Nhọc nhằn rình “bắt tại trận”

Chị Tú đã tìm mọi cách khuyên ngăn, nhưng chồng vẫn cứ bảo chị ghen bóng, ghen gió. Chị tra hỏi nhiều lần, chồng chị nổi nóng: “Cô không có bằng chứng thì đừng có nói!”. Chị Tú càng điên tiết, quyết tâm tìm bằng chứng để “vạch mặt” chồng.

Đầu tiên, chị thuê một tài xế xe ôm trường kỳ mai phục để bám theo chồng. Chứng cứ mà chị Tú thu được sau hơn một tháng chỉ là vài bức hình chụp hai người đi cùng xe, vào nhà hàng quán ăn, quán cà phê; thêm vào đó là một số tin nhắn lưu trong điện thoại của chồng. Thấy chứng cứ chưa thuyết phục, chị chuyển hướng sang theo dõi những lần chồng chị công tác xa, qua đêm. Một hôm, chị bắt tại trận chồng ngoại tình tại một khách sạn ở Vũng Tàu, mời được cả công an đến lập biên bản. Có được chứng cứ, chị làm đơn tố cáo chồng. Sau khi nhận được đơn, cơ quan điều tra xác minh và gửi cho chị thông báo có nội dung: “Hành vi của chồng chị cùng cô thư ký chưa phải là chung sống như vợ chồng, nên không cấu thành tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng”.

Tương tự, chị Na ở Q.Bình Tân đã mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thu thập bằng chứng ngoại tình của anh Hà - chồng chị, khi anh thuê hẳn nhà trọ chung sống cùng cô vợ nhỏ. Họ có con chung với nhau, được những người hàng xóm xung quanh coi như vợ chồng. Khi chị Na đi tìm hiểu, bà con ở khu nhà trọ ủng hộ chị, sẵn sàng đứng ra để làm chứng. Trưởng ban điều hành khu phố, tổ trưởng tổ dân phố cũng xác nhận vào đơn tường trình cho chị Na. Tuy nhiên, sau khi nộp đơn tố cáo cùng các bằng chứng cho cơ quan điều tra, chị Na nhận được kết luận: “Hành vi của anh Hà chưa gây hậu quả nghiêm trọng; chưa bị xử phạt hành chính lần nào nên không cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”!

Không bỏ cuộc, chị Na đã làm đơn gửi UBND phường và Hội Phụ nữ nơi chồng và cô vợ nhỏ thuê nhà chung sống. UBND phường nhiệt tình giúp đỡ chị bằng cách gửi thư mời cả hai đến trụ sở để họp xử lý, nhưng hai người đều cố tình vắng mặt. Thậm chí, phường còn gửi công văn đến cơ quan nơi anh Hà công tác để nơi đây tạo điều kiện cho anh Hà đến phường để giải quyết theo đơn khiếu nại tố cáo của chị Na nhưng anh Hà vẫn không đến. Qua xác minh của công an phường, anh Hà đã bỏ đi, không còn cư trú tại địa phương, nên việc giải quyết đơn của chị Na bế tắc.

Nhiều trường hợp người có hành vi ngoại tình biết người kia có bằng chứng và đang làm đơn tố cáo, nên đã tiến hành thủ tục ly hôn để hợp thức hóa cái sai của mình, vô hiệu hóa đơn tố cáo.

Anh Sơn - chồng chị Lan, sau một thời gian chuyển công tác về Cần Thơ đã không về TPHCM thăm nhà, cũng không gửi tiền về. Nghi ngờ chồng có tình nhân, chị Lan gửi con cho bà ngoại, lặn lội xuống Cần Thơ để tìm hiểu. Nghi ngờ của chị là có thật! Được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ địa phương, chị Lan đã có trong tay biên bản quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng sau đó hai người vẫn tiếp tục lén lút chung sống, nên chị làm đơn tố cáo, yêu cầu xử lý hình sự chồng mình.

Cơ quan điều tra nhận đơn nhưng cùng thời gian đó, anh Sơn âm thầm về TPHCM làm thủ tục ly hôn. Chị Lan không đồng ý, đưa ra bằng chứng chồng ngoại tình, cùng biên nhận nộp đơn tố cáo ở cơ quan điều tra, đề nghị tòa án tạm đình chỉ giải quyết ly hôn chờ kết quả xử lý hình sự. Tòa nói, phải có quyết định khởi tố vụ án hoặc kết luận của cơ quan điều tra xác định anh Sơn phạm tội vi phạm chế độ một vợ một chồng, mới có căn cứ tạm đình chỉ vụ án.

Do chị Lan chưa cung cấp được các chứng cứ theo hướng dẫn, nên tòa án đã đưa vụ án ra xét xử và quyết định cho các bên ly hôn. Có được bản án ly hôn (dù chưa có hiệu lực pháp luật), anh Sơn gửi cho cơ quan điều tra và cơ quan này đã có thông báo trả lời kết quả điều tra xác minh cho thấy hành vi của anh Sơn không gây hậu quả nghiêm trọng, các bên lại đã ly hôn nên không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định không khởi tố vụ án. Uất ức, chị Lan làm đơn khiếu nại gửi viện kiểm sát, thì được trả lời việc không khởi tố của cơ quan điều tra là “đúng pháp luật”.

Gian nan xử lý

Điều 147, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào đang có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng/vợ, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

Để áp dụng quy định trên, ngày 25/9/2001, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có ban hành Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, hướng dẫn:

Về chứng cứ, người trong cuộc muốn làm đơn tố cáo phải chứng minh chồng/vợ mình với người thứ ba đang chung sống như vợ chồng, có con chung, tài sản chung. Chứng cứ ở đây có thể là thư từ, hình ảnh, số điện thoại, nội dung tin nhắn... chứng minh sự liên lạc giữa hai người; việc chung sống (ăn, ở, sinh hoạt, dùng chung thu nhập…) được những người xung quanh, chính quyền cơ sở xác nhận, lời khai của người làm chứng, sự kiểm tra và lập biên bản về việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật của công an địa phương; sự thừa nhận của một hoặc hai bên vi phạm.

Việc có con chung, thể hiện qua giấy chứng sinh, giấy khai sinh của đứa con chung; việc ở chung thường chứng minh bằng sự lui tới ở qua đêm, cùng thuê nhà, tạm trú chung địa chỉ; việc làm ăn chung, thể hiện qua hùn hạp, đăng ký, quản lý, điều hành cơ sở kinh doanh; việc có tài sản chung thể hiện qua việc cùng nhau mua sắm, tạo lập tài sản chung…

Theo phân tích trên, chứng cứ của tội “ngoại tình” là rất rộng chứ không chỉ là chuyện nam, nữ “gần nhau”, nên nếu chạy theo việc bắt quả tang hai người đang ân ái với nhau… thì chưa hẳn đã đầy đủ cho việc kết tội người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Ngoài chứng cứ, việc chung sống như vợ chồng phải thể hiện sự “quá đáng”, nghĩa là đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục, nhắc nhở mà không tự nguyện chấm dứt, vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Về hậu quả, chỉ có thể xử lý hình sự về tội “ngoại tình” khi gây hậu quả nghiêm trọng (gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát) hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm. Đây là điều kiện đặt ra gần như là một sự “thách thức” với bất kỳ ai có ý định tố cáo hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng.

Thực tế, nhiều người không muốn hoặc không nỡ tố cáo chồng hoặc vợ mình, nhưng vẫn nghĩ, nếu có bằng chứng ngoại tình sẽ lợi thế hơn khi giải quyết ly hôn, nên cũng cố tìm kiếm nhằm được ly hôn nhanh gọn, được quyền ưu tiên nuôi con, chia tài sản nhiều hơn… Người không muốn hoặc chưa muốn ly hôn thì sử dụng bằng chứng này để yêu cầu tòa án “bác” đơn xin ly hôn của người ngoại tình. Quan niệm này hoàn toàn không đúng, vì khi giải quyết ly hôn tòa án không dựa vào yếu tố lỗi của các bên. Nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, tòa án sẽ quyết định cho ly hôn; ngược lại nếu không đủ căn cứ ly hôn, tòa án sẽ “bác” yêu cầu.

Việc ngoại tình, nếu có, cũng là cơ sở để tòa án nhận định tình trạng vợ chồng trầm trọng hoặc đời sống chung không thể kéo dài, chứ không phải là căn cứ pháp lý duy nhất để quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của đương sự. Người có hành vi ngoại tình vẫn có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha/mẹ đối với con; quyền về sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật, nên không thể đánh giá họ mất tư cách để tước quyền nuôi con hoặc bị hạn chế, không được chia tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Như vậy, bằng chứng của ngoại tình chỉ cần thiết trong trường hợp xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm. Tuy nhiên, một khi người trong cuộc làm đơn tố cáo chồng/vợ mình, đề nghị xử lý hành chính hoặc hình sự về vi phạm chế độ một vợ một chồng, thì đa phần là tình trạng vợ chồng đã trầm trọng, mà hậu quả là sau đó thường là vợ chồng sẽ ly hôn, khó lòng chung sống trở lại được. Vì thế, người trong cuộc nên thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo Luật sư Huỳnh Minh Vũ

Theo PNO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm