'Vừa thấy bệnh nhân, bác sĩ liền ghi giấy yêu cầu xét nghiệm'

“Thời gian tới, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng xét nghiệm để công nhận kết quả lẫn nhau. Chỉ như vậy mới đỡ gây phiền hà và tốn kém cho người bệnh” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ thông tin trên tại hội thảo liên quan đến chất lượng xét nghiệm do Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức sáng 9-4.

"Khoa xét nghiệm là máy in tiền…"

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết xét nghiệm là vấn đề nóng của hệ thống y tế. Không ít trường hợp bệnh nhân kêu vì bị xét nghiệm quá nhiều. “Có trường hợp vừa thấy bệnh nhân, bác sĩ liền ghi giấy yêu cầu xét nghiệm mà chẳng thăm khám, hỏi han. Chưa nói hiện tượng lạm dụng xét nghiệm của một số bệnh viện (BV), một số nhóm lợi ích. Khoa xét nghiệm của một số BV lớn là cái máy in tiền bởi bệnh nhân bị huyết áp, tim mạch, tiểu đường… tháng nào cũng phải xét nghiệm, kiểm tra đường huyết và các yếu tố liên quan” - ông Khuê nói.

Từ thực trạng này nên ngày 26-3, tại buổi làm việc với Bộ Y tế về đề án giảm tải BV giai đoạn 2013-2015, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một trong các nguyên nhân gây quá tải BV là vẫn “còn tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh giữa các BV.”

“Đây chính là thách thức của ngành y tế, bởi hiện nay trang thiết bị xét nghiệm và nhân lực được đào tạo xét nghiệm không đồng đều nên còn tình trạng các BV không công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau” - ông Khuê nói.

Người bệnh quá mệt vì phải làm nhiều xét nghiệm. Trong ảnh: Một bệnh nhân đang được siêu âm bụng. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm

Ông Khuê cho biết hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo đề án nâng cao năng lực kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám, chữa bệnh để trình Thủ tướng. Đề án đặt ra vấn đề chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm để các BV có cơ sở công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau. “Thực tế cho thấy hiện nay BV Đa khoa Khánh Hòa đã áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh khiến người bệnh hết sức hài lòng. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của BV này không được nhiều BV ở TP.HCM công nhận nên bệnh nhân tốn thời gian và tiền bạc xét nghiệm lại. Sau này, khi đã chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm của BV Đa khoa Khánh Hòa sẽ được các BV ở TP.HCM công nhận. Đây là điều mà bệnh nhân hết sức mong đợi” - ông Khuê nói.

Cũng theo ông Khuê, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ lập dự án tiêu chuẩn chất lượng xét nghiệm để trao đổi học hỏi kinh nghiệm.

Thành lập trung tâm kiểm chuẩn quốc gia

ThS Đào Nguyên Minh, Phòng Quản lý chất lượng thuộc Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm đào tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị.

Về đào tạo, tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực, trình độ của nhân viên làm công tác xét nghiệm để có kế hoạch đào tạo lại. Bên cạnh đó, kiện toàn các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng. Thành lập trung tâm kiểm chuẩn quốc gia, khu vực để triển khai các chương trình ngoại kiểm, đánh giá và công nhận chất lượng xét nghiệm của các cơ sở y tế.

“Tăng số lượng phòng xét nghiệm được kiểm soát chất lượng đạt 80% vào năm 2018 và 95% vào năm 2020. Ngoài ra đầu tư xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu. Đến năm 2018 có 20 phòng xét nghiệm tham chiếu đạt tiêu chuẩn quốc tế có đủ khả năng thực hiện các xét nghiệm tham chiếu trong tất cả lĩnh vực xét nghiệm” - ông Minh cho biết.

Liên quan đến lĩnh vực đào tạo, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết nhà trường sẽ tạo điều kiện để các giảng viên tham gia đào tạo nhân lực xét nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Mong BV sớm công nhận xét nghiệm của nhau

Mẹ tôi đã ngoài 80 tuổi, bị suy tim, hở van hai lá. Khám ở BV Nhân dân Gia Định, bác sĩ chỉ định chụp mạch vành tim. Khi chụp phải chích thuốc cản quang để hình ảnh rõ nét nhưng thuốc này có tác dụng phụ là gây mệt mỏi, nhức đầu, tim đập nhanh cho người bệnh, nhất là người lớn tuổi như mẹ tôi. Sau chụp khoảng một tuần, mẹ tôi được chuyển qua BV Chợ Rẫy để phẫu thuật vì theo giải thích đây là ca bệnh nặng, nguy cơ tai biến cao. Tại BV Chợ Rẫy, dù đã cung cấp bệnh án, đĩa CD chụp mạch vành tim nhưng bác sĩ BV vẫn yêu cầu chụp lại. Chụp lại vừa tốn tiền (khoảng 2 triệu đồng) vừa mất thời gian nằm bệnh viện khiến bệnh nặng thêm nhưng sợ nhất là mẹ tôi mệt do phải chích thuốc. Tôi rất mong ngành y tế sớm đưa ra quy định công nhận chất lượng xét nghiệm, chất lượng kỹ thuật của nhau. Có vậy người bệnh rất hoan nghênh.

Chị TRẦN THỊ NHI (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM)

Thông báo 99/TB-VPCP ngày 26-3 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ liên quan việc thực hiện đề án giảm tải BV giai đoạn 2013-2015 nhấn mạnh trong các giải pháp giảm tải BV là cần nâng cao chất lượng xét nghiệm, bao gồm cả việc công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, không phân biệt Nhà nước và tư nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm