Khám nghiệm: Nguồn chứng cứ rất quan trọng

Theo quy định, dù bị can có nhận tội thì lời nhận tội đó phải phù hợp với những chứng cứ khách quan mà cơ quan điều tra thu thập được. Vì vậy, việc cơ quan điều tra tiếp tục khám nghiệm tử thi các phu trầm để xác định sự thật vụ án cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, trong các biện pháp hợp pháp mà công an đi tìm sự thật của vụ án thì khám nghiệm là biện pháp rất quan trọng. Khám nghiệm sai sẽ dẫn đến sự thật của vụ án không sáng tỏ. Đã có không ít trường hợp chỉ vì công tác khám nghiệm không khách quan, đầy đủ dẫn đến kết án oan người vô tội hoặc để lọt tội phạm.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khám nghiệm bao gồm: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể nhưng không gọi là “khám nghiệm thân thể”.

Trong công tác khám nghiệm hiện trường thì việc đầu tiên mà cơ quan điều tra phải xác định đó là: Đâu là hiện trường vụ án? Vì trên thực tế, có nhiều trường hợp người phạm tội đã tạo hiện trường giả. Công việc khi khám nghiệm hiện trường của điều tra viên rất nhiều nhưng tựu trung gồm các việc: chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường. Điều tra viên không được ghi ý kiến đánh giá, nhận xét các dấu vết, vật chứng,vì nếu ghi ý kiến chủ quan của người khám nghiệm thì biên bản khám nghiệm hiện trường không còn là tài liệu khách quan nữa. Trên thực tế, có nhiều biên bản khám nghiệm hiện trường lập không đúng quy định của pháp luật, không khách quan gây khó khăn cho việc xác định sự thật của vụ án. Nhiều vụ án phải xử đi xử lại nhiều lần hoặc phải tuyên bị cáo không phạm tội vì công tác khám nghiệm ban đầu không đúng, có vấn đề như vụ án “vườn mít” ở Bình Phước; vụ án “vườn điều” ở Bình Thuận...

Việc khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành một lần nhưng cũng có thể tiến hành nhiều lần tùy theo yêu cầu của việc thu thập dấu vết. Trong một số trường hợp do những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan mà hiện trường vụ án không còn hoặc không xác định được thì cơ quan điều tra có thể dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, việc dựng lại hiện trường và thực nghiệm điều tra chỉ được tiến hành trong trường hợp bị can nhận tội nhằm kiểm định lại lời khai nhận tội của bị can có khách quan hay không nên nó chỉ có ý nghĩa tham khảo, mức độ tin cậy của tài liệu này độ chính xác không cao.

Khám nghiệm tử thi cũng là tài liệu không kém phần quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, hầu hết các vụ án có người bị chết, cơ quan điều tra đều khám nghiệm tử thi. Nếu khám nghiệm hiện trường là nhằm để tìm kiếm dấu vết, xác định sự thật của vụ án thì khám nghiệm tử thi nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, kết quả khám nghiệm tử thi chưa thể trả lời được nguyên nhân dẫn đến cái chết, mà việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến nạn nhân bị chết chỉ có thể thông qua việc giám định pháp y. Khám nghiệm tử thi và giám định pháp y có mối quan hệ hữu cơ với nhau, khám nghiệm tử thi là tiền đề cho việc giám định pháp y. Nếu khám nghiệm tử thi không đầy đủ, không chính xác sẽ ảnh hưởng đến kết quả giám định pháp y. Không ít trường hợp do khám nghiệm tử thi thiếu sót nên việc xác định nguyên nhân chết của nạn nhân không chính xác.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm