'Hiểm họa' khi nóng giận với con tuổi teen

Đã bực càng thêm tức, anh Hòa mặt hầm hầm, cao giọng "Dứt ngay cái tai nghe ra. Vứt cái quần như mớ giẻ rách kia đi. Mày lại lấy cắp tiền của tao phải không?". Cậu con trai cũng không chịu lép, gào lên cãi bố. Lời qua tiếng lại, anh Hòa không chịu được "những lời xấc xược" và "cái mặt câng câng" của con nên đã giang tay tát mạnh. Cậu con trai 15 tuổi đùng đùng lao ra khỏi nhà, không quên ném lại ánh mắt thù hận cho bố.

Tâm sự với một nhà tư vấn, anh Hòa cho biết, mãi gần 40 tuổi mới có con nên cả hai vợ chồng anh đều rất yêu, chiều cháu. Từ ngày lên lớp 9, cháu hay xin tiền bố mẹ, thích sắm đồ hip hop. Anh chị dù thấy khó coi với cách ăn mặc, đầu tóc của con, nhưng cũng chỉ nhắc nhẹ. Thế nhưng, gần đây, anh lại phát hiện, con đã nhiều lần lấy tiền của bố mẹ để ăn tiêu.

"Bao nhiêu 'cục tức' dồn ứ từ lâu nay nổ bung. Tôi cũng không muốn đánh, chửi nó thậm tệ thế đâu, nhưng tôi không chịu được nữa. Giờ nó bỏ đi rồi. Mẹ nó thì đang đôn đáo tìm con. Tôi thì cảm thấy bất lực quá", anh Hòa thổ lộ.

Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, bà từng tư vấn cho rất nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng: Vì một phút tức giận, không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình với trẻ, gây những hậu quả đáng tiếc.

Theo bà Thủy, ở tuổi mới lớn, trẻ có những thay đổi lớn về mặt tâm, sinh lý, lòng tự trọng, tự ái rất cao bởi bắt đầu muốn khẳng định cái "Tôi" của bản thân. Khi bị bố mẹ đánh, mắng, chúng có thể cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm và lập tức phản kháng bằng nhiều kiểu như cãi lại, đập đồ, đóng sầm cửa, lì lợm, thậm chí là bỏ học, đi bụi... hay có những hành động dại dột.

Trường hợp của anh Tùng (Bắc Ninh) là một điển hình. Ngồi thẫn thờ bên hành lang chờ của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, mắt anh đỏ ngầu vì mất ngủ, lo lắng và ân hận. Con gái anh bị ngộ độc do uống thuốc sâu, đang phải cấp cứu.

Người nhà anh kể, mấy hôm trước, nghe đứa cháu nói bắt gặp con gái anh đi chơi với mấy nam thanh niên, anh đùng đùng bỏ dở cái xe máy đang sửa, chạy đi tìm con. Anh giận tím mặt bởi cho là con gái không lo học hành mà đua đòi chơi bời, lại nói dối phải đi học thêm. Vì thế, khi vừa nhìn thấy cháu nói cười ríu rít với mấy người bạn trên đường, anh chẳng nói chẳng rằng, lại gần tát cháu rồi lôi lên xe, đèo về.

Tối hôm đó, cháu dỗi nằm khóc không ăn, khiến anh càng bực và hất tung cả mâm cơm. Đến nửa đêm, thương con, vợ anh dậy sang giường định tâm sự với cháu thì không thấy con đâu. Cả nhà đổ đi tìm thì thấy cô bé 16 tuổi nằm gục bên góc bếp, bên cạnh là lọ thuốc sâu đã mở nắp.

"Khổ quá, con bé ngoan ngoãn, mà bố nó cũng tốt tính, yêu con lắm, chỉ vì cả giận mất khôn", người nhà anh Tùng nói.

Nhà giáo dục Đặng Thị Lệ Thủy cho biết, một đứa trẻ 12 đến 16 tuổi sẽ có rất nhiều sự thay đổi về tâm trạng. Trong lúc cha mẹ mong đợi "con sắp trưởng thành" thì nó lại thể hiện nhiều hành vi mà người lớn không sao hiểu được. Các bậc phụ huynh thì ra sức dạy bảo, thấy con cứ tiến bộ rồi lại xuống dốc, và cái vòng tròn đó lại lặp đi lặp lại, khiến nhiều khi họ không kiểm soát được sự giận dữ của mình mỗi khi con phạm lỗi.

Theo bà Thủy, với mỗi độ tuổi, sự giận dữ của cha mẹ đều ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ - nhưng ở lứa tuổi mới lớn thì lại là một hiểm họa.

Vì vậy, bà cho rằng, việc cha mẹ tự kiểm soát bản thân có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tự kiềm chế của con cái và quyết định đến hiệu quả giáo dục con. Những tác hại của việc bố mẹ "nổi điên" với trẻ:

- Khiến bạn không thể tiếp cận được với con, trong khi nó đang rất cần cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ.

- Đánh mất sự kính trọng của con đối với cha mẹ.

- Đẩy trẻ tìm đến với bạn bè như một sự thay thế bởi nó cần phải tâm sự với ai đó.

Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy cho biết, bà từng trao đổi với nhiều học trò tuổi teen. Các em đều nhận thức được nguyên nhân giận dữ của cha mẹ xuất phát từ chính sai lầm của các em, tuy vậy, trẻ vẫn thấy khó cảm thông với bậc sinh thành. Có em nói "Con không tồi tệ đến mức như bố con chửi", em khác lại thổ lộ "Mẹ con đã mấy lần nói con như thể con là đồ vứt đi, con chỉ muốn đi thật thôi...".

Thật ra cơn giận bùng nổ khi chúng ta không làm chủ được cảm xúc của chính mình, nhưng nếu nó trở thành phản ứng thường xuyên thì sẽ là một vấn đề lớn trong cách làm cha mẹ. Vì thế, bạn cần học cách kiềm chế và nhẫn nại.

"Khi cảm thấy cơn giận sắp bùng lên, hãy cố gắng làm mình dịu lại, có thể bằng cách lấy và nhấp vài ngụm nước lạnh, chạy tới một nơi thật thoáng đãng và hít thở thật sâu. Bạn cũng đừng quên lưu vài bản nhạc sâu lắng trong điện thoại để có thể bật lên bất cứ lúc nào cần thư giãn... Hãy làm chủ bản thân trước, thì bạn mới mong có thể nói chuyện với con hiệu quả", nhà giáo dục chia sẻ.

Theo bà, nếu lỡ có phản ứng quá mức, phụ huynh cũng nên xin lỗi trẻ: "Có thể bố đã quá lời, thật đáng trách!", "Mẹ không định nói thế, bỏ qua cho mẹ!"... Hãy nói và cư xử với con cái bằng sự tôn trọng, cho trẻ thấy bạn khiêm tốn và cũng ân hận về việc nóng nảy của mình. Điều này sẽ cho con bạn một tấm gương tốt, và cũng dập tắt được một phần ngọn lửa giận dữ trong trẻ.

Điều đáng tiếc là, đa số các bậc phụ huynh đều cho rằng mình hết lòng vì con nhưng đôi khi lại không dành cho trẻ sự bao dung cần thiết. Hãy tha thứ sai lầm cho con và không nhắc lại sai lầm đó mỗi khi giận dữ. Và dù trong bất kỳ tình huống nào, cần luôn khẳng định, gia đình vẫn luôn dành cho con một tình yêu vô điều kiện.

"Khi con bạn thấy được xung quanh nó là tình yêu của bố, mẹ - tình yêu đó lớn hơn cả những thành công và thất bại của nó - nó sẽ biết rằng, nó có thể đến với bạn để nhận được sự dạy dỗ. Nó có thể tâm sự với bạn tất cả những vấn đề của nó. Ngược lại, nếu con bạn cảm nhận rằng nó đã có những hành động mà bạn không thể tha thứ, khi đó nó sẽ bắt đầu đem những vấn đề và nhu cầu của nó chia sẻ ở một nơi khác", bà Thủy nói.

Theo Minh Thùy (VNE)

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.