Túi này có sỏi, túi kia hết tiền!

Tùy theo kích thước và vị trí mà sỏi túi mật có thể gây tắc nghẽn và dẫn đến cơn đau tá hỏa tam tinh kêu xe cấp cứu không kịp. Đó là chưa nói đến chuyện kiếm được xe rồi nhưng lại kẹt… xe! Ai đã từng trải qua cơn đau do sỏi túi mật chắc chắn nhớ đời!

Cơ chế gây sỏi mật

Thầy thuốc hiện nay có nhiều phương tiện tương đối an toàn để xử lý sỏi túi mật, từ thao tác ngoại khoa bước qua cách tán sỏi bằng laser, siêu âm… Nhưng vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó. Cho dù có tán mất viên sỏi lần này, chuyện lại có sỏi trong túi mật hay sỏi trong gan, nếu như phải cắt bỏ túi mật vì chẳng đặng đừng là điều khó tránh. Bằng chứng là số người hết sỏi sau khi tán sỏi rồi lại có sỏi chiếm tỉ lệ rất cao. Điểm cốt lõi chính là làm sao nếu như chưa có sỏi túi mật thì đừng có, nếu như đã loại bỏ được sỏi thì đừng tái phát?

Muốn được vậy, gan một mặt vẫn phải tạo mật để đáp ứng nhu cầu giải độc và biến dưỡng nhưng mặt khác mật phải nhanh chân xuống ruột non càng sớm càng tốt. Muốn vậy, mật không được phép bình chân như vại quá lâu, chẳng hạn vì cơ vòng túi mật co thắt thái quá, hay vì thành túi mật nay viêm mai tấy do tác hại của độ cồn. Tình trạng này nghiêm trọng hơn nữa ở đối tượng phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, người tự đầu độc bằng rượu bia, thuốc lá, cũng như bệnh nhân viêm gan không được điều trị đúng bài bản…


Người phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, người tự đầu độc bằng rượu bia, thuốc lá… có nguy cơ cao bị sỏi mật.

Điều trị bằng Đông y

Đáng tiếc vì phương án giải quyết tình trạng kẹt mật trong túi mật đơn giản hơn nhiều nếu so với vấn nạn kẹt xe vào giờ cao điểm lúc tan trường, tan sở. Đó là tạo thói quen đưa mật từ gan xuống ruột bằng cách áp dụng các cây thuốc có công năng “nhiều trong một”, vừa lợi mật vừa chống co thắt túi mật, lại thêm kháng viêm trên đường dẫn mật.

Bên cạnh chuyện phải nhờ thầy thuốc động dao động kéo, nếu kích thước và vị trí của sỏi gây tắc nghẽn đường dẫn mật, nhiều trường hợp sỏi túi mật không cần phải được can thiệp ráo riết bằng thao tác ngoại khoa. Thêm vào đó nhiều bệnh nhân vì quá sợ dao kéo nên tìm thầy tán sỏi bằng cách dùng thuốc Đông y. Không sai, nếu được điều trị đúng bài bản. Dùng thuốc làm tan sỏi không hẳn lúc nào cũng chắc ăn như bắp vì nhiều nhân tố cần được xử lý đồng bộ mới mong thanh toán viên sỏi. Chính vì thế mà thầy thuốc sành dược liệu thiên nhiên bao giờ cũng kết hợp nhiều vị thuốc ăn khớp trong phác đồ điều trị sỏi túi mật.

Trước hết, trong túi mật không bỗng dưng có vài viên sỏi nếu dòng mật được bài tiết từ gan qua túi mật xuống ruột non lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Vị thuốc chủ lực trong bài thuốc tán sỏi bao giờ cũng có tác dụng lợi mật như Nhân Trần, Chi Tử…

Kế đến, các thành phần trong mật như cholesterol, bilirubin không tự nhiên bỗng rủ nhau kết dính thành khối để viên sỏi từ đó thành hình. Thầy thuốc vì thế thường dùng cây thuốc có tác dụng hạ acid uric, chống cholesterol để qua đó gián tiếp phá vỡ cấu trúc của sỏi như Kim Tiền Thảo, Uất Kim…

Thêm vào đó, mật không ứ đọng quá lâu trong túi mật nếu mặt trong đường dẫn mật không phù nề vì viêm tấy, vì bội nhiễm. Trong thành phần của bài thuốc tán sỏi do đó không thể thiếu các vị thuốc kháng viêm trên đường gan mật như Diệp Hạ Châu, Hoàng Bá…

Sau hết, mật có thể bị giam lỏng trong túi mật quá lâu, cho dù lưu lượng mật từ gan xuống túi mật trong định mức bình thường nhưng vì cơ vòng túi mật co thắt trật nhịp. Bài thuốc trị sỏi túi mật vì thế phải đồng thời có tác dụng điều hòa nhu động của cơ trơn nhờ thành phần như Chỉ Xác, Sài Hồ…

Một trong các chức năng quan trọng của lá gan là giải độc cho cơ thể. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Muốn gan giải độc cho khéo cũng phải nhớ giải độc cho gan! Muốn mật đừng ứ trong đường dẫn mật phải tạo điều kiện để mật cứ đến nhưng ra đi cho sớm. Đáng tiếc vô cùng, thậm chí thường khi đáng trách nếu vướng vài viên sỏi trong túi mật chỉ vì mật kia ở riết không đi!

Nhiều mặt giáp công mới hết sỏi

Nếu một cây làm chẳng nên non thì muốn giải quyết viên sỏi trong túi mật phải biết cách vận dụng tác dụng hỗ tương của dược thảo. Đó cũng là lý do tại sao thầy thuốc y học cổ truyền bao giờ cũng tôn trọng nguyên tắc hài hòa và cân đối của tiêu chí “quân thần tá sứ” trong cấu trúc của bài thuốc. Nhiều mặt giáp công mới mong hết sỏi. Khó chính ở chỗ tìm được thầy vững tay nghề để chẩn đoán chính xác theo tiêu chí Tây y và điều trị đúng cách bằng phương tiện Đông y đã được “đãi cát lọc vàng” trong thời buổi quảng cáo cường điệu đang lên ngôi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm