Rắn lục đuôi đỏ liên tiếp tấn công người Sài Gòn

Thời gian gần đây, số người nhập BV Chợ Rẫy điều trị vì các loại rắn độc tăng cao, trong đó có không ít là nạn nhân của rắn lục đuôi đỏ.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân HMT (28 tuổi), ngụ đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9. T. kể vào sáng sớm, khi thức dậy thấy nhà vệ sinh kẹt người nên anh đi ra phía trước nhà, chỗ có bụi cây để "giải quyết" thì nghe đau nhói ở ngón tay cái. T. vội lấy điện thoại rọi thì thấy con rắn màu xanh dài đuôi đỏ.

Ngay lập tức anh được người nhà đưa đến BV 9uận 9, sau đó BV quận 9 chuyển bệnh nhân đến BV Chợ Rẫy điều trị tiếp.

Theo mẹ của T., thời gian gần đây, người dân thường phát hiện rắn lục đuôi đỏ ở khu vực xung quanh dù thường xuyên phát quang cây cối. Một hàng xóm của bà cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào năm ngoái. 

Anh T. (ngụ quận 9) bị rắn cắn vào tay. Ảnh: H.LAN

Trường hợp thứ 2 là bà NTH (59 tuổi) sống ở đường Tân Hòa 2, quận 9. Bà H kể khi đang dọn dẹp nhà thì bà bị con rắn lục màu xanh, nhỏ như ngón tay cái trốn dưới đáy thùng đựng đồ cắn. Bà H. cũng đến BV quận 9 rồi được chuyển lên BV Chợ Rẫy điều trị tiếp vào ngày 25-1. 

Trưởng hợp tiếp theo là anh KTR (30 tuổi), sống ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh). Anh R. kể tối 24-1 ra sau dãy nhà trọ lấy đồ phơi trên dây để tắm thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Con rắn cắn anh xong vẫn còn nằm ở dây phơi đồ và bị người dân đập chết. Anh R. được đưa đến BV huyện Bình Chánh và được chuyển vào BV Chợ Rẫy điều trị. 

Anh R. (ngụ huyện Bình Chánh) đang điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: H.LAN

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải được theo dõi sát tại khoa cấp cứu hoặc khoa hồi sức chống độc, nơi có khả năng truyền máu và có huyết thanh kháng nọc rắn lục. Khi bị rắn cắn cần sơ cứu, rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, không để người bệnh tự đi lại. Không chích rạch tại vết cắn và phải chuyển nạn nhân đến BV ngay để điều trị.

Đa số bệnh nhân thường bị cắn vào tay, chân. Vài phút sau khi bị rắn tấn công, vết cắn sẽ sưng nề nhanh, máu chảy liên tục không tự cầm được, đau nhức nhiều. 6 giờ sau phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ… Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng sốc do mất máu, thậm chí sốc phản vệ do nọc rắn. 

Bộ Y tế cũng khuyến cáo phát quang bờ cây, bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo... ở sân trước nhà, trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà, nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm