Ủy thác tư pháp quốc tế: Còn vướng nhiều khâu

Chánh án TAND TP.HCM vừa có công văn gửi chánh án và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao kiến nghị sớm có hướng dẫn thống nhất thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ-việc dân sự. Bởi đây là nguyên nhân làm tồn tại hàng loạt án dân sự trong thời gian gần đây.

Luật còn chung chung

Trước đó, tháng 9-2009, TAND TP.HCM cũng đã từng đề xuất phải có hướng dẫn thủ tục ủy thác tư pháp theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Ba tháng sau, tòa lại tiếp tục có công văn đề nghị nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn của Tòa án Tối cao.

Có kiến nghị trên là do hiện các quy định về việc thực hiện ủy thác tư pháp chưa mang tính hệ thống, chưa được sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Các văn bản luật này chỉ dừng lại là những điều luật khung và chỉ đưa ra các nguyên tắc về ủy thác tư pháp. Vì thế khi giải quyết án, các thẩm phán gặp khó khăn và lúng túng.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc quan trọng của ủy thác tư pháp là nếu Việt Nam và quốc gia tiếp nhận ủy thác tư pháp đã ký hiệp định tương trợ tư pháp thì việc ủy thác tư pháp phải thực hiện theo điều ước đã ký.

Nhưng hiện nay, ngành tòa án không cập nhật được danh sách các quốc gia mà Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự. Đồng thời, tòa cũng không biết về nội dung của những hiệp định tương trợ đó.

Ủy thác tư pháp quốc tế: Còn vướng nhiều khâu ảnh 1

Có thỏa thuận nhưng vẫn chưa ổn

Cũng trong thời gian qua, TAND TP đã từng trao đổi với Bộ Tư pháp thống nhất về việc ủy thác tư pháp về vụ-việc dân sự để có thể giải quyết án nhanh chóng, đúng thời hạn và phù hợp với thực tế.

Thứ nhất là với việc ủy thác tư pháp để thu thập tài liệu chứng cứ, đối với những cá nhân, tổ chức nước ngoài thì hồ sơ ủy thác tư pháp gửi cho tòa án có thẩm quyền của nước tiếp nhận ủy thác thông qua Bộ Tư pháp Việt Nam. Còn những cá nhân, tổ chức Việt Nam thì hồ sơ ủy thác tư pháp gửi cho đại sứ quán Việt Nam ở nước tiếp nhận ủy thác thông qua Bộ Tư pháp Việt Nam. Và theo Luật Tương trợ tư pháp, hồ sơ ủy thác gửi cho đương sự ở nước ngoài hai lần. Đến lần hai mà vẫn không có kết quả (tổng cộng hết năm tháng) thì tòa sẽ xử.

Thứ hai là thủ tục ủy thác tư pháp tống đạt bản án hay quyết định thì sau khi gửi đi, nếu tòa không nhận được kết quả và không có kháng cáo hay kháng nghị gì thì bản án hay quyết định sơ thẩm đó sẽ có hiệu lực pháp luật sau ba tháng kể từ ngày gửi đi.

Thực tế, hầu hết các trường hợp phải ủy thác tòa đều không nhận được kết quả. Tòa không nhận được trả lời của đương sự liên quan, không nhận được hồi âm của Bộ Tư pháp, của đại sứ quán Việt Nam và của tòa án có thẩm quyền của nước ngoài. Do vậy theo thỏa thuận, tòa đã đem ra xử.

Mặc dù trước đó TAND Tối cao đồng tình với cách xử lý trên nhưng từ tháng 9-2009, tòa phúc thẩm lại không chấp nhận. Từ đó dẫn đến hàng loạt án của TAND TP bị hủy vì vi phạm tố tụng thực hiện việc ủy thác tư pháp không hợp lệ.

Hướng dẫn cụ thể càng tốt

Theo quy trình ủy thác, đầu tiên tòa án Việt Nam phải chuyển hồ sơ qua Bộ Tư pháp. Bộ này chuyển đến Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao chuyển đến đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Từ đây hồ sơ vụ án mới được chuyển đến các cơ quan tư pháp nước bạn để nhờ thu thập, xác minh chứng cứ. Nếu quá trình xác minh thuận lợi, hồ sơ sẽ lần lượt ngược hành trình trên quay về tòa án Việt Nam.

Ủy thác thành công đã vậy, còn nếu thất bại hoặc bị ách lại ở một cơ quan nào đó thì tòa chỉ có cách duy nhất ngồi chờ. Và chưa kể đến việc các cơ quan ở nước bạn không nhiệt tình, không hào hứng giúp đỡ thì coi như án chôn chân tại chỗ.

TAND TP.HCM nhận định để gỡ vướng, TAND Tối cao cần sớm phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao… để ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện ủy thác tư pháp giải quyết vụ-việc dân sự theo từng giai đoạn, từ giai đoạn thụ lý, thu thập tài liệu, chứng cứ, tổ chức hòa giải cho đến khi đưa vụ-việc ra giải quyết. Và cả việc thực hiện thủ tục tống đạt bản án quyết định cho các đương sự ở nước ngoài nhằm xác định thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trong trường hợp các đương sự không có kháng cáo, viện không kháng nghị mà việc ủy thác tư pháp tống đạt bản án, quyết định cho đương sự ở nước ngoài không nhận được hồi âm…

Án ách hàng loạt

Hiện nay, TAND TP.HCM ách tắc hàng loạt vụ-việc dân sự có yếu tố nước ngoài cần ủy thác tư pháp quốc tế vì chưa có sự thống nhất. Các thẩm phán dân sự không dám xử vì sợ bị hủy án. Lượng án tồn đọng, quá hạn trong năm tăng cao. Nhiều đương sự liên tục khiếu nại nhưng cũng đành chấp nhận vì không còn cách nào khác là chờ.

Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn của TAND Tối cao đã quá cũ, lẻ mẻ và chưa cụ thể. Đến nay TAND Tối cao chỉ có Công văn 130 năm 1991 và Công văn 29, Công văn 517 năm 1993 hướng dẫn giải quyết về các vụ án ly hôn với một bên đương sự ở nước ngoài. Cạnh đó có thêm Nghị quyết 01 của HĐTP (ngày 16-4-2003) TAND Tối cao hướng dẫn giải quyết một số vụ tranh chấp dân sự. Nhưng với tình hình thực tế hiện nay, chừng ấy hướng dẫn vẫn như muối bỏ bể. Thế nên rất cần TAND Tối cao tiếp tục có hướng dẫn.

Cắt bớt khâu không cần thiết

Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp quy định sau khi nhận hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự, Bộ Tư pháp phải vào sổ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên, hoặc thông qua kênh ngoại giao.

Nhưng hiện nay, số nước mà Việt Nam có ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự chỉ là 15 nước, trong khi một số nước có công dân Việt Nam sinh sống đông thì chưa ký như Mỹ, Úc, Canada, Đài Loan… Vì thế, nước ta cần đẩy mạnh việc ký hiệp định tương trợ với nhiều nước nữa.

Còn với những nước mà chúng ta đã có hiệp định tương trợ, theo tôi, Bộ Tư pháp - đầu mối của việc quản lý ủy thác tư pháp quốc tế về dân sự nên tổ chức những thảo luận định kỳ với cơ quan có thẩm quyền của các nước bạn. Từ đó rút ra những vướng mắc thực tế vì sao việc ủy thác tư pháp giữa ta và bạn thực hiện chưa có kết quả để khắc phục.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và ngành tòa án nên cùng ngồi lại ký kết thông tư liên tịch để cắt bớt khâu hồ sơ dân sự có yếu tố nước ngoài cần ủy thác phải chuyển qua Bộ Ngoại giao. Sao lại không từ Bộ Tư pháp chuyển thẳng đến các đại sứ quán, lãnh sự Việt Nam vì đó cũng là cơ quan của Bộ Ngoại giao? Việc làm này sẽ hạn chế được quy trình quá lòng vòng của ủy thác tư pháp, tốn thêm thời gian, công sức và tiền bạc.

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam

Phải thúc đẩy đàm phán

Tôi ví dụ trường hợp bị đơn là công dân Mỹ, đang định cư tại Mỹ, có địa chỉ rõ ràng. Tuy nhiên, trong văn bản ủy thác ghi lời khai của bị đơn, TAND TP.HCM chỉ ghi là “Tòa án có thẩm quyền của Mỹ” rồi gửi đến Bộ Tư pháp để chuyển Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) thực hiện ủy thác đến Mỹ. Như vậy rõ ràng rất khó có kết quả.

Tòa án có thẩm quyền ở đây là tòa án nào? Phía Mỹ thực hiện việc ủy thác của TAND TP.HCM thì họ có lợi gì trong khi không có phí ủy thác? Gặp những vụ án như thế này thì thời hạn để xét xử không đảm bảo, việc kéo dài và bế tắc khi không có kết quả ủy thác sẽ làm thiệt thòi quyền lợi của người đang ở trong nước liên quan đến yếu tố hôn nhân, gia đình, tài sản...

Để đưa hoạt động ủy thác tư pháp có hiệu quả, Việt Nam cần thúc đẩy công tác đàm phán, ký kết hiệp định song phương, song song đó Việt Nam cần tham gia vào một số công ước đa phương; củng cố các cơ sở pháp lý đối với hoạt động tương trợ tư pháp, quy trình ủy thác tư pháp, quan hệ phối hợp giữa tòa án Việt Nam và tòa án các nước.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm