Nhân Ngày dân số Thế giới 11-7: BS lo lắng cho bà mẹ tương lai

“Công tác trong ngành dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã lâu, tôi có nhiều dịp tiếp xúc các em nữ vị thành niên ở TP.HCM. Không ít em có hoàn cảnh đáng thương do thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu hiểu biết kiến thức sức khỏe sinh sản… Những cái thiếu nói trên đã khiến nhiều em mang thai ngoài ý muốn hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục” - BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông-Giáo dục thuộc Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, nói.

Cha mẹ ly hôn, NTTM (16 tuổi) sống với mẹ trong căn nhà đầy đủ tiện nghi ở một quận thuộc trung tâm TP.HCM. Do bận việc làm ăn nên mẹ thiếu quan tâm đến M. Còn cha M. do có gia đình riêng nên thỉnh thoảng chỉ gọi điện thoại hỏi han vài câu. “M. sống lẻ loi giữa căn nhà rộng lớn, thiếu hẳn hơi ấm gia đình. Buồn, tan học là M. chạy xe tới quán cà phê gặp bạn bè quen qua Facebook. Nhóm bạn này đa phần đã nghỉ học, thường tụ năm tụ ba tán dóc và ăn chơi” - ông Yến kể.

Các em học sinh bậc THPT ở TP.HCM đang nghe nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chuyện gì đến cũng đến. Sau lần được người bạn trai chở đi Vũng Tàu cùng nhóm bạn nói trên, M. thấy cơ thể khang khác. Hỏi han người lớn tuổi, M. xanh mặt khi biết đang mang thai. “Sợ mẹ rầy cha mắng, M. len lén đi phá thai một mình. Xong xuôi em cũng không dám về nhà, thuê khách sạn ở suốt ba ngày” - ông Yến kể tiếp.

“Do sống cạnh nhà nên một chị công tác trong ngành DS-KHHGĐ địa phương biết câu chuyện của M. Chị này an ủi, khuyên nhủ và động viên M. tiếp tục tới trường. Chị cũng gặp gỡ và nói mẹ M. nên quan tâm tới con nhiều hơn. Tuy nhiên, do chán nản gia đình, M. hầu như buông xuôi tất cả, vẫn tìm đến nhóm bạn kia” - ông Yến lắc đầu.

Thêm một câu chuyện đáng thương được ông Yến kể để các bậc cha mẹ nên để mắt nhiều hơn tới con cái làm ăn xa nhà, nhất là nữ.

“Vì gia cảnh khó khăn nên VTMH (17 tuổi) một thân một mình khăn gói lên TP kiếm sống và được một người bán cơm nhận phụ việc cả ngày. H. cũng thuê nhà trọ gần chỗ làm và ở một mình” - ông Yến thuật lại.

Trong thời gian phụ quán, H. quen một thanh niên độ 25 tuổi thường ghé ăn cơm. Giọng nói ngon ngọt của anh ta đã làm xiêu lòng người con gái trong độ tuổi đang yêu. “H. không ngần ngại cho người thanh niên số điện thoại, địa chỉ ở trọ” - ông Yến nói.

Một ngày nọ H. cảm nhận vùng kín luôn bị ngứa, nổi vài nốt sần sùi. Không dám nói với ai, H. tìm đến điểm tư vấn sức khỏe sinh sản miễn phí của Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM trình bày và hốt hoảng khi biết mình bị mắc một số bệnh lây qua đường tình dục rất khó chữa.

Tại TP.HCM, thống kê của các bệnh viện công trong những năm qua cho thấy tỉ lệ phá thai cao nhất nước, đa phần rơi vào nữ vị thành niên (từ 10 tuổi đến 19 tuổi). “Tỉ lệ phá thai ở nữ vị thành niên từ năm 2011 đến 2015 dao động trong khoảng 3,5% đến 4,1%. Đây chỉ là thống kê của các bệnh viện công, chưa thống kê ở các bệnh viện tư, phòng khám tư” - ông Trị nói.

Tại TP.HCM, các mô hình điểm tư vấn sức khỏe sinh sản-tiền hôn nhân, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và đề án phòng khám sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình đang được TP triển khai nhằm kéo giảm tình trạng này.

Tỉ lệ phá thai đang tăng

“Thống kê chuyên ngành cho thấy Việt Nam hiện là nước có tỉ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới. Mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 và con số này vẫn đang có xu hướng gia tăng. Những năm trước, tỉ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 5% - 7% tổng số ca phá thai. Vài năm gần đây, tỉ lệ này tăng lên 20%” - BS Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, cho biết.

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc đã lấy chủ đề ngày Dân số thế giới (11-7) năm 2016 là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”. Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho nữ từ 15 tuổi đến 19 tuổi trên toàn thế giới là tự tử, kế đến là biến chứng thai sản.

__________________________________

600.000 em học sinh đang học tại các bậc THCS và THPT (lứa tuổi vị thành niên) do Sở GD&ĐT TP.HCM đang quản lý. Thống kê cho thấy 80% học sinh các trường phổ thông tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa và nắm vững kiến thức, kỹ năng, thực hành hành vi có lợi về sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Ông NGUYỄN VĂN GIA THỤY, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm