Thông gia ẩu đả vì tiền mừng cưới

Không mời nhiều khách nên trong đám cưới của Hồng và Thịnh (Đông Anh, Hà Nội), hai gia đình làm cỗ chung ở nhà hàng, tiền mừng bỏ vào hộp chung. Tối tân hôn, trong khi cô dâu hì hục tẩy trang, tắm gội thì chú rể và bố mẹ dốc đám phong bì ra đếm. Sau đó, Hồng nghe nói là “lãi” khá nhiều, nhưng cô cụt hứng khi biết số tiền đó, bố mẹ chồng giữ hết mà không giải thích gì cả.

Hồng “cú” lắm, vì tiền làm cỗ, bố mẹ chồng không bỏ ra đồng nào. Tiếng là đôi trẻ phải tự túc, nhưng tiền ấy bên nhà cô cho. Nay thấy nhà chồng “không bỏ vốn mà cứ thu hoạch”, Hồng không chịu được nên kể với bố mẹ mình cho bõ tức.

Sau đó ít hôm khi đến thăm nhà rể, bố mẹ Hồng bóng gió nói với thông gia chuyện “tạo điều kiện cho con cái có chút vốn” nhưng bố Thịnh cứ lờ đi. Nói xa không được, bố Hồng nói gần, rồi nói trắng ra. Hai bên đỏ mặt tía tai hét lên với nhau, hàng xóm đều nghe tiếng. Cuối cùng, không chịu được việc bị sỉ nhục, bố Thịnh tung quả đấm vào mặt thông gia.

Cô dâu bị nhà chồng trút giận

Đám cưới của Ngà và Hoan (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) thì cỗ nhà ai nhà ấy ăn, phong bì nhà ai nhà ấy cất, thế mà vẫn có chuyện. Nguyên do là nhà gái trong quá trình gặp gỡ để làm các thủ tục đã đánh tiếng là sau khi thu tiền mừng, họ sẽ tặng hết cho đôi trẻ, với ngầm ý mong nhà trai “học tập”, nhưng không thấy phản hồi gì. Khi hai vợ chồng về lại mặt, mẹ Ngà hỏi nhỏ con gái, cô trả lời: “Bố mẹ chồng con cũng khó khăn, các cụ phải giữ lại để trang trải tiền cưới”.

Ấm ức nghĩ con mình “rơi” vào một nhà vừa nghèo vừa ki bo, bà mẹ không nói gì với con nhưng lại “tâm sự” với rất nhiều người quen. Những lời ấy rồi cũng đến tai gia đình chú rể. Cả Hoan và bố mẹ anh đều giận Ngà đã không thông cảm cho gia cảnh nhà chồng mà còn chê bai, kể xấu.

Nhân Ngà mắc một lỗi nhỏ, mẹ chồng mắng nhiếc thậm tệ đến mức cô bật cãi lại. Đang tức sẵn, Hoan vung tay cho vợ cái tát, còn bà mẹ thì mạt sát thông gia không biết dạy con: “Cả nhà chị coi đồng tiền to bằng trời, tưởng mấy đồng mừng cưới mà to à?”. Uất quá, Ngà chạy về nhà mẹ đẻ. Thế là gia đình cô kéo sang “nói chuyện”, một cuộc nói chuyện um làng um xóm.

Hỗn chiến chị dâu - em chồng

Cuộc xung đột liên quan đến mớ phong bì đám cưới Tuyết (thành phố Nam Định) lại xuất phát từ chính cô. Trước cưới, bố mẹ chồng đã nói thẳng: “Để lo việc các con, bố mẹ phải vay nợ, vì thế tiền mừng tuy muốn cho các con làm vốn nhưng bố mẹ vẫn phải giữ để trang trải. Khi nào có, bố mẹ sẽ cho sau”. Tuyết không phản đối, nhưng hôn lễ xong xuôi, trong khi bố mẹ chồng còn bận chỉ đạo việc dọn dẹp thì cô đã “chủ động” kiểm kê tiền mừng, rồi cất ngay vào thùng, chẳng nói gì với bố mẹ.

Vì là chuyện tế nhị nên ông bà không hỏi, nhưng cô em chồng thì khó chịu quá nên “góp ý” khá gay gắt với anh trai. Mặc cho chồng thuyết phục, Tuyết khăng khăng rằng vợ chồng cô giữ tiền ấy là hợp lý vì “nhà ai cũng thế cả, còn bố mẹ cưới vợ cho con trai thì phải chịu tốn kém chứ chả lẽ không mất đồng nào”. Đứng ngoài cửa nghe thấy thế, cô em chồng lập tức om sòm lên, mắng chị dâu là vừa tham vừa láo vừa không biết điều. Còn Tuyết thì khóc lóc ầm ĩ rằng vừa bước chân đến nhà chồng đã bị “giặc bên Ngô” hành hạ. Cả nhà náo loạn.

Thỏa thuận trước vẫn hơn

Dù những chuyện bi hài kể trên đều liên quan trực tiếp đến đồng tiền, nhưng nguyên nhân sâu xa của sự bất hòa lại không hẳn vì tính tham tiền. Ngà chia sẻ: “Bố mẹ chồng em giữ tiền mừng lại chỉ vì đang túng thiếu, còn bố mẹ em là người rộng rãi. Có điều các cụ cứ có tâm lý sợ con mình thiệt nên mới như vậy”.

Khi gặp rắc rối này, các đôi vợ chồng trẻ thường rất khổ tâm và không hiểu vì sao nên nỗi thế. Nhưng theo chuyên gia tâm lý Hà Vân, đường dây tư vấn 1900585877, chuyện xảy ra có một phần lỗi của họ, và một phần về phía phụ huynh. Mặc dù ai cũng nghĩ mình không phải là người coi trọng đồng tiền nhưng phần lớn vẫn thấy ức chế khi có khúc mắc về chuyện này. Vì thế, thà thỏa thuận rạch ròi trước còn hơn là ngại ngần để sau đó sinh chuyện. Trong quá trình chuẩn bị đám cưới, đôi trẻ hoặc bố mẹ nếu có ý giữ khoản tiền mừng thì nên thẳng thắn trao đổi để sau đó không có ai bị bất ngờ hay hẫng hụt.

Hai bên thông gia không phải lúc nào cũng hiểu nhau, vì vậy trách nhiệm làm tăng sự hiểu biết đó chủ yếu thuộc về đôi trẻ, nhất là khi hai nhà chênh lệch nhau về kinh tế. Chẳng hạn trong trường hợp của Ngà, nếu cô “làm công tác tư tưởng” cho bố mẹ trước thì chắc ông bà sẽ không giận thông gia. Còn Hồng, nếu không “tố cáo” chuyện phong bì với bố mẹ bằng thái độ hậm hực thì chắc phản ứng của họ không dữ dội như vậy.

“Em hối hận quá. Bây giờ bố mẹ đẻ em khinh cả nhà chồng, còn nhà chồng thì vừa ngại vừa ghét gia đình em. Rốt cuộc chỉ em là khổ nhất”, cô tâm sự.

Theo DT/ Báo Đất Việt

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm