10 sự kiện 'không thể quên' của năm 2014

(PL)- Năm 2014 được xem là một năm có nhiều biến động với những sự kiện có sức ảnh hưởng mạnh đến quy mô toàn cầu, thu hút đông đảo sự chú ý của giới chính trị gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và người dân thế giới. Các điểm đáng chú ý năm 2014 bao gồm khủng hoảng Ukraine; chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS…

Khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến Đông-Tây

Cuộc khủng hoảng Ukraine và đối đầu Đông-Tây thu hút đông đảo sự chú ý của thế giới, đỉnh điểm là sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Khủng hoảng Ukraine kéo dài hơn một năm khiến nội bộ nước này lâm vào tình trạng chiến tranh.

Giá dầu thô giảm hơn một nửa

Trên mặt trận kinh tế, mức giá dầu thô tuột dốc từ mức 110 USD/thùng hồi đầu tháng 7-2014 xuống còn trên dưới 50 USD/thùng vào cuối năm 2014. Việc Mỹ tìm ra công nghệ khai thác dầu khí đá phiến cùng với sự bắt tay ngầm giữa Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) và “Chú Sam” đã khiến giá dầu thô rơi thảm hại khiến ngân sách Nga giảm 50%.

10 sự kiện 'không thể quên' của năm 2014 ảnh 3

Cuộc chiến chống đại dịch Ebola

Mặt trận an ninh con người năm 2014 chứng kiến cuộc chiến không thể quên giữa con người và căn bệnh đã và đang lây lan thành đại dịch chết người hàng loạt - Ebola. Theo WHO, đầu 12-2014 có hơn 17.300 người mắc Ebola, trong đó ít nhất 6.100 người chết.

Quốc tế tấn công Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS

Năm 2014 thế giới chứng kiến sự trỗi dậy “đáng sợ” của quân hồi giáo khủng bố dưới tên gọi “Nhà nước Hồi giáo” IS. Chỉ trong vỏn vẹn vài ba tháng, IS đã kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, thành lập Caliphate Hồi giáo, chặt đầu ba công dân Mỹ. Liên minh Mỹ - châu Âu đã triển khai lực lượng hùng hậu tấn công IS nhưng chưa có kết quả đáng kể.

Triều Tiên bị tình nghi tấn công mạng Sony

Tháng 11-2014, Tập đoàn Sony Pictures Entertainment đã điều tra nghi án Bắc Triều Tiên đứng sau cuộc tấn công đã đánh sập mạng máy tính của Sony vào đầu tuần trước. Cuộc tấn công xảy ra một tháng trước khi Sony phát hành bộ phimThe Interview, nói về hai nhà báo được tuyển dụng bởi CIA để ám sát nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Thảm họa kép với hãng hàng không Malaysia Airlines

Ngày 8-3, máy bay MH370 hãng Malaysia Airlines biến mất khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Cuộc tìm kiếm triệu đô đã diễn ra ngay sau đó nhưng không có bằng chứng nào về chiếc máy bay được tìm thấy. Hơn bốn tháng sau, máy bay MH17 từ Amsterdam tới Kuala Lumpur bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine khiến tất cả 295 người thiệt mạng.

Biển Đông leo thang vì giàn khoan trái phép Trung Quốc

Ngày 1-5, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào thềm lục địa Việt Nam khiến mối quan hệ Việt-Trung leo thang căng thẳng nhất 20 năm qua. Trung Quốc huy động 140 tàu cùng máy bay tiêm kích hộ tống giàn khoan; dùng vòi rồng phun nước và tàu to đâm thẳng vào các tàu Việt Nam; ngăn cản việc cứu hộ ngư dân gặp nạn. Ngày 16-7, Trung Quốc rút giàn khoan trước sự quan ngại của quốc tế.

Biểu tình ở Hong Kong

Biểu tình tại Hong Kong 2014 chính thức diễn ra vào tối 26-9-2014 với ba lực lượng chính gồm Chiếm Trung tâm, Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS) và Học dân (Scholarism) của Joshua Wong, vào lúc đỉnh điểm đã thu hút được hơn 100.000 người tham gia. Đến ngày 3-12, phong trào bị dập tắt sau khi các thủ lĩnh đầu hàng cảnh sát.

Cảnh sát Mỹ bắn chết thanh niên da màu

Một thanh niên người Mỹ gốc Phi Michael Brown, 18 tuổi bị cảnh sát da trắng Darren Brown bắn chết hồi tháng 8-2014. Tháng 11, bồi thẩm đoàn tuyên bố không truy tố viên cảnh sát tội giết người khiến các cuộc bạo động nổ ra tại Ferguson, bang Missouri. Ngay sau đó, một cậu bé da màu 12 tuổi, bang Cleveland bị cảnh sát bắn chết. Mới đây nhất, cũng tại bang Missouri, một cảnh sát da trắng đã nổ súng bắn chết một thanh niên da đen ở ngoại ô hạt St. Louis khiến khủng hoảng sắc tộc tại Mỹ càng thêm sâu sắc.

Kinh tế châu Âu lại suy thoái

Giới chuyên gia đánh giá năm 2014 không phải là một năm dễ chịu cho kinh tế châu Âu. Kinh tế EU bắt đầu trở lại vòng suy thoái thứ ba trong năm năm gần đây. Theo đó, tăng trưởng trong khu vực đồng euro nói chung chỉ đạt 0,2% từ tháng 7 đến 9-2014. Các đầu tàu như Ý đang suy thoái kinh tế, trong khi Đức và Pháp đang ở bờ vực.

Đại Thắng tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm