Phát động chiến dịch 'cái ôm đầu tiên' cứu trẻ sơ sinh

Theo WHO, trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong tháng đầu sau sinh, đạt mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỉ lệ trẻ tử vong.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có hơn chục ngàn trẻ sơ sinh bị tử vong trong tháng đầu đời. Vì vậy, chiến dịch “cái ôm đầu tiên” có ý nghĩa quan trọng góp phần hạn chế tử vong hoặc bệnh tật ở trẻ sơ sinh, như đẻ non (sinh non), sơ sinh nhẹ cân hoặc mắc nhiễm trùng nặng như viêm phổi hoặc tiêu chảy.

TS Shin Young-soo, Giám đốc Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, cho biết: “Có quá nhiều trẻ sơ sinh tử vong vì những yếu tố có thể phòng ngừa được, ví dụ như bệnh tật. Chiến dịch “cái ôm đầu tiên” sẽ giải quyết thách thức này bằng cách thúc giục phụ nữ và nhân viên y tế tại Việt Nam thực hiện các bước đơn giản nhằm bảo vệ trẻ sơ sinh trong thời gian quan trọng ngay sau sinh”

TS Maria Asuncion Silvestre, chuyên gia nhi khoa và trẻ sơ sinh của WHO, cho biết chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm bắt đầu bằng “cái ôm đầu tiên” hay duy trì tiếp xúc da-kề-da giữa mẹ và bé ngay sau sinh. Phương pháp đơn giản này giúp ủ ấm trẻ, chuyển máu từ bánh nhau và những vi khuẩn có lợi từ mẹ sang con và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

“Tách mẹ và con ngay sau sinh là thực hành rất lỗi thời. Nhưng điều đó lại xảy ra tại thời điểm rất quan trọng khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu tìm kiếm vú mẹ để bú”.

Theo các chuyên gia y tế, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm có thể được thực hiện ở tất cả các phòng đẻ mà không cần chuẩn bị phức tạp hoặc đòi hỏi các công nghệ đắt tiền. Do đó có thể áp dụng chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm tại bệnh viện huyện, trạm y tế xã ở vùng sâu hay các vùng khó tiếp cận của Việt Nam nơi có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao.

Trong tuần này, WHO sẽ phối hợp với Bộ Y tế phát động chiến dịch “cái ôm đầu tiên tại ba BV lớn là BV Từ Dũ(TP.HCM), BV Sản Nhi Đà Nẵng và BVPhụ sản Trung ương (Hà Nội).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm