Bi hài chuyện thuê nữ trang cưới

Thực hiện một phần kế hoạch, bà Nhung đã đi thuê một lượng nữ trang gần hai cây vàng cho con gái đeo trong ngày cưới, để “mát mặt với xóm làng và ra oai với bên nhà thông gia”. Bà đâu ngờ rằng, đó lại là mở đầu cho những bi hài kịch mà chị Tuyết, con bà phải gánh chịu.

Ngày cưới chị Tuyết, thiên hạ ai cũng “mắt tròn mắt dẹt” với khối nữ trang kếch xù chị đeo trên người. Theo lý giải của bà Nhung, việc thuê nữ trang cho Tuyết đeo trong ngày cưới là để con mình được nhà người ta tôn trọng và đối xử tử tế. Những lời khen ngợi đến tai làm bà Nhung phấn khởi ra mặt. Nhà trai cũng ngỡ ngàng khi thấy con dâu có được của hồi môn lớn đến như vậy.

Lễ cưới xong xuôi, cặp vợ chồng son về lại mặt gia đình. Tuyết bí mật gửi lại số nữ trang mà mẹ đã thuê trong đám cưới. Chưa đầy một tuần làm dâu, bà Nhung ngạc nhiên khi thấy Tuyết xách đồ về nhà với bộ dạng hốc hác, hai mắt sưng húp. Tân nương vừa khóc vừa kể, sau ngày cưới cô được chồng kéo vào phòng tâm sự và hỏi về số nữ trang. Tuyết nói đã mang về trả lại mẹ vì đó là đồ thuê. Nghi ngờ vợ nói dối, giấu vàng làm của riêng, anh chồng suốt ngày dằn vặt, đay nghiến vợ.

“Ngày nào cũng vậy, cứ đến tối là anh ấy đóng cửa phòng lại đánh đập, tra hỏi số nữ trang ấy đã giấu ở đâu”, Tuyết ấm ức chia sẻ: “Khi đã lục tung đồ đạc trong nhà nhưng vẫn không tìm thấy, anh lại đánh và luôn miệng quát tháo, bảo đánh cho đến khi nào ra vàng thì thôi”.

Không những bị chồng dằn mặt, hắt hủi, Tuyết còn phải chịu sự coi khinh của gia đình chồng. Mọi người trong dòng họ nhìn con dâu mới bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, thậm chí buông những lời lẽ xúc phạm đến gia đình và lòng tự trọng của cô.

Chịu không nổi cảnh tối nào cũng bị lôi ra đánh đập tra hỏi và bị coi như người thừa trong gia đình, Tuyết âm thầm thu gom đồ rồi về nhà mẹ đẻ. “Biết làm như vậy là không phải nhưng con không chấp nhận được thói vũ phu và thái độ coi khinh từ phía nhà chồng”, Tuyết buồn rầu nói.

Cùng cảnh khổ với Tuyết là trường hợp của chị Hòa ở Bình Phước. Ngày chị cưới, gia đình cũng “lo” cho chị được số nữ trang gồm vòng, lắc, khuyên tai, dây chuyền, nhẫn. Trong lễ cưới, ai cũng phải xuýt xoa và nghĩ chú rể thật tốt phúc khi lấy được Hòa.

Sau tuần trăng mật, hai vợ chồng gom tiền mừng để trang trải những chi phí tổ chức đám cưới. Chồng Hòa ngỏ lời muốn vay số nữ trang để trang trải nợ nần cá nhân. Khi được giải thích về nguồn gốc nữ trang đeo trên người hôm đám cưới, Hòa liền nhận những cái bạt tai nổ đom đóm mắt từ chồng. Chưa hết, anh chồng còn chửi bới tục tĩu và xưng hô với vợ là “mày tao”.

Mặc dù Hòa đã đưa cho chồng số tiền dành dụm được trước khi cưới, nhưng thái độ và cách đối xử của anh ta vẫn không thay đổi. Chưa đầy hai tháng sau ngày cưới, Hòa làm đơn ly dị vì không chịu được cảnh bị đánh đập và sự coi khinh của chồng.

Chị Thương ở Long Khánh, Đồng Nai, lại gặp phải tình huống rất khó xử khi chính bố mẹ chồng đề cập đến số vàng chị đeo trong ngày cưới.

Số là trước khi cưới, Thương được bạn bè mách nước cho việc đi thuê nữ trang cưới trọn bộ với giá rất mềm. Ngày hôn lễ, trông Thương thật lộng lẫy với đầy đủ trang sức trên người.

Trở về cùng chồng sau tuần trăng mật, Thương gọi điện đến Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình Nhịp Cầu Hạnh Phúc chia sẻ, bố mẹ chồng vì thấy con dâu đeo nhiều vàng trong đám cưới nên nghĩ có nhiều của. Ông bà đã cho phá hết công trình phụ trong nhà và lên kế hoạch xây mới. Trong bữa cơm, Thương đứng tim khi bố mẹ nói vợ chồng Thương sẽ góp một cây vàng để sửa sang nhà cửa. Đã vậy mẹ chồng còn gợi ý mượn nốt số nữ trang hôm đám cưới để sửa nhà rồi sau này sẽ trả.

Nghe kế hoạch của bố mẹ chồng, Thương mặt mũi tái ngắt, toát cả mồ hôi và không biết giải thích thế nào. May được chồng đỡ lời nên Thương mới thoát khỏi cảnh khó xử.

Chia sẻ về những bi hài kịch từ việc thuê nữ trang cưới, chuyên viên tâm lý Phạm Sỹ, Trung tâm Nhịp Cầu Hạnh Phúc nói rằng, đám cưới là một ngày rất thiêng liêng và trọng đại đối với tất cả những đôi uyên ương, đặc biệt là với nữ giới. Tâm lý đó khiến mọi người thường quan trọng hóa và đề cao mặt hình thức của lễ cưới.

Việc thuê nữ trang cưới theo chuyên viên Phạm Sỹ cũng là một giải pháp tình thế khá tốt trong thời buổi giá vàng tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, để tránh gặp phải những tình huống éo le trên, việc thuê mướn này cần có sự bàn bạc, trao đổi và đồng thuận từ hai bên. Việc tự ý thuê rồi lặng lẽ trả lại sau đám cưới sẽ khó tránh khỏi những suy nghĩ không hay từ chồng cũng như gia đình chồng. Khi cô dâu rơi vào những tình huống trên, cách tốt nhất là khéo léo chia sẻ để tìm được sự ủng hộ và chia sẻ từ chồng.

Theo chuyên viên Phạm Sỹ, để có một đám cưới thành công, các cặp uyên ương nên xây dựng những kế hoạch chung và có sự thống nhất của cả hai gia đình. Cũng nên căn cứ vào điều kiện kinh tế của gia đình để tổ chức đám cưới cho hợp lý. Ý nghĩa của đám cưới không phải nằm ở mặt hình thức mà quan trọng là dịp để cô dâu, chú rể ra mắt họ hàng.

“Khi quyết định đi đến hôn nhân, đồng nghĩa với việc vợ chồng sẽ gắn bó với nhau cả đời. Việc tìm hiểu kỹ lưỡng về tính cách, sở thích, đời sống tâm hồn của người bạn đời là hết sức cần thiết. Điều quan trọng là sự gắn kết, hòa hợp và chia sẻ với nhau trong những lúc khó khăn của đời sống chung. Hạnh phúc hôn nhân không tỷ lệ thuận với việc bạn đeo bao nhiêu vòng vàng, nữ trang trong ngày cưới, mà phụ thuộc vào tình yêu, sự thủy chung và mức độ hy sinh của hai người”, chuyên viên Phạm Sỹ khuyên.

Theo Thiện An (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm