Còn nhiều cách hiểu về hộ gia đình

Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà N. lấn đất nên phải trả lại đất cho bà L. Sau đó, tòa án cấp phúc thẩm nhận định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình bà L. chứ không phải cá nhân bà. Mặt khác, hộ khẩu gia đình bà L. còn nhiều thành viên khác, tòa án cấp sơ thẩm không đưa những thành viên khác trên 15 tuổi trong hộ gia đình bà L. tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó, tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vụ án...

Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với bản án phúc thẩm này. Theo các ý kiến, sổ hộ khẩu chỉ thể hiện là nơi cư trú của một công dân, những người cùng chung trong hộ khẩu chưa chắc là thành viên trong một hộ gia đình. Thực tế rất nhiều trường hợp do quan hệ họ hàng, thân quen... mà người này cho người kia nhập hộ khẩu để thuận tiện trong việc học tập, công tác... Mặt khác luật quy định, hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế... là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này. Những người có tên trong hộ khẩu cũng chưa chắc tất cả đều có những điều kiện chung như trong quy định trên nên không thể ai cũng được tham gia phiên tòa... Do đó, tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đưa những người có tên trong sổ hộ khẩu gia đình bà L. từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia tố tụng là không phù hợp. Tòa án cấp phúc thẩm đã đánh đồng những người có tên trong sổ hộ khẩu là cùng một hộ gia đình...

Thiết nghĩ đây là vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày nhưng mỗi cơ quan lại có cách hiểu khác nhau. Do đó, rất cần có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh gây khó khăn cho người dân.

MINH PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm