Tai biến y khoa: Đừng vội núp bóng sốc phản vệ

Thời gian gần đây, chúng ta đã đau lòng chứng kiến cái chết được giải thích là do sốc phản vệ gây ra. Phải khẳng định rằng không có thầy thuốc nào lại mong xảy ra những tai biến đó. Tuy nhiên, một số trường hợp tai biến y khoa thường được giải thích một cách vội vã là do sốc phản vệ gây ra. Sự giải thích vội vã này không chỉ liên quan đến trình độ chuyên môn của thầy thuốc mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của ngành y và tính chuyên nghiệp y học.

Vì sao gọi là sốc phản vệ?

Sốc là một trạng thái suy tuần hoàn và hô hấp, đây là những chức năng quan trọng vào bậc nhất của cơ thể. Các trạng thái này được biểu hiện bằng mạch yếu, nhanh và bắt mạch khó khăn (y học gọi là trụy mạch), huyết áp tối đa và tối thiểu đều giảm, thiếu ôxy nên thở nhanh hay thở gấp… Ban đầu người bệnh hốt hoảng, có thể giãy dụa nhưng cứ lịm dần. Sốc có thể hồi phục nếu được phát hiện sớm để điều trị nhưng cũng có thể dẫn đến tử vong. 

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này: nhiễm trùng (gọi là sốc nhiễm trùng), nhiễm độc (sốc nhiễm độc), mất máu nhiều (sốc mất máu, ví dụ như chảy máu sau sinh), chấn thương (sốc chấn thương…). Ngoài ra còn một nguyên nhân khác gây ra sốc là do miễn dịch, còn gọi là sốc phản vệ.

Như vậy sốc phản vệ chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra sốc. Sốc phản vệ là gì? Đó là tình trạng sốc xảy ra khi các thành phần bảo vệ đặc hiệu của cơ thể chống các chất lạ đã tương tác với các chất lạ này khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Cơ thể có những cơ chế bảo vệ trước sự xâm lấn từ bên ngoài của các tác nhân lạ khác nhau. Đó là cơ chế miễn dịch của cơ thể. 

Y tá đang theo dõi nhịp tim cho bệnh nhân trong phòng hồi sức cấp cứu. Ảnh: HTD

Đội quân bảo vệ của cơ thể bao gồm nhiều thành phần, trong đó thành phần thường được nói đến nhất là các tế bào lympho và kháng thể. Như vậy cơ chế bảo vệ của cơ thể cũng giống hệt hoạt động của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong một quốc gia; và các tác nhân xâm nhập vào cơ thể trong trường hợp này có thể xem như là “địch” hay “quân xâm lược”. Cơ chế bảo vệ (hay còn gọi là cơ chế miễn dịch) của cơ thể mạnh hay yếu có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân di truyền. Có cơ thể thuộc loại sinh ra đáp ứng mạnh, có cơ thể thuộc loại đáp ứng yếu. 

Vậy tại sao sự tương tác giữa các thành phần bảo vệ cơ thể với các tác nhân lạ lại có thể dẫn đến sốc? Đã gọi là bảo vệ nhưng tại sao sự tương tác của các thành phần bảo vệ với tác nhân lạ lại dẫn đến tổn thương cho cơ thể? Có thể diễn giải điều này một cách đơn giản như sau: Sự tương tác ấy diễn ra ngay trong cơ thể. Kết quả của sự tương tác này thể hiện ở hai mặt: Mặt tốt là tác nhân lạ bị loại bỏ ra khỏi cơ thể, mặt xấu là cơ thể cũng có thể bị những tổn thương trong quá trình tương tác. Biểu hiện tổn thương cơ thể xảy ra không mong muốn trong quá trình tương tác ấy được gọi là quá mẫn hay dị ứng. Trong trường hợp những tổn thương cho cơ thể quá lớn thì dẫn đến những biểu hiện sốc, người ta gọi sốc xảy ra trong trường hợp này là sốc phản vệ. Cụm từ “phản vệ” theo nghĩa đen là “ngược lại với sự bảo vệ”. Lẽ ra tương tác giữa các “đội quân bảo vệ” cơ thể với tác nhân lạ phải có mục đích bảo vệ cơ thể nhưng kết quả thực tế lại dẫn đến làm tổn thương cơ thể, thậm chí gây tử vong cho cơ thể.

Nói tóm lại cần hiểu rằng sốc có nhiều nguyên nhân và sốc phản vệ chỉ là một loại sốc xảy ra trong quá trình tương tác giữa các thành phần bảo vệ cơ thể với tác nhân lạ.

Không nên vội kết luận sốc phản vệ

Vậy trước mỗi trường hợp tai biến y khoa như tai biến khi tiêm vaccine, tai biến khi gây mê thì có nên vội vã kết luận đó là sốc phản vệ hay không? Câu trả lời là không.

Sốc trong các trường hợp này còn có thể do nguyên nhân khác như tác dụng độc của thuốc tiêm vào (nếu tiêm nhầm thuốc, như trường hợp tiêm nhầm thuốc khác để lẫn với vaccine đã xảy ra ở Quảng Trị hoặc tiêm quá liều) hoặc do thao tác y khoa không chuẩn xác (tiêm nhầm vào mạch máu…). Nếu muốn kết luận nguyên nhân của sốc do phản vệ thì phải có những bằng chứng về miễn dịch học mà những bằng chứng này phải được tìm hiểu rất công phu. Cho nên không nên vội vã kết luận đó là sốc phản vệ.

Thứ nữa, nếu vội vã kết luận là sốc phản vệ thì người ta có thể suy luận rằng nguyên nhân gây ra tử vong chủ yếu là “tại trời” chứ không phải tại sai lầm nào khác trong thao tác y khoa của thầy thuốc. Nguyên nhân “tại trời” là bởi do di truyền mà cơ thể người bệnh đã có phản ứng đáp ứng mạnh mẽ với thuốc và sự tương tác giữa các thành phần của đáp ứng mạnh mẽ đó với thuốc đã gây ra tử vong. Việc quy kết vội vã nguyên nhân “tại trời”, dù vô tình (do kém hiểu biết về chuyên môn) hay cố ý (muốn làm nhẹ khiếm khuyết của thầy thuốc để trấn an dư luận) đều làm cho người ta thấy giải thích như vậy là có ý ít nhiều bênh vực một cách thiếu căn cứ khiếm khuyết của thầy thuốc. Đó là cách ngụy biện sai lầm của thầy thuốc bằng một kiến thức chuyên sâu của y học mà không phải ai trong dân chúng cũng hiểu hoặc hiểu mập mờ. 

Vài suy nghĩ về khía cạnh xã hội và y đức, y nghiệp xin bộc bạch chia sẻ cùng đồng nghiệp thầy thuốc.

- Khoảng 10 giờ sáng 25-8, bé Pi Năng Tuấn Hữu (14 tháng tuổi) đã tử vong sau hai ngày cấp cứu tích cực tại BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Trước cháu Hữu, bé Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (11 tháng tuổi) và bé Nguyễn Quang Minh (14 tháng tuổi) cũng đã tử vong. Cả ba trẻ này đều tham gia chương trình phẫu thuật từ thiện miễn phí sứt môi, hở hàm ếch do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA - thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội) phối hợp với BV Quân y 87 thực hiện từ ngày 23-8. Đại tá Nguyễn Bá Hành, Giám đốc BV Quân y 87, nhận định nguyên nhân khiến ba cháu tử vong là do sốc phản vệ.

- Ngày 20-8-2014, BV Đa khoa Kỳ Anh, Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Minh Vương (hai tuổi) trong tình trạng bị sốt. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán viêm họng cấp và cho truyền dung dịch Natri Clorid, sau đó cho tiêm Taxibiotic. Một lúc sau bệnh nhân tím tái, co giật. Bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị sốc phản vệ và cố gắng cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.

- Ngày 14-7-2014, Nguyễn Thị Mai nhập viện tại BV Đa khoa tỉnh Kon Tum vì bị viêm Amiđan mạn tính, tái phát nhiều lần/năm. Trong quá trình khám bệnh, chị Mai tỉnh táo, tim phổi bình thường. Ngày 17-7, chị Mai được chuyển vào phòng mổ và kíp gây mê tiến hành khởi mê. Khoảng hai phút sau, chị Mai kêu mệt, khó thở, tức ngực, đau đầu… và có dấu hiệu nguy kịch. Các y, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc gây mê và tập trung cứu chữa nhưng chị Mai không qua khỏi.

- Ngày 19-7-2013, các anh H., Đ. và T. đưa vợ vào BV huyện Hướng Hóa, Quảng Trị để sinh. Sau khi sinh các trẻ đều rất khỏe mạnh, bú bình thường. Sáng 20-7, y tá đến tiêm vaccine viêm gan B (sơ sinh). Một lúc sau, gia đình phát hiện các cháu bé có biểu hiện tím tái, khó thở rồi tử vong ngay sau đó. Bộ Y tế sau đó đã kết luận các cháu bé tử vong do “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân”. 

Dù có ý muốn đổ “tại trời” do là vô tình hay cố ý thì khi giải thích cũng cần nhớ rằng trong thao tác y khoa, thầy thuốc bao giờ cũng có trách nhiệm phát hiện cơ thể người bệnh có cơ địa dị ứng hay không để dự phòng những hiện tượng sốc phản vệ có thể xảy ra. Điều này Bộ Y tế đã hướng dẫn tại Thông tư số 08/1999 ngày 5-8-1999. Trong nhiều thao tác phát hiện cơ địa dị ứng, thao tác đơn giản nhất nhưng lại có giá trị cao là khai thác tiền sử bằng cách hỏi người bệnh hay người nhà xem người bệnh trước đó đã có những biểu hiện dị ứng hay chưa. Trong thực hành y khoa hiện nay, nhiều thầy thuốc đã bỏ qua những thao tác giản đơn nhưng rất giá trị này. Đó là một ví dụ về việc cần thiết nâng cao tính chuyên nghiệp y học (medicalprofessionalism) song song với giáo dục đạo đức nghề nghiệp y tế ở nước ta hiện nay.

GS-TSKH PHẠM MẠNH HÙNG

GS-TSKH PHẠM MẠNH HÙNG*

(*) Tựa do tòa soạn đặt. Tác giả là chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Miễn dịch học - Học viện Quân y.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm