Sơ cứu đúng cách khi bị bong gân

 Bong gân chính là tổn thương dây chằng do sự kéo giãn quá mức gây ra. Dây chằng là những dải băng dai và đàn hồi bám vào xương và giữ cho các khớp ở đúng vị trí.

Các trường hợp dẫn đến chấn thương dây chằng thường là chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày… Các vị trí dây chằng bị tổn thương thường gặp là khớp cổ tay, vai, khuỷu tay, mắt cá chân, đầu gối hoặc cung bàn chân.

Tổn thương dây chằng gồm ba mức độ: Mức độ một là dây chằng bị giãn. Mức độ hai là dây chằng bị đứt một phần và mức độ ba là dây chằng bị đứt hoàn toàn. Dây chằng bị bong sưng lên nhanh chóng và rất đau. Nói chung càng đau nhiều thì tổn thương càng nặng.

bị bong gân

Cần sơ cứu đúng cách khi bị bong gân để vết thương không bị tổn thương nặng hơn. Hình minh họa.

Nếu bị bong gân nhẹ, bạn nên:

• Bảo vệ để chi bị thương không bị tổn thương nặng hơn bằng cách không sử dụng khớp. Bạn có thể làm được điều này bằng cách sử dụng bất kì thứ gì từ nẹp y tế, dùng băng chun ép cho đến nạng.

• Chườm đá vùng bị thương. Dùng khăn lạnh, khăn ướt hoặc túi chườm đổ đầy nước lạnh sẽ hạn chế sưng sau khi bị thương. Cố gắng chườm đá càng sớm càng tốt sau khi bị thương. Nếu bạn dùng đá, hãy cẩn thận không dùng quá lâu vì có thể gây tổn thương mô.

• Băng ép vùng bị thương bằng băng chun. Băng cuốn hoặc băng ống làm từ sợi chun hoặc neopren là tốt nhất.

• Nâng cao chi bị thương mỗi khi có thể để ngăn ngừa hoặc hạn chế sưng.

• Để chi bị tổn thương nghỉ ngơi. Tuy nhiên, không dừng hoàn toàn các hoạt động.

• Thời gian cần bất động thường là 4 tuần, với người cao tuổi thì thời gian có thể lâu hơn một chút. Sau đó người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng và sau 8 tuần có thể chơi thể thao bình thường.

•Những trường hợp tổn thương dây chằng nhưng do không tuân thủ đúng chỉ định điều trị sẽ dẫn đến xơ hóa dây chằng gây đau mạn tính và khó vận động sẽ phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng.

Nếu bị bong gân nặng (hãy gọi cấp cứu khi):

• Bạn nghe thấy tiếng khục khi khớp bị thương, hoặc bạn không thể cử động được khớp. Điều này có thể có nghĩa là dây chằng đã bị đứt hoàn toàn. Trên đường tới bác sĩ, hãy chườm lạnh.

• Bạn bị sốt, và vùng bị bong gân đỏ và nóng. Có thể bạn bị nhiễm trùng.

• Bạn bị bong gân nặng. Điều trị không thích hợp hoặc chậm trễ có thể làm khớp mất ổn định lâu dài hoặc đau mạn tính.

• Bạn không đỡ sau 2-3 ngày đầu.

(Theo plo.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm