Thông tuyến BHYT, lo ‘thủng’ kho thuốc

Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế phường/xã hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện (BV) tuyến quận/huyện thì được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế trong cùng địa bàn tỉnh được xem là khám đúng tuyến và sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh theo mức quyền lợi hưởng BHYT. Đây là điểm mới vì trước đây, khi bệnh nhân khám không đúng tuyến tại các BV tuyến quận/huyện thì mức hưởng BHYT là 70%.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy việc thông tuyến không chỉ gây quá tải cho một số BV mà còn có khả năng làm “thủng” kho thuốc BHYT.

Lượt khám, chữa bệnh sẽ tăng

Tại BV quận Thủ Đức, TP.HCM, trung bình mỗi ngày trước đây BV khám cho khoảng 3.600 lượt bệnh nhân. Nhưng bắt đầu từ ngày 4-1, BV đã tiếp nhận đến 4.400 lượt bệnh nhân, tức tăng 800 lượt.

“Từ đầu BV đã ước chừng được nên đã tăng cường gần 130 bàn khám và tất cả đều thuận lợi” - BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, nói. Tuy nhiên, số bệnh nhân vượt tuyến từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai thì giảm nhiều, vậy số lượt tăng này ở đâu ra?

Lãnh đạo quận 2 cũng biết trong tuần qua, trung bình mỗi ngày BV tăng thêm khoảng 500 bệnh nhân, nâng tổng số bệnh nhân đến khám tại BV mỗi ngày lên 1.700 lượt. Qua tổng kết, BV quận có 80 lượt thông tuyến. Trong khi đó, tại BV quận Gò Vấp, mỗi ngày số đến khám, chữa bệnh cũng tăng lên 100-200 lượt, tăng số lượt khám, chữa bệnh mỗi ngày tại BV là 1.300 lượt.

Giám đốc một BV (xin giấu tên) đặt vấn đề, việc bệnh nhân có quyền đi mọi cơ sở y tế theo quy định đã có từ cách đây một năm nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có phần mềm kiểm soát thực hiện thông tuyến. Do vậy, khi áp dụng (từ ngày 1-1) sẽ có những người lợi dụng kẽ hở.

“Sáng họ đi BV quận 10, chiều đi BV quận 3 khám lấy thuốc. Sáng hôm sau họ đi BV quận Bình Thạnh, chiều lại qua BV quận Phú Nhuận lấy thuốc. Ai kiểm soát được? Chưa kể bệnh nhân hôm nay thích đi chỗ này, ngày mai đi chỗ khác không được theo dõi liên tục, sử dụng kháng sinh bừa bãi, phát sinh nhiều hệ lụy”.

Khi thông tuyến, bệnh nhân sẽ được tự do lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại mất kiểm soát trong cấp phát thuốc và việc theo dõi điều trị không xuyên suốt. Ảnh: TÙNG SƠN

Có phần mềm vẫn chưa thông

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết thông tuyến là yêu cầu của Luật BHYT nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT. Theo ông Sang, khả năng lạm dụng là có nhưng chủ trương chung phải làm. Riêng BHXH TP.HCM thì đã chuẩn bị phần mềm cung cấp cho các cơ sở y tế để thực hiện thông tuyến.

Phần mềm này sẽ được kết nối với kho dữ liệu của BHXH TP. Khi BV quẹt thẻ BHYT thì sẽ phát hiện người bệnh đã khám hay chưa, đã từng khám ở đâu, căn cứ vào đơn cấp thuốc ngoại trú. Nếu đã khám rồi thì cơ sở tiếp nhận sau sẽ cho dừng lại không khám nữa, bên cạnh đối chiếu sổ khám.

“Chương trình này yêu cầu phải kết nối giữa các BV. BHXH TP chủ động cung cấp phần mềm nhưng giữa các cơ sở có liên kết dữ liệu với nhau không lại là chuyện khác, không phải muốn là được. Còn ở phường/xã thì công nghệ thông tin chắc chắn là thua. Cả nước chẳng ai làm chuyện này” - ông Sang nói.

Hiện BHXH TP đã triển khai trên 50 cơ sở được thông tuyến trong số 70 BV quận và phòng khám đa khoa tư nhân, 162 trạm y tế phường/xã, y tế cơ quan khác. Tuy nhiên, chưa có nơi nào thông dữ liệu với nhau.

Theo ông Sang, muốn ngăn chặn việc khám lấy thuốc, bác sĩ trước khi ra một toa thuốc thì phải biết người bệnh cách đó vài phút có khám bệnh chưa, còn trong phạm vi cho thuốc hay không. Chứ nếu cho thuốc xong mới phát hiện thì chỉ rút kinh nghiệm. “Bàn khám từng bác sĩ phải kết nối vào kho dữ liệu nhưng chuyện này không dễ thực hiện” - ông Sang kết luận.

TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết do mới thông tuyến được một tuần nên Sở Y tế TP.HCM chưa có số liệu của toàn ngành. Sở đã yêu cầu các BV còn khó khăn chủ động liên hệ với các BV TP để triển khai mô hình phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh nhưng giải pháp này chỉ mang tính ngắn hạn, vấn đề chính vẫn là nỗ lực của chính các BV.

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khám, chữa bệnh là cách hiệu quả nhất để phòng ngừalạm dụng thẻ khám, chữa bệnh để trục lợi - BS Tăng Chí Thượng khẳng định.

Bệnh viện, phòng khám có nguy cơ bị xuất toán

Ngày 31-12-2015, BHXH TP.HCM gửi công văn hướng dẫn việc thông tuyến cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, BHXH sẽ cung cấp miễn phí phần mềm BHYT. Phần mềm có tính năng: Tra cứu tóm tắt thông tin lịch sử khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT; xác nhận đồng ý thực hiện khám, chữa bệnh; sau đó thông tin xác nhận này sẽ được gửi về BHXH TP. Khi chương trình cảnh báo thẻ BHYT đã được sử dụng trong thời gian trước đó một tháng tại các cơ sở khám, chữa bệnh khác, đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh đang tiếp nhận bệnh nhân: Kiểm tra toa thuốc, sổ khám bệnh của bệnh nhân để tránh trùng lặp thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân và lãng phí quỹ khám, chữa bệnh BHYT. BHXH TP cũng sẽ từ chối thanh toán nếu phát sinh chi phí trùng lặp giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo Vụ BHYT (Bộ Y tế), hiện nay cả nước có khoảng 61 triệu người đang tham gia BHYT, đạt khoảng 69% dân số. Trong số đó có khoảng 14,3 triệu người nghèo và dân tộc thiểu số, gần 2 triệu người cận nghèo có thẻ BHYT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm