Trạm y tế hết 'tầm thường' như xưa

Trạm Y tế (TYT) phường Tây Thạnh, quận Tân Phú (TP.HCM) vẻ ngoài vẫn như trước nhưng bên trong “nội lực” lại hoàn toàn khác. Đây là một trong những TYT được phòng khám vệ tinh quận Tân Phú và Trung tâm Y tế quận phối hợp thành lập với hơn 14 bàn khám có cơ sở vật chất khang trang.

Trạm y tế nhộn nhịp

Tại đây còn có đội ngũ 12 bác sĩ, dược sĩ, chín điều dưỡng và hộ sinh cùng nhiều thiết bị y tế quy mô như một phòng khám. Do đó, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đây đã tăng khá nhiều so với trước và đa dạng các loại bệnh hơn so với trước đây.

Bà Ngô Ngọc Dung tâm sự bà bán tạp hóa gần TYT phường Tây Thạnh nhưng xưa giờ chưa bao giờ ghé vào đây. “Người ta nói ở đây chỉ có truyền dịch, chống muỗi chứ làm gì khám chữa bệnh. Ấy vậy mà từ ngày TYT “lột xác” lên bệnh viện (BV), tuy là cuối tuần nhưng bệnh nhân vẫn đến khám. Tôi bán nước ở gần đây thấy nhộn nhịp hẳn lên. Giờ mỗi lần bệnh tuổi già tái phát, chân tay đau nhức chỉ cần qua đây chứ không phải bỏ ra cả ngày lên BV quận Tân Phú khám như trước nữa” - bà Dung kể.

Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế - phòng khám phường 11, quận 3. Ảnh: HA

Ra đời trước TYT phường Tây Thạnh không lâu, TYT xã hội hóa phường 11, quận 3 cũng nhận được khá nhiều đánh giá tích cực. Ông Nguyễn Tuấn Anh, ngụ phường 11, quận 3, cho biết: “Do tôi bị tim mạch lại còn bị đĩa đệm phải chụp MRI nên tuần nào cũng đi khám ở BV ba lần. Giờ có TYT hiện đại gần nhà nên tôi sẽ chuyển về đây cho thuận lợi. Dù có hưởng BHYT ít hơn tôi cũng muốn khám ở đây hơn, vừa gần vừa sạch đẹp” - ông Tuấn Anh nói.

Mô hình TYT phát triển thành BV thu hút được người dân không chỉ nhờ những cơ sở vật chất hiện đại, gần gũi mà giá khám chữa bệnh ở đây cũng tương đương các cơ sở khám chữa bệnh khác. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng TYT phường 11, quận 3, giá khám bệnh quy định là 80.000 đồng/lượt, khám chuyên khoa 90.000 đồng và khám chuyên sâu, tư vấn là 100.000 đồng/lượt, được áp dụng cố định trong và ngoài giờ hành chính.

“Trước đây, TYT phường không triển khai nhưng sắp tới sẽ tổ chức cả khám chữa bệnh cho người có BHYT. Người bệnh sẽ được hưởng theo đúng quy định như ở các cơ sở y tế khác” - ông Hùng nói.

Mở rộng mô hình

Thực tế tại TP.HCM, người dân mỗi lần đau ốm dù nặng hay nhẹ đều tập trung đến các BV lớn để khám. Điều này dần tạo thành thói quen dẫn đến tình trạng quá tải, chen chúc tại các BV tuyến trên. Áp lực đè nặng lên các y bác sĩ và phần nào khiến việc khám chữa bệnh cho người dân không đạt hiệu quả tối đa.

Trong khi đó các TYT phường, xã lại mang một hình ảnh đối lập. Nhiều TYT trống hoác người bệnh, không phát huy được nhiệm vụ của mình.

Nhận thấy thực tế này, từ đầu năm 2017, Sở Y tế TP.HCM tập trung đầu tư vào các TYT phường, xã nhằm củng cố và tạo thêm niềm tin cho người dân. Đến nay, TYT tại một số địa phương đã đảm đương được trách nhiệm của một phòng khám đa khoa, mang đến phần nào hài lòng cho người dân.

Theo GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, đánh giá TP.HCM hiện có 319 TYT phường, xã nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Vì vậy, TP triển khai dự án xã hội hóa TYT phường xã, trong đó đơn vị thí điểm đầu tiên là TYT phường 11, quận 3. Theo đó, TYT vẫn giữ nguyên các chức năng nhiệm vụ theo quy định như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khám chữa bệnh cho gia đình thuộc diện chính sách. Bên cạnh đó, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc, tăng cường nhân lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân từ khâu dự phòng, khám, điều trị. Từ đó góp phần giảm tải các BV tuyến trên.

Lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân

Trong chuyến kiểm tra về mô hình TYT - phòng khám tại TP.HCM mới đây, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam cho rằng y tế cơ sở hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Nhiều trạm y tế xã, phường xây rất khang trang nhưng chất lượng khám lại không đảm bảo, người dân đến rất ít. Người dân hầu như không có niềm tin vào y tế cơ sở nên hay lên thẳng tuyến trên dẫn đến quá tải. Việc này cần thiết phải thay đổi.

“Mô hình TYT - phòng khám tại TP.HCM là một trong những mô hình đầu tiên của cả nước và tôi đánh giá rất cao mô hình này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu để thay đổi. Nếu phát triển ổn định để TYT có thể lập được sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân. Để khi cần bác sĩ chỉ cần lấy dữ liệu về công dân rồi cập nhật thêm tình hình sức khỏe mới, như vậy mới gọi là thành công” - Phó Thủ tướng nhận xét.

____________________________

Thời gian tới, mô hình phát triển trạm y tế, trung tâm y tế trở thành phòng khám đa khoa sẽ được mở rộng hơn nữa ở các quận, huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám bệnh ở nơi gần nhất, góp phần giảm tải cho BV tuyến trên.

GS-TS-BS NGUYỄN TẤN BỈNH, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm