Bồi thường trong tai nạn giao thông: Rối rắm!

Luật là vậy nhưng thực tiễn giải quyết các tranh chấp bồi thường thiệt hại do ôtô, xe máy gây ra ở các tòa, nhiều vướng mắc đã nảy sinh…

Để công bằng, cần quy định theo hướng nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì sẽ không được bồi thường?

Nhiều chuyên gia nhận xét việc xác định trách nhiệm bồi thường trong các tai nạn giao thông hiện nay có lẽ phức tạp, rắc rối chỉ sau các tranh chấp về đất đai. Thực tiễn xét xử đã chứng minh điều đó, khi rất nhiều bản án của tòa cấp dưới bị cấp trên hủy, sửa vì khác quan điểm vận dụng pháp luật.

Làm sao cho công bằng?

NVA ngụ quận 11 (TP.HCM) mua một chiếc xe tải nhẹ rồi cho B thuê xe theo một hợp đồng dài hạn. B thuê C lái xe để chở hàng hóa. Ngày 25-11-2010, C chạy xe trên đường một chiều đúng quy định. D đang đạp xe, do không rành đường, không để ý nên vô tình đi ngược chiều, đụng phải chiếc xe tải này và bị thương nặng.

Sau đó, D khởi kiện yêu cầu A. và B cùng liên đới bồi thường thiệt hại. Vụ việc đã làm phát sinh hai luồng quan điểm về hướng giải quyết.

Theo quan điểm thứ nhất, khoản 3 Điều 623 BLDS quy định trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải cơ giới cũng phải bồi thường. Trách nhiệm này chỉ được miễn trừ nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Như vậy A. (chủ sở hữu xe) và B (người được A. giao chiếm hữu, sử dụng xe) phải liên đới bồi thường cho D vì thiệt hại của D xảy ra không phải là do lỗi cố ý của D.

Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng người lái xe hoàn toàn không có lỗi trong vụ tai nạn nên không đủ yếu tố làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nếu tòa bắt A. và B phải liên đới bồi thường cho D sẽ không đảm bảo tính công bằng. Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, quy định tại khoản 3 Điều 623 BLDS nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại, tránh việc chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng xe máy, ôtô thoái thác trách nhiệm bồi thường với lý do không có lỗi trong việc quản lý, sử dụng xe. Điều luật cũng đặt ra các trường hợp miễn trừ trách nhiệm là khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hay thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Chẳng hạn một người bất ngờ lao vào ôtô tự tử thì chủ ôtô, người được giao chiếm hữu, sử dụng ôtô sẽ không phải bồi thường.

Bồi thường trong tai nạn giao thông: Rối rắm! ảnh 1

Thực tế, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông khá rắc rối bởi các tình huống đa dạng, phức tạp. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, pháp luật chưa bao quát được hết các tình huống xảy ra. Chẳng hạn tình huống chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện không có lỗi trong việc quản lý, sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện không có lỗi trong tai nạn nhưng thiệt hại xảy ra không phải do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì sao? Để công bằng, cần phải quy định theo hướng một khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện không có lỗi thì không phải bồi thường.

Nhiều tình huống phức tạp

Một thẩm phán tòa quận ở TP.HCM đang nhức đầu với một vụ kiện đòi bồi thường vì tai nạn giao thông mà ông được giao giải quyết.

Theo hồ sơ, A và B biết C không uống được rượu. Nhằm thỏa mãn thú vui, A và B đã cưỡng bức C phải uống rượu cho đến khi C bị say mèm, mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Sau đó, C chạy xe máy của mình gây tai nạn làm một người đi đường bị thương.

Theo khoản 2 Điều 615 BLDS, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này, C uống rượu đến say mèm là do bị cưỡng bức, vậy bắt C bồi thường có công bằng? Mặt khác, có thể xác định A và B là những người cùng gây ra thiệt hại để buộc cùng liên đới bồi thường theo quy định tại Điều 616 BLDS? Ở đây, họ chỉ ép C uống rượu chứ đâu có ép C chạy xe máy dẫn đến tai nạn?

Một thẩm phán khác cũng đang mệt mỏi với một vụ tai nạn giao thông mà cả bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại đều có lỗi bởi chưa có hướng dẫn để xác định mức độ lỗi.

Ngày 25-6-2010, ông P. say rượu chạy xe quá tốc độ, đụng phải bà E. đang cố ý đi ngược chiều cho tiện đường làm bà E. bị thương nặng. Theo Điều 617 BLDS, khi người bị thiệt hại cũng có lỗi thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Tuy nhiên, làm sao để xác định được chính xác mức độ lỗi của ông P., bà E. để đảm bảo “phần bồi thường tương ứng”?

Một vụ việc, bốn hướng giải quyết

Em NTL ngụ quận Tân Bình (TP.HCM), 14 tuổi, học lớp 9. Thời gian học tại trường, L. lẻn ra ngoài lấy xe máy của chú chạy, lấn trái gây tai nạn làm một người bị thương nặng. Khi giải quyết vụ đòi bồi thường của nạn nhân, tòa rất mệt mỏi bởi phải xác định trách nhiệm của nhiều bên với nhiều tình huống:

- Nếu người chú không có lỗi trong việc để cho em L. lấy xe, trường học có lỗi trong việc quản lý em thì trường học phải bồi thường.

- Nếu người chú không có lỗi trong việc để cho em L. lấy xe, trường học không có lỗi trong việc quản lý em thì cha mẹ hoặc người giám hộ của em phải bồi thường.

- Nếu người chú có lỗi trong việc để cho em L. lấy xe, trường học không có lỗi trong việc quản lý em thì người chú phải liên đới với cha mẹ hoặc người giám hộ của em để bồi thường.

- Nếu người chú có lỗi để cho em L. lấy xe, trường học cũng có lỗi trong việc quản lý thì người chú phải liên đới với trường học để bồi thường.

Thẩm phán phải bao quát

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những trường hợp cụ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, được quy định trong Chương XXI Bộ luật Dân sự (từ Điều 604 đến 629).

Theo Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03 ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ bốn yếu tố:

1. Phải có thiệt hại xảy ra;

2. Phải có hành vi trái pháp luật;

3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật;

4. Phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại.

Yếu tố thứ tư (phải lỗi của người gây thiệt hại) chỉ được loại trừ trong trường hợp pháp luật có quy định. Trong Bộ luật Dân sự hiện hành, duy nhất chỉ có trường hợp bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường (quy định tại Điều 624) là không cần yếu tố lỗi của người gây thiệt hại cũng có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Thực tế, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, trong đó có phương tiện giao thông vận tải cơ giới gây ra là khá rắc rối bởi các tình huống đa dạng, phức tạp. Khi giải quyết án loại này, thẩm phán cần phải có tầm nhìn bao quát, phải căn cứ vào đặc điểm của người gây thiệt hại, đối tượng bị xâm hại, tính chất lỗi vi phạm của các bên liên quan… để áp dụng những điều luật tương ứng thì mới có thể xác định được chính xác người phải bồi thường.

Một thẩm phán TAND Tối cao

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm