Thiếu nước, nhiều bệnh nhân hoãn mổ

Việc đường ống nước sông Đà bị vỡ lần thứ 15 đang gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân Hà Nội. Nghiêm trọng hơn, công tác khám, chữa bệnh tại nhiều bệnh viện (BV) lớn như BV Phụ sản Hà Nội, BV 198 (Bộ Công an) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ca mổ đã phải hoãn lại.

Sản phụ phải bỏ chạy

Mỗi ngày BV Phụ sản Hà Nội tiếp nhận hơn 1.000 lượt người đến khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 600 sản phụ và gần 400 trẻ sơ sinh điều trị nội trú, chưa kể người nhà bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày BV sử dụng gần 400 m3 nước. Tình trạng mất nước sinh hoạt kéo dài từ ngày 25-9 đang khiến cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều khốn khổ.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt (Thanh Trì, Hà Nội) đưa con dâu đi sinh ở BV Phụ sản Hà Nội cho hay: “Không có nước, tôi phải mua bình nước ở ngoài để phục vụ sinh hoạt cá nhân. Đi vệ sinh cũng phải ráng nhín. Ở đây vài hôm chắc ốm luôn”. Theo phản ánh của nhiều người, do không có nước nên khu vực vệ sinh của BV bốc mùi nặng. Nhiều sản phụ không chịu được, phải chuyển đi BV khác để sinh nở.

Tại BV 198 (Bộ Công an), anh Nguyễn Cường đang nuôi bệnh cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải đi xách nước từ dưới bể để phục vụ sinh hoạt. Còn nước tắm thì không có, muốn tắm phải ra dịch vụ bên ngoài”. Một số bệnh nhân do mất nước đã phải xin ra viện sớm.

 
Chiều 30-9, bệnh nhân đang điều trị ở BV 198 vẫn phải xách từng can nước lên phòng bệnh để dùng dần. Ảnh: HUY HÀ

BV gồng mình ứng phó

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc phụ trách hậu cần BV 198, xác nhận việc thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu cho bệnh nhân. “Mỗi ngày BV tiếp nhận 20-30 ca mổ cấp cứu, không có nước, các ca mổ không thể tiến hành. Hàng chục bệnh nhân chạy thận cấp cứu cũng cần một lượng nước lớn để vận hành máy lọc, tăng áp” - ông Hiển cho biết.

Theo bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính - BV Phụ sản Hà Nội, trừ khoa Cấp cứu, nhiễm khuẩn, phụ sản là phải ưu tiên nước 24/24, những khoa, phòng còn lại đều bị cắt nước luân phiên. BV đã phải gửi công văn đề nghị Xí nghiệp nước sạch Đống Đa và Công ty Kinh doanh nước Hà Nội cung cấp nước để phục vụ cấp cứu và điều trị.

“Ngày 29-9, Xí nghiệp nước sạch Đống Đa điều xe chở nước đến hỗ trợ BV. Công ty cũng lắp đặt máy bơm hút nước trực tiếp vào BV nhưng lượng nước vẫn không đủ dùng” - bà Nguyệt thông tin.

Chiều 30-9, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho hay Sở Y tế TP Hà Nội đã chỉ đạo BV Phụ sản Hà Nội ưu tiên kinh phí mua nước về sử dụng. Hiện BV phải tạm dừng các ca mổ phiên, các ca không cần mổ cấp cứu cho đến khi đủ nước trở lại. Những ca cần mổ cấp cứu nhưng không đủ điều kiện sẽ được chuyển sang BV Phụ sản Trung ương hoặc các BV đa khoa có khoa sản trên địa bàn Hà Nội.

“Tuy nhiên, đây là trường hợp dự phòng, vì trong những ngày vừa qua BV chỉ tạm hoãn 20 ca mổ phiên, chưa phải chuyển một ca bệnh nào sang BV khác vì thiếu nước” - bà Liên nói.

Có thể buộc đơn vị cấp nước bồi thường?

Tôi nghĩ vẫn có thể đặt vấn đề trách nhiệm dân sự với đơn vị cấp nước, đơn vị gây vỡ ống nước nếu hợp đồng mua bán nước giữa BV và đơn vị này có đề cập. Chẳng hạn, hợp đồng có điều khoản là: Nếu để diễn ra tình trạng mất nước trên năm ngày thì đơn vị cấp nước phải bồi thường các tổn thất kinh tế cho BV… Tuy nhiên, mẫu hợp đồng mua bán nước hiện nay thường không có nội dung này vì nó trói buộc trách nhiệm của bên bán dịch vụ quá nhiều. Trong khi nước là một mặt hàng Nhà nước độc quyền cung cấp nên thường sử dụng một mẫu hợp đồng dịch vụ chung.

Do vậy dù hậu quả của sự cố mất nước với cá nhân hoặc tập thể nào đó trên địa bàn Hà Nội là rõ nhưng không thể đặt ra trách nhiệm của đơn vị liên quan. Còn việc yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng trong trường hợp này là không được vì hành vi vi phạm đang và sẽ được xử lý bằng biện pháp khác.

Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm