Nỗ lực cứu bé 2 ngày tuổi có khối 'bướu hút máu' kỳ lạ

Ngày 6-2, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay BV vừa cứu thành công bé trai hai ngày tuổi có khối bướu máu lớn trong người. Bệnh nhi là con đầu lòng của sản phụ NTM sống tại TP.HCM.

Sau một ngày chào đời tại một BV sản khoa trên địa bàn TP.HCM, gia đình phát hiện trên cơ thể bé xuất hiện các bướu máu. Các khối bướu này bắt đầu từ mặt rồi lan ra toàn thân. Đặc biệt, ở đùi bên phải của bệnh nhi có một khối bướu phát triển rất nhanh.

Bệnh nhi được gia đình chuyển đến BV Nhi đồng 1 ngay sau đó. Tại đây BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, cho biết: “Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, BV đã thực hiện các xét nghiệm để truy tìm nguyên nhân thì nhận thấy tiểu cầu và các yếu tố đông máu trong cơ thể bệnh nhi bị giảm và hầu như không có. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng chảy máu, xuất huyết não”.

Cũng theo BS Tâm, tình trạng này nếu không được cung cấp máu kịp thời, bổ sung yếu tố đông máu hạn chế nguy cơ xuất huyết sẽ dễ dẫn đến tử vong cho bé bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, việc tìm nhóm máu phù hợp với bệnh nhi là rất khó khăn bởi cơ thể bệnh nhi cần nguồn máu sống, máu mới phù hợp với cả mẹ và bé để tránh phản ứng do bất đồng nhóm máu.

Hơn nữa, thời điểm bệnh nhi nhập viện đang là những ngày nghỉ Tết. Lượng máu dự trữ không có nhóm máu phù hợp. Do đó, các bác sĩ phải liên hệ khắp nơi, từ BV Chợ Rẫy, ngân hàng máu, Trung tâm Truyền máu-Huyết học TP... để tìm ra nguồn máu phù hợp truyền cho bé.

heo các bác sĩ, khối bướu máu có thể tái phát trong thời gian tới

Theo các bác sĩ, khối bướu máu có thể tái phát trong thời gian tới. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

BS Tâm cũng cho hay dù bé đã được truyền các yếu tố cầm máu như tiểu cầu, huyết tương nhưng vẫn không cầm được máu mà khối bướu máu cứ lớn dần. “Khối bướu máu này giống như hồ chứa, toàn bộ máu cơ thể đều chứa vào bướu máu này nên máu trong người của bé bị thiếu” - BS Tâm nói.

Mặc dù đang trong những ngày nghỉ Tết nhưng với tình trạng cấp bách trên, BV Nhi đồng 1 đã tổ chức một cuộc hội chẩn toàn BV với gần 10 chuyên khoa gồm (Hồi sức sơ sinh, Phỏng tạo hình bướu máu, Ngoại thần kinh, Xét nghiệm, Ngoại sơ sinh đơn vị can thiệp mạch máu, huyết học, chẩn đoán hình ảnh và khoa sơ sinh) để đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhi.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất hai phương án là can thiệp nội mạch để tắc các mạch máu nuôi bướu máu và phẫu thuật bóc tách khối bướu cho bệnh nhi.

Sau phẫu thuật, tình trạng xuất huyết gây mất máu ở bệnh nhi đã được chặn đứng, hiện bé không còn phải truyền máu và các yếu tố đông máu bổ sung. Tình trạng xuất huyết não do rối loạn chảy máu cũng dần cải thiện. Hiện bệnh nhi đang được theo dõi sát để xử trí tình trạng xuất huyết não. Dù còn phải thở máy nhưng tri giác bệnh nhi đã đáp ứng với các kích thích.

Theo BS Thanh Tâm, đây là trường hợp bướu máu toàn thân bẩm sinh hiếm gặp nhưng không phải do yếu tố di truyền. Dù bướu máu đã được bóc thành công nhưng bệnh có nguy cơ tái phát (tuy tỉ lệ thấp). Dự kiến sau khi xuất viện bệnh nhi vẫn cần được theo dõi để phát hiện xử trí kịp thời các yếu tố phát sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm