Mua bán hóa đơn GTGT khống: Loạn tội danh!

Nguyên nhân là có nơi định tội theo mục đích và động cơ phạm tội, có nơi lại chỉ áp dụng Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009...

H. là giám đốc một công ty ở quận 11 (TP.HCM). Để tiện giao dịch, công ty đã mua một cuốn hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Ít lâu sau, H. bán công ty, bán luôn cả cuốn hóa đơn trên với giá 5 triệu đồng. Sau đó, hai bên đến cơ quan chức năng làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật, chuyển nhượng phần vốn... nhưng bị ách lại do có vài sai sót.

Đổi tội danh xoành xoạch

Trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục, vị “tân giám đốc” đã bán hóa đơn khống cho nhiều công ty khác. Nhờ đó, các công ty này đã kê khai, khấu trừ hàng trăm triệu đồng tiền thuế GTGT. Vụ việc bị phát hiện, trên danh nghĩa H. vẫn là giám đốc công ty nên bị truy cứu trách nhiệm.

Đầu năm 2005, Công an quận 11 khởi tố H. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Sau đó thấy không ổn, cơ quan điều tra đổi tội danh đối với H. thành tội mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước (Điều 268 BLHS). VKSND quận 11 truy tố H. về tội trên nhưng khi xử sơ thẩm, TAND quận 11 đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Lần này cơ quan điều tra thay đổi tội danh của H. thành tội lưu hành giấy tờ có giá giả (Điều 181 BLHS). VKS cũng đồng tình. Tuy nhiên, gần đây tòa lại trả hồ sơ...

Không chỉ riêng vụ án trên, thực tiễn xét xử cho thấy việc áp dụng tội danh đối với các tội phạm liên quan đến hóa đơn GTGT vẫn thường gây rất nhiều lấn cấn.

Mua bán hóa đơn GTGT khống: Loạn tội danh! ảnh 1

Đặng Ngọc Bình nguyên là thủ kho của Công ty Vũng Tàu Sinhanco đã mua 32 hóa đơn GTGT khống với tổng giá trị doanh thu ghi trên hóa đơn là 5,4 tỉ đồng. Tháng 9-2009, TAND TP.HCM phạt Bình bốn năm tù về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác (Điều 181 BLHS). Bình kháng cáo xin giảm án. Tháng 3-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án, phạt Bình 18 tháng tù về tội phát hành trái phép hóa đơn (Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Vụ khác, vợ chồng Vương Xuân Phát lập 10 công ty tại TP.HCM, Bến Tre, thuê nhiều người làm giám đốc để mua bán 2.648 hóa đơn thuế GTGT, thu lợi gần 12 tỉ đồng. Xử sơ thẩm năm 2007, TAND tỉnh Bến Tre phạt Phát 19 năm tù, vợ Phát 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảy bị cáo khác bị từ một năm tù treo đến bảy năm tù về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm vì không đồng tình về tội danh của các bị cáo. Cuối cùng khi xử lại, vợ chồng Phát chỉ bị tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước (Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Hai nguồn luật áp dụng nên bất nhất?

Vì sao việc định tội danh với tội phạm liên quan đến hóa đơn GTGT lại thường gặp nhiều lấn cấn?

Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cho biết hiện nay cơ quan tố tụng có hai nguồn luật áp dụng đối với tội phạm về hóa đơn GTGT: một là Thông tư liên tịch số 21 năm 2004 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao. Hai là điều luật mới Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Theo Thông tư liên tịch số 21, tùy tính chất và mục đích vi phạm mà người phạm tội có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, buôn lậu hoặc trốn thuế… Riêng việc mua trái phép hóa đơn GTGT dù không vì vụ lợi, không trốn thuế, không gây thiệt hại cũng có thể phạm tội lưu hành giấy tờ có giá giả khác hoặc mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước…Cũng theo thông tư, một người mua lại hóa đơn GTGT của doanh nghiệp mà các hóa đơn đó chưa ghi nội dung với số lượng từ 50 tờ trở lên hoặc dưới 50 tờ nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này thì bị xử lý về tội mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước. Còn với hóa đơn được ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa thì chỉ cần mua một tờ cũng cấu thành tội lưu hành giấy tờ có giá giả khác.

Trong khi đó, Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 có mức hình phạt nhẹ hơn so với mức hình phạt của các tội danh khác liên quan đến hành vi sử dụng hóa đơn GTGT phạm tội. Vì thế, một số cơ quan tố tụng có xu hướng vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên chỉ áp dụng điều luật này. Điều thiếu thống nhất là có nơi áp dụng Thông tư 21 để định tội danh, có nơi lại chỉ áp dụng Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 bất kể mục đích, động cơ phạm tội là gì.

Theo ông Sơn, đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền cần cho biết Thông tư 21 có còn giá trị hay không để tránh sự bất nhất trong xử lý như hiện nay. Đồng thời cũng cần thiết ban hành hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

(Trích Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Nên định tội theo mục đích, động cơ

Việc xử lý thiếu thống nhất hiện nay về loại tội phạm này đang gây nhiều bức xúc. Theo tôi, nếu chỉ thuần túy mua bán hóa đơn GTGT thì xử lý theo tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước quy định tại Điều 164a BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 là phù hợp. Tuy nhiên, nếu sử dụng hóa đơn GTGT là thủ đoạn để thực hiện một tội phạm khác như tham ô, lừa đảo, trốn thuế… thì cần phải xử lý theo các tội này mới chuẩn xác. Ngoài ra, cũng có trường hợp cần thiết phải xử lý người phạm tội cả hai tội, vừa tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước vừa cả tội khác.

Thẩm phán VŨ PHI LONG, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Những điểm vướng

Theo luật, chỉ cần mua hóa đơn GTGT được ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa là đủ cấu thành tội lưu hành giấy tờ có giá giả khác (Điều 181 BLHS). Nhưng trên thực tế, hành vi mua hóa đơn như vậy thường bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 89 ngày 7-11-2002 của Chính phủ. Mặt khác, đối với tội này hiện nay chưa có quy định cụ thể thế nào là phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Trong thực tiễn truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng thường tham khảo quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180 BLHS) để định khung hình phạt nên các bản án sẽ rất nghiêm khắc. 

Một thẩm phán TAND tỉnh Quảng Bình

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm