Tuổi thật, tuổi giả

Tuổi sinh học (tuổi thật) của mỗi người thường không trùng khớp với tuổi khai sinh. Cùng 50 tuổi, nhưng có người vẫn còn sức vóc của tuổi 40, nhưng cũng có người đã có thể trạng của một người 60.

Sinh cùng một ngày, nhưng một vài người có tuổi sinh học thấp hơn tuổi khai sinh rất nhiều, và ngược lại. Nghiên cứu thực tế này sẽ giúp y học tìm cách làm chậm lại quá trinh lão hóa của con người, vì trong mỗi chúng ta, tuổi sinh học mới là “tuổi thật” trong chăm sóc y tế.

Trong một nghiên cứu được đăng tải trong Niên giám của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ vào đầu tháng 7 vừa qua, các nhà khoa học đã theo dõi thể trạng tổng quát, từ gan, thận, phổi, hệ thống chuyển hóa và miễn dịch, tỷ lệ cholesterol, khả năng tuần hoàn- hô hấp, tình trạng răng miệng, v.v… của 1.000 người ở độ tuổi 38. Kết quả là họ nhận thấy rằng một số người “già” nhanh hơn so với người khác một cách đáng kinh ngạc.

Kết quả nghiên cứu nói trên chứng minh được sự không tương thích giữa hai khái niệm “tuổi sinh học” (hay còn được gọi là “tuổi sinh lý”, được tính trên toàn bộ các hệ thống cấu thành cơ thể chúng ta như hệ tim- mạch, hô hấp, xương khớp, hệ miễn dịch,...) và “tuổi khai sinh” (tức tuổi được xác định theo ngày, tháng, năm sinh).

Thông thường, ở tuổi 20, cơ thể chúng ta hoạt động rất “trơn tru”: mạch máu mềm mại uyển chuyển, chức năng phổi tốt nhất, gan thận “chạy” rất… êm, cơ bắp chắc khỏe, xương cứng cáp, v.v… Tuy nhiên cũng chính từ thời điểm 20 tuổi đó, nhiều cơ quan và một vài chức năng trong cơ thể chúng ta sẽ bắt đầu… xuống cấp.

Chuyển biến này ban đầu thì chậm nhưng dần dần sẽ tăng tốc, khiến chúng ta bắt đầu bị bệnh này bệnh nọ. Tuy nhiên, tốc độ lão hóa ở mỗi người mỗi khác. Lúc 50 tuổi, có người vẫn còn được hệ tim mạch của tuổi 40, nhưng cũng có người 50 tuổi mà đã có quả tim của một người 60, hoặc 65- 70 tuổi.

Chúng ta có thể già đi một cách bình thường, hoặc nhanh hơn, hoặc chậm hơn từ ảnh hưởng của các yếu tố nội tại hoặc ngoại lai như gien di truyền, chế độ dinh dưỡng, cơ chế chuyển hóa, hoạt động thể chất, tình trạng stress, những chất độc hại ô nhiễm mà chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày,… Song, mỗi chúng ta phản ứng và hấp thu khác nhau trước các tác nhân nói trên, ví dụ cùng một tác nhân gây stress như nhau nhưng hai người khác nhau hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng khác nhau và có phản ứng đáp lại cũng khác nhau.

Việc định lượng được tuổi sinh học của một người sẽ là thước đo để phòng ngừa các nguy cơ bệnh tật trên người đó, đó chính là công cụ hỗ trợ tích cực hiệu quả cho công tác dự phòng trong chăm sóc y tế. Bởi tuổi khai sinh của một người thì luôn tăng lên theo thời gian, tức khi nhìn vào giấy tờ tùy thân thì chúng ta ai cũng phải già đi theo năm tháng, song tuổi sinh học của mỗi người thì có thể tiến triển theo hai hướng khác nhau.

Căn cứ vào đó, y học có điều kiện chủ động để cải thiện sức khỏe của mỗi cá nhân căn cứ trên tuổi sinh học của người đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm