh nhân hài lòng

Sáng 1-3, tại BV Chợ Rẫy vào khoảng 10 giờ sáng, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhơn (68 tuổi, An Giang) đang ngồi chờ lấy thuốc. Ông Nhơn bị suy tim độ II, thiểu năng tuần hoàn não… nên được chuyển viện đến BV Chợ Rẫy khám đã lâu. Ngày 29-2, ông đón xe lên TP.HCM và sáng nay vào sớm lấy số khám bệnh.

“Tôi thấy hôm nay có khác, bác sĩ (BS), điều dưỡng tế nhị, thăm hỏi ân cần và nhiều hơn, chờ đợi cũng giảm bớt dù phải đợi xét nghiệm máu. Đặc biệt lần này, sau khi lấy thuốc thì đem lại cho BS xem lại thuốc có đúng không, điều này các lần khám trước là không có” - ông Nhơn nói. Về viện phí, theo lời ông Nhơn, đợt đầu tháng 2 vừa qua ông đi khám, viện phí đồng chi trả là 170.000 đồng, đợt này tăng lên 250.000 đồng.

11 giờ trưa, bà Phạm Thị Tuyết Hồng (58 tuổi, Long An) ngồi chờ lãnh thuốc tại BV 115. Trong tổng số hơn 440.000 đồng viện phí, bà Hồng đồng chi trả 20%, tức hơn 87.000 đồng. Mặc dù viện phí khám, lấy thuốc có tăng nhưng theo bà Hồng là không đáng kể vì tăng có 25.000 đồng so với tháng trước bà khám lấy thuốc (hơn 62.000 đồng). Bà Hồng cho biết mình bị bệnh tim, số tiền viện phí phải đóng chênh lệch là không đáng kể. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của nhân viên y tế rất tận tình, khi hỏi thì được chỉ dẫn cụ thể. BS đối đãi với bệnh nhân rất đàng hoàng.

BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết BV này đã áp dụng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ như: cải cách hành chính trong BV, giảm thời gian chờ đợi, nhập viện, xuất viện chính xác phù hợp, giảm các sự cố. “Hiện BV đã giảm 1/3 thời gian chờ đợi so với trước đây. Thí dụ như quá tải cục bộ, dồn vào buổi sáng ở các khoa cấp cứu, khoa sinh, khoa sản A thì chúng tôi nhắm trọng tâm vào nơi đó để giải quyết, tránh quá tải” - ông Thanh nói.

Bệnh nhân chờ lấy thuốc theo BHYT tại BV 115. Ảnh: TÙNG SƠN

Nơi trơn tru, nơi nghẽn

BS Nguyễn Hữu Bảo Hoài, Phó khoa Khám bệnh BV Chợ Rẫy, cho biết trước khi áp dụng Thông tư 37, BV cũng đã chuẩn bị rất chu đáo. Ban giám đốc BV đã lập bộ phận để giải quyết các vấn đề liên quan khi cần thiết. “Chúng tôi luôn nhắc nhở phong cách thái độ, giao tiếp phải tốt hơn nữa. Bệnh nhân đến thì phải hướng dẫn tận tình, BS phải tư vấn chu đáo, giải thích rõ cho bệnh nhân về viện phí” - BS Hoài cho biết.

Ngoài ra BV còn bố trí bảng hướng dẫn điện tử, cử nhân viên hướng dẫn bệnh nhân. Bên cạnh đó, khoa Khám bệnh theo dõi lượng bệnh của mỗi phòng khám, nếu bệnh có nguy cơ ùn ứ thì sẽ bố trí thêm bàn khám, điều tiết thêm BS để bệnh nhân được giải quyết nhanh chóng hơn.

Đại diện khoa Khám bệnh BV 115 cho biết Thông tư 37 đã mở ra cho bệnh nhân được khám nhiều chuyên khoa trong một buổi khám nhưng tổng số chi phí không quá 40.000 đồng/ngày (trước đây muốn khám tiếp phải hội chẩn BHYT mới thanh toán). Theo đó, nếu một bệnh nhân khám nội khoa (20.000 đồng) thì lượt khám chuyên khoa tiếp theo (như mắt, tai mũi họng) được thanh toán 30% và BS sau cũng sẽ biết BS trước đã cho làm xét nghiệm nào, thuốc nào để chỉ định, cho thuốc không trùng lắp.

Ông này dự đoán số lượt khám bệnh tại BV ngày đầu tăng lên gấp 2-3 lần (bình thường 1.700-1.800 lượt/ngày), có thời điểm sẽ quá tải. Trong khi đó, do ngày đầu bộ phận vi tính chưa cập nhận đầy đủ thông tin nên có thể sẽ đứng máy, nghẽn mạng nhưng vài ngày sau sẽ quen.

Tại BV quận 10, đến gần 12 giờ nhưng nhiều bệnh nhân cao tuổi vẫn ngồi đợi. Một bệnh nhân cho biết mọi khi đến khám, bệnh nhân lấy số đi thẳng lên phòng trên lầu và đăng ký, tự dưng hôm nay BV bắt phải đứng xếp hàng lấy số ở dưới đất chờ nhập liệu máy tính nên bệnh nhân đứng kín cả sân BV. Có người nhập sai phải làm lại, rất mất thời gian. Nhiều người la ó phản ứng vì đợi quá lâu nên lãnh đạo BV phải điều thêm nhân viên xuống giải quyết.

BS Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc BV quận 10, giải thích rằng do BV vừa triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng thông tuyến và điều chỉnh giá viện phí mới xong đêm hôm trước. Cả ba người trong ban giám đốc đã cùng xuống giải quyết và phát loa xin lỗi bà con.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết việc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương vào giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế khách quan. “Không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi phí trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các BV vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT” - ông Liên lý giải.

Cũng theo ông Liên, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm bảy yếu tố chi phí. Trước thời điểm 1-3 mới tính 3/7 yếu tố, lần tăng này tính thêm chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp. Năm 2018 sẽ tính thêm chi phí quản lý; năm 2020 sẽ tính thêm chi phí khấu hao tài sản cố định.

___________________________________

Từ ngày 1-3, gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế điều chỉnh giá với mức tăng trung bình từ 30% đến 50%. Trước mắt, việc tăng giá chỉ áp dụng với các bệnh nhân có thẻ BHYT. Đây là nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 37 của liên bộ Y tế - Tài chính, ban hành tháng 10-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm