Thêm chút gì cho bớt buồn?!

Dưới góc nhìn tượng hình, buồn bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh của hai “cô”: cô đơn và cô độc, thậm chí nỗi buồn cũng sợ phải thui thủi một mình trong cõi đi về. Buồn vì thế sớm muộn cũng kéo theo… chán cho có bầu có bạn. Bằng chứng là nhiều nhà thống kê đã không ngần ngại tiên đoán bệnh chứng trầm trọng nhất của thế kỷ 21 sẽ không là bệnh tim mạch, cũng không phải ung thư, cũng không phải do bệnh nhiễm nào đó, mà là căn bệnh nghe qua đã đủ mệt: bệnh trầm uất!

Hội chứng ngày nào cũng sợ!

Chính trên cơ sở vừa phân tích mà “hội chứng mệt mỏi kinh niên” đã từ lâu là một thực thể bất khả hoán chuyển ở người mọi lứa tuổi, thậm chí trên nhiều đối tượng đang thành đạt. Hội chứng này, trong đó buồn chán thậm chí buồn bực vô cớ, sớm muộn cũng cô đọng vào hình ảnh ngán sợ đến độ muốn nhắm mắt bịt tai để nạn nhân chối bỏ ngày đầu tuần. “Hội chứng ngày thứ Hai” vì thế là tác phẩm rất tâm đắc của trầm uất. Hội chứng này có tính lây lan rất cao. Lây vì người xung quanh khó mà vui khi kẻ đứng giữa cứ… buồn! Nói chi đến cảnh vật bên ngoài, “người buồn” thì kẻ khác “có vui đâu bao giờ”! Bệnh dễ lan rộng vì “hội chứng ngày thứ Hai” như vết dầu lấn dần sang ngày thứ Ba để đến lúc nào đó trở thành “hội chứng suốt tuần” rồi “hội chứng trọn tháng” (trừ ngày lãnh lương, ngày lễ hay ngày nghỉ phép) để buồn chán len lén trở thành một phần day dứt của cuộc đời.

Bác sĩ ở Ấn Độ đúng là phần nào có lý khi đề xướng phương pháp trị nhiều loại bệnh, không riêng gì chứng buồn chán, bằng cách tập… cười. Ảnh: Internet

Thiếu gì chuyện nhỏ cũng buồn?

Buồn chán tất nhiên có nhiều nguyên nhân vì “mỗi người một vẻ, mạnh ai nấy buồn”. Tuy nhiên, hầu như tất cả nạn nhân có một điểm tương đồng. Đó là theo kết quả phân tích khoáng tố vi lượng trong tóc, không ai có đủ lượng kẽm trong cơ thể! Liệu kẽm có vai trò nào không trong chuyện vui buồn?

Dám lắm à vì lượng kẽm trong cơ thể không chứa đầy một muỗng cà phê nhưng kẽm có mặt trong từng tế bào vì là thành phần cốt yếu trong cấu trúc của hàng trăm loại men chuyển hóa. Nhiều thể dạng bệnh lý phức tạp từ mệt mỏi, trầm uất bước qua rụng tóc, lở ngứa cho đến rối loạn tâm thần, thấp khớp, xơ chai mạch máu, thậm chí liệt dương…, chỉ vì cơ thể thiếu kẽm! Bên cạnh đó, kẽm yểm trợ chức năng giải độc của lá gan. Với người nghiện rượu, nghiện thuốc lá, kẽm chẳng khác nào “chiếc phao giữa dòng”.

Lượng nhỏ mà công lớn!

Kẽm tuy mang hình ảnh của vật thể nhưng kẽm lại là đòn bẩy của mọi hoạt động tư duy. Nhờ tác dụng hưng phấn, kẽm phản ứng phóng thích một số tác chất của hệ thần kinh trung ương có công năng gây tự tin và yêu đời. Đối tượng đủ kẽm nhờ đó là người luôn giữ được cái nhìn lạc quan. Nhờ có kẽm mà mỗi buổi sáng đều là một ban mai tươi hồng đậm màu hy vọng. Vì đủ kẽm mà mỗi nhịp sống như được bao kín trong tin yêu.

Trái với các khoáng tố khác, bệnh do thiếu kẽm xuất hiện đột ngột khi chế độ dinh dưỡng vì lý do nào đó không cung cấp đủ kẽm cho cơ thể, dù chỉ trong thời gian tương đối ngắn. Khoáng tố này vì thế rất dễ hao hụt ở người ngày đêm phải chung thủy với stress. Càng cao danh vọng càng mau thiếu kẽm. Càng thiếu kẽm càng sớm trên biểu dưới không nghe. Càng cạn kẽm càng mau hết pin dù chưa xài bao nhiêu.

Khoáng tố nào giúp trẻ lâu không già?

Quan trọng hơn hết về mặt tác dụng của kẽm là công năng bảo vệ màng tế bào. Cấu trúc của tế bào nhờ kẽm mà ổn định, sống lâu, trẻ lâu. Nói cách khác, kẽm là nhân tố quyết định đề phòng bệnh ung thư và trì hoãn tuổi già. Buồn chán phải chăng là dấu hiệu của già trước tuổi? Có thực mới vực được đạo. Chính vì thế mà hải sản, nguồn cung ứng kẽm chủ lực, là thành phần cần được chú trọng hàng đầu trong bữa ăn của người thường phải lo lao tâm lao lực, người thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Hải sản không đồng nghĩa với cua gạch, tôm hùm mới đủ kẽm! Nghêu, sò, ốc, hến loại bình dân đã thừa sức để cơ thể “đến hẹn lại lên”, miễn là đừng phối hợp với bia rượu quá độ.

Vừa chôn buồn xuống lại đào buồn lên

Gặp buồn thì than nhưng thiếu buồn lại nhớ. Nỗi buồn như chén canh khổ qua, như tô bún mắm, như múi sầu riêng, chưa ăn thì ngại, ăn rồi khó quên. Nỗi buồn như khách từ xa, không mong nhưng vẫn đến. Nếu đã không thể trốn khách thì tốt hơn nên rộng cửa đón khách vào nhà. Dù sao đi nữa, cuộc đời liệu có còn nghĩa ngọt bùi nếu thiếu vắng đâu đó ít nỗi buồn cay đắng? Điểm khó chính là làm sao để buồn thì cứ buồn nhưng đừng từ buồn thành chán. Để mài bén lưỡi dao cắt đứt sợi dây oan khiên nối liền buồn và chán biết đâu chỉ cần trông cậy vào chút bột… kẽm!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm