Tuyến nào giúp ta yêu đời?

Với nghề nào cũng thế, bên cạnh cơ sở vật chất, vốn liếng, nhân sự, kiến thức, kinh nghiệm… tinh thần lạc quan chắc chắn là yếu tố quyết định cho hiệu năng. Ngay cả trong trường hợp không thành công như mong muốn, cặp kính màu hồng tối thiểu cũng là đòn bẩy để ta yêu nghề cho dù đó có là nghiệp chướng trầm luân.

Bốn loại hoạt chất biến buồn thành vui

Dưới góc nhìn của thầy thuốc, cảm giác lạc quan và sảng khoái trong công việc, trên thực tế là biểu tượng phản ánh tính hài hòa của hệ thần kinh và nội tiết. Có nhiều loại chất nội tiết giúp ta hăng máu với cường độ và nhất là với hệ quả khác nhau. Trên cơ bản có thể phân loại các hoạt chất biến buồn thành vui vào bốn nhóm chính:

Serotonin với tác dụng chủ yếu nhằm trấn an hệ thần kinh trung ương và qua đó gián tiếp đánh thức sức đề kháng nhờ giấc ngủ yên bình. Nhờ chất này gia chủ thức dậy với cảm giác ngủ đã đủ để chào ngày mới.

Dopamin hưng phấn chức năng của hệ nội tiết để qua đó xúc tác phản ứng chống đau, kháng viêm, cải thiện chức năng tuần hoàn… Ai có đủ chất này, người đó ít tốn tiền cho nhà thuốc.

Tùy theo chất nội tiết nào thường được phóng thích mà ta hăng say yêu nghề với cả tấm lòng hay theo nghề chỉ vì hai tiếng “bổn phận” hời hợt vô tình.

Adrenalin là nội tiết tố của tuyến thượng thận với công năng phòng, chống mọi tình huống căng thẳng do stress. Nội tiết tố này giữ vai trò quyết định khi cơ thể bất ngờ bị “sốc” vì bất kỳ nguyên nhân nào, từ bệnh bội nhiễm cho đến chấn động tâm lý vì tang sự, trắc trở tình duyên… Ai thiếu chất này, người đó dễ là ngọn đèn dầu trước gió, sớm muộn cũng mau tắt hơn đèn điện.

Endorphin là hoạt chất được sản xuất từ tuyến yên với tác dụng đa dạng, từ giảm đau cho đến an thần, với mặt mạnh là đòn bẩy cho cảm giác thoải mái trong lúc dầu sôi lửa bỏng, tinh thần lạc quan ngay cả trong lúc sạch túi và tự tin trong lúc ai nấy muốn bỏ cuộc cho xong. Ai có thừa endorphin, người đó khỏi gặp thầy thuốc.          

Nếu có cách nào đó, chẳng hạn qua hình thức dinh dưỡng có tri thức và trong tiết độ, qua chế độ làm việc - nghỉ ngơi hợp lý hoặc qua các biện pháp thư giãn như thiền định, dưỡng sinh, khí công, yoga… con người có thể tự hoán chuyển để nâng cấp dopamin sang endorphin, adrenalin sang serotonin để thay vì chỉ thụ động phòng, chống chứng trầm uất đang chực chờ ngoài ngõ, dễ dàng chủ động thắp sáng ngọn lửa năng lực cho chính mình và qua đó kéo theo cả người xung quanh.

Phân biệt các hoạt chất

Để rõ hơn về sự khác biệt từ serotonin cho đến endorphin, xin mượn quả bóng tròn mà nói chuyện vòng vo.

l Ngồi xem đội nhà quần thảo với đối thủ dưới tay thì hiểu ngay tác dụng của serotonin. Người xem tuy cũng có lúc hồi hộp với trận đấu nhưng nhẹ nhàng đến độ nhàm chán, thậm chí tuy có lúc ngủ gà ngủ gật ít phút trước màn ảnh truyền hình nhưng dù sao đi nữa vẫn trong cảm giác yên tâm vì đội nhà khó thua! Hết trận thì cũng hết cơn cảm xúc theo kiểu một ngày như… mọi ngày! Giấc ngủ đêm đó vì thế cũng là một đêm như… mọi đêm!

l Với trận phe ta gặp đối thủ ngang tay thì serotonin phải nhường chỗ cho dopamin vì khán giả khó ngồi yên mỗi lần phe địch lấn đất. Tim dù không muốn vẫn phải đập nhanh trong suốt 90 phút giao tranh, cứ như người xem cũng chạy theo quả bóng. Tan trận, ngay cả trong trường hợp thắng hên vào phút chót, cảm giác hài lòng vẫn còn vương vấn đủ để trong giấc ngủ chợt dậy lên nỗi tiếc nuối cho một cú sụt bật xà ngang. Giấc ngủ vì thế không yên vì chân hay động đậy do gia chủ đã dùng hết ma-nhê trong lúc căng mắt theo dõi trận đấu.

l Bước sang trận phe ta phải đối đầu với đối phương trên cơ thì dopamin chẳng còn thấm vào đâu! Ngay từ trước trận đấu, tuyến thượng thận, cơ quan luôn luôn bị huy động khi cơ thể trong tình trạng căng thẳng thần kinh, đã phải ra sân. Hai hiệp của trận đấu tuy thường không kéo dài hơn 90 phút nhưng đủ để nội tiết tố adrenalin được dùng đến giọt cuối cùng. Huyết áp, nhịp tim đều phải tăng cao liên tục theo tiếng reo hò trên sân và trong… quán cà phê! Không lạ gì nếu có người bỏ mạng vì tai biến mạch máu não, vì nhồi máu cơ tim trong các lần World Cup! Cầu thủ lên xe về nhà ăn cơm từ lâu nhưng nhiều gia chủ thì dù bụng đói meo vẫn còn say mê với lời bàn, cứ như chính mình đã châm đường banh quyết định! Giấc ngủ đêm đó đúng là ngon nhưng sáng dậy bần thần vì hao tốn quá nhiều năng lượng cho hệ thần kinh lên công về thủ không ngừng!

Nói chung, với cả ba dạng trên ít nhiều đều… sướng. Nhưng tất cả thể dạng sảng khoái vừa được mô tả đều không thể chen chân đứng ngang hàng với tác dụng thư giãn thần kinh và hưng phấn sức kháng bệnh của endorphin. Với ảnh hưởng của nội tiết tố, hai tiếng “thoải mái” mới được phát huy hết mức. Đó là cảm giác khi đội nhà thắng không chỉ dễ mà thắng rất đẹp với những pha chuyền bóng, đi bóng, giữ bóng đầy nghệ thuật. Nhờ endorphin mà người vui đến cảnh cũng phải vui lây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm