GÓP Ý DỰ THẢO THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN LUẬT LUẬT SƯ:

Nên để Học viện Tư pháp đào tạo luật sư

Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, qua ba năm áp dụng, Thông tư 02-2007 của Bộ Tư pháp đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cạnh đó, tháng 12-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131-2008, đến tháng 5-2009 thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập nên Thông tư 02 đã không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc xây dựng một thông tư khác thay thế là điều rất cần thiết.

Chưa thể giao liên đoàn đào tạo luật sư

Dự thảo thông tư do Bộ soạn thảo gồm tám chương và 38 điều. Một điểm đáng chú ý là dự thảo quy định cơ sở đào tạo nghề luật sư phải đảm bảo một giảng viên chuyên trách trên 20 học viên, quy mô tối thiểu phải đào tạo 200 học viên trên một khóa học, giảng viên kiêm nhiệm phải là luật sư có ít nhất năm năm kinh nghiệm

Đa số các đại biểu cho rằng cần xem lại các quy định này bởi thực tế không nơi nào đạt được tiêu chuẩn thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư đúng như vậy.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét, với quy định như dự thảo, có lẽ còn rất lâu mới có thể ra đời một cơ sở đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư. Luật sư Ly Tao còn đề nghị Bộ Tư pháp nên mạnh dạn giao công tác đào tạo nghề luật sư cho Liên đoàn Luật sư vì luật sư là một nghề đặc thù, chỉ có luật sư trước chỉ dạy cho luật sư sau là tốt nhất.

Góp ý thêm, thẩm phán Trần Văn Sự, Phó Chánh án TAND TP.HCM, nói dự thảo đưa ra mức tiêu chuẩn cơ sở đào tạo phải đảm bảo một giảng viên chuyên trách trên 20 học viên là không khả thi. Về chuyện ai đào tạo, thẩm phán Sự lại cho rằng tạm thời chưa nên chuyển giao việc đào tạo nghề luật sư cho Liên đoàn Luật sư vì hiện nay Học viện Tư pháp vẫn đảm bảo được yêu cầu. Trong khi đó, nếu được cấp phép, chưa chắc liên đoàn sẽ làm tốt hơn. Về lâu dài, Bộ Tư pháp có thể cho phép trường đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư hoạt động song song với trường đào tạo nghề luật sư của Bộ Tư pháp, vừa tạo nhiều cơ hội chọn lựa cho học viên, vừa nâng cao tính cạnh tranh.

Nên để Học viện Tư pháp đào tạo luật sư ảnh 1

Các luật sư đang trao đổi nghiệp vụ tại Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Bốn khẳng định nhà nước không cản trở việc đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư nhưng liên đoàn cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ. Hiện nay ngay cả bộ máy tổ chức của liên đoàn cũng còn chưa hoàn thiện thì sao có thể tiến tới việc đào tạo nghề cho các luật sư được.

Không ai bán, làm sao mua bảo hiểm?

Về chuyện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình, các luật sư Vưu Văn Kía (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu) và Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều băn khoăn: Luật quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm nhưng thực tế lại kiếm không ra công ty bảo hiểm nào chịu bán gói bảo hiểm này cả. Bộ Tư pháp cần phải làm việc với các công ty bảo hiểm để tháo gỡ vướng mắc này. “Nếu Bộ không có giải pháp mà cơ quan chức năng đi kiểm tra thì đó không phải là lỗi của các văn phòng luật sư” - luật sư Hòa nhấn mạnh.

Thạc sĩ Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP.HCM), cũng nhìn nhận hình thức mua bảo hiểm như thế nào, mua cho từng luật sư hay mua cho toàn văn phòng luật sư, mua với giá trị bao nhiêu… chưa được Bộ hướng dẫn cụ thể. Do đó, ông Bảy đề nghị Bộ cần có sự lưu tâm và hướng dẫn cụ thể hơn trong thông tư mới.

Ông Nguyễn Văn Bốn cho hay vấn đề bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư đã có từ Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Từ đó tới nay, Bộ Tư pháp cũng đã làm việc với rất nhiều công ty bảo hiểm nhưng số lượng công ty đứng ra bán gói bảo hiểm này vẫn khá khiêm tốn. Vấn đề này Bộ sẽ lưu tâm và có hướng giải quyết trong thời gian tới. Cạnh đó, hiện Bộ có biết tình trạng do sơ suất mà nhiều người có cùng lúc nhiều chứng chỉ hành nghề như công chứng viên, luật sư, thừa phát lại, giám định viên… Sắp tới, Bộ sẽ xem xét và có biện pháp thích hợp để chấn chỉnh.

Quy định 35 mẫu biểu là quá nhiều?

Theo luật sư Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang), dự thảo thông tư mới quy định đến 35 mẫu biểu sẽ được áp dụng thống nhất trong quá trình hoạt động, hành nghề của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư. Quy định quá nhiều mẫu biểu như vậy sẽ gây khó khăn không cần thiết, đi ngược lại quá trình cải cách tư pháp mà nhà nước và toàn xã hội đang hướng tới.

Ông Nguyễn Văn Bốn khẳng định với số lượng luật sư đông đảo hiện nay, nếu không có những mẫu biểu quy định để áp dụng thống nhất thì sẽ mạnh ai nấy làm, lúc đó sẽ rất khó cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính hoạt động của các luật sư. Tuy nhiên, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, Bộ Tư pháp sẽ rà soát và bỏ bớt mẫu biểu nếu thấy không cần thiết.

Quy định về luật sư nước ngoài

Dự thảo thông tư mới phải quy định cụ thể vấn đề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Chẳng hạn luật sư nước ngoài có được nhận hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư hay không. Luật sư nước ngoài có được làm trưởng chi nhánh của văn phòng luật sư hay không…

Dự thảo cũng cần lưu ý chuyện luật sư đang là trưởng văn phòng luật sư thì có được làm trưởng chi nhánh một văn phòng luật sư khác hay không. Nếu được thì một luật sư có thể làm trưởng bao nhiêu chi nhánh. Việc này cần thiết để tránh tình trạng luật sư đứng tên tràn lan, khó quản lý và dễ nảy sinh tiêu cực.

Cạnh đó, dự thảo có quy định về bí mật của khách hàng nhưng cần phải nói rõ những vấn đề nào cần đảm bảo bí mật. Nếu không, sau này các đoàn kiểm tra của cơ quan quản lý sẽ rất khó khăn khi kiểm tra hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư. Đụng tới hồ sơ nào, tổ chức hành nghề luật sư cũng nói cần giữ bí mật thì làm sao.

Thạc sĩ TRẦN VĂN BẢY,
Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM

Hướng dẫn thu hồi chứng chỉ

Dự thảo thông tư còn thiếu sót đối với trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư khi luật sư chuyển sang làm công chứng viên. Do thiếu sót này mà nhiều công chứng viên vẫn còn thẻ hành nghề luật sư. Thông tư mới nên hướng dẫn thêm việc thu hồi trong trường hợp này. Nên chăng cần đưa việc thu hồi này lên mạng để tránh tình trạng người có chứng chỉ hành nghề bị đoàn luật sư tỉnh này từ chối không cho gia nhập lại được đoàn luật sư tỉnh khác thu nhận.

Luật sư NGUYỄN VIẾT BÌNH,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm