Những thói quen tưởng lành mạnh nhưng lại có thể gây tăng cân

1. Dùng lại túi gói hàng

Một nghiên cứu từ trường Harvard cho thấy những người mua hàng dùng chính túi đựng của mình khi đi mua thực phẩm sẽ mua nhiều thức ăn không lành mạnh hơn. 

 Những nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta sẽ "tự thưởng" cho mình bằng thực phẩm khi chúng ta nghĩ rằng mình đang thực hiện hành vi thân thiện môi trường. Nhưng bạn cũng không nên chuyển sang dùng túi ni-lông vì nhựa không tốt cho sức khỏe. Thói quen này "gây hại" phần lớn do tâm lý, nên bạn cần để ý kiểm soát.

2. Bị ám ảnh về một loại chất dinh dưỡng

Chế độ ăn low-carb và low-fat có thể rất phổ biến, nhưng cắt giảm hoàn toàn một loại chất dinh dưỡng nào đó không phải là chiến lược giảm cân lý tưởng. 

Những nghiên cứu đã cho thấy rằng sữa ít chất béo khiến chúng ta trở nên phụ thuộc vào tinh bột, và thực phẩm "ít béo" lại khiến chúng ta ăn nhiều hơn 50% so với thực phẩm bình thường. Chất béo giúp con người có cảm giác no, và cắt giảm nó sẽ khiến bạn dễ có cảm giác đói. 

Cắt giảm nhanh chóng đáng kể tinh bột trong một thời gian có thể khiến cân nặng giảm nhanh, nhưng ăn trở lại cũng khiến bạn tăng ân trở lại. Bạn nên chọn thực phẩm tươi sống, lành mạnh, và không nên quá "ám ảnh" về một loại chất dinh dưỡng nào đó.

3. Mua thật nhiều thực phẩm "lành mạnh"

Nghiên cứu thấy rằng các nhãn hàng "lành mạnh" của thực phẩm chế biến sẽ khiến mọi người ăn nhiều hơn sản phẩm đó và giảm việc tập luyện đi. Có thể chúng ta coi "thực phẩm lành mạnh" thay thế cho việc tập thể thao. Nhưng không có loại thực phẩm nào, dù lành mạnh đến đâu, có thể thay thế được việc hoạt động thể chất.

4. Đếm lượng calo

Giảm cân không phải chỉ nhìn vào con số. Quá chú trọng lượng calo ăn vào thường gây thất bại giảm cân đến 95% trường hợp, thậm chí có thể khiến bạn tăng cân nhiều hơn. 

Ăn quá ít calo có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái "đói ăn", làm chậm quá trình trao đổi chất và "đốt cháy" cơ bắp thay vì mỡ. Quá tập trung vào lượng calo cũng khiến bạn chọn lựa thực phẩm thiếu lành mạnh.

5. Chia thực phẩm thành "tốt" hoặc "xấu"

Bạn có thể cảm thấy rất thoải mái khi ăn một loại thực phẩm này, nhưng lại "tội lỗi" khi ăn một loại thực phẩm khác, và điều này không giúp cho bạn giảm cân. Ngược lại, quá áp lực về loại thực phẩm mình ăn có thể khiến bạn ăn còn nhiều hơn. 

Trong các nghiên cứu, người cảm thấy "tội lỗi" khi ăn đồ ngọt béo kết quả lại ăn nhiều hơn người không mấy để tâm. Và quá chú trọng những thực phẩm "tốt" như rau quả cũng có thể gây tác dụng ngược, vì một khi đã ăn lành mạnh nhiều ngày, bạn bị thôi thúc "ăn dối" một lần, phá vỡ chế độ ăn. 

Bạn nên chọn những thực phẩm mà mình thích, và chúng cũng lành mạnh, tốt cho sức khỏe của bạn – không phải vì chúng được quảng cáo là tốt.

6. Tuân theo một quy trình "lành mạnh" y hệt nhau mỗi ngày

 Ăn yến mạch cho bữa sáng, xà lách cho bữa trưa, cải xanh cho bữa tối – bạn cho rằng lặp đi lặp lại chế độ ăn này mỗi ngày sẽ khiến bạn giảm cân. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy không phải thế. 

Hạn chế thực phẩm trong chế độ ăn cũng hạn chế số lượng của những vi khuẩn tốt trong đường ruột. Những vi khuẩn này lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm cân, ví dụ như kiểm soát cơn đói, mức độ đường huyết… 

Vì thế, những người ăn nhiều thực phẩm khác nhau, thường xuyên cho thêm thức ăn mới vào thực đơn của họ có chỉ số BMI thấp hơn rất đáng kể so với người ăn theo "thực đơn an toàn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm