Biểu tình Thái Lan: Bảy người bị thương

Rạng sáng 11-1, hai vụ nổ súng đã diễn ra ở giao lộ Kokwua và văn phòng xổ số kiến thiết chính phủ gần khu vực tượng đài Dân chủ ở Bangkok làm ít nhất bảy nhân viên an ninh của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân bị thương.

Trung tâm Y tế khẩn cấp Bangkok cho biết trong số những người bị thương, một người đang trong tình trạng nguy kịch.

Báo The Nation (Thái Lan) đưa tin các nhân chứng cho biết trong vụ nổ súng thứ nhất, có khoảng bốn hoặc năm người đàn ông chạy xe máy bắn vào đám đông người biểu tình tụ tập trước một khách sạn.

Giám đốc Cảnh sát hoàng gia Adul Saengsingkaew xác nhận có hai người bị thương trong vụ nổ súng thứ nhất và năm người bị thương trong vụ nổ súng thứ hai. Ông cho biết cảnh sát đang điều tra các thủ phạm gây ra hai vụ nổ súng.

Một nhân viên an ninh của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân bị thương trong vụ nổ súng lúc 2 giờ 35 phút sáng 11-1 ở giao lộ Kokwua gần khu vực tượng đài Dân chủ ở Bangkok. Ảnh: MALLIKA TWITTER

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo chí, tư lệnh lục quân hoàng gia Prayuth Chan-ocha cho biết ông rất lo ngại về an ninh ở Bangkok vì sẽ có nhiều người tham gia chiến dịch đóng cửa Bangkok bắt đầu từ ngày 13-1.

Ông nói: “Tôi muốn các bên không xung đột nhau… Tất cả chúng ta là người Thái và chúng ta có thể sống cùng nhau bất chấp các bất đồng. Chúng ta có thể nghĩ khác nhau nhưng không thể sát hại lẫn nhau”.

Người phát ngôn quân đội hoàng gia cho biết đêm 10-1, quân đội đã triển khai binh sĩ đến bảo vệ những địa điểm quan trọng ở Bangkok gồm tòa nhà chính phủ, sân bay Suvarnabhumi, trụ sở các đài truyền hình NBT, Thai PBS, các kênh truyền hình 3, 5, 7, 9 và cơ quan quản lý điện, nước.

Hôm trước đó, người phát ngôn quân đội chỉ trích bài viết của ông Robert Amsterdam (luật sư của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra) đăng trên một trang mạng xã hội nói rằng quân đội có truyền thống cản trở nền dân chủ, tấn công dân thường và can thiệp vào chính trị Thái Lan.

Trong ngày 11-1, Bộ Giáo dục thông báo hơn 200.000 học sinh và giáo viên sẽ bị ảnh hưởng do 452 trường học ở Bangkok sẽ đóng cửa ngày 13-1. Bộ Ngoại giao cho biết tính đến nay, có 45 nước đã ra cảnh báo đặc biệt đối với công dân về việc thăm viếng Thái Lan.

Trong khi đó, Ủy ban bầu cử quốc gia đã gửi thư kêu gọi chính phủ hoãn tổng tuyển cử ngày 2-2 vì lo ngại bất ổn chính trị leo thang sẽ gây xáo trộn bầu cử. Ủy ban cho biết một trong những lý do nữa để hoãn tổng tuyển cử là cho đến nay, ứng cử viên hạ nghị sĩ vẫn chưa thể đăng ký ở 28 khu vực bầu cử thuộc tám tỉnh miền Nam. Thiếu vắng các ứng cử viên ở 28 khu vực này sẽ khiến Hạ viện không thể khai mạc vì số hạ nghị sĩ được bầu sẽ thấp hơn mức 95% tổng số ghế ở Hạ viện theo quy định.

Báo The Nation ngày 11-1 đưa tin bạn đọc của trang web Hội châu Á (Mỹ) đã bầu chọn Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Suthep Thaugsuban (lãnh đạo biểu tình) là nhân vật châu Á của năm 2013 với gần 116.000 phiếu bình chọn, tương đương 88% tổng phiếu bầu. Hội châu Á giải thích số phiếu bầu dành cho ông Suthep Thaugsuban cao là nhờ lượng truy cập từ Thái Lan vào trang web Hội châu Á tăng đột biến.

Trước đó một ngày, tại cuộc họp báo đầu tiên của năm 2014 tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng sẽ leo thang trong những ngày tới ở Bangkok, đặc biệt là ngày 13-1 khi người biểu tình tham gia chiến dịch đóng cửa Bangkok. Ông kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích. Ông cho biết ông đã điện đàm với Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và Chủ tịch đảng đối lập Dân chủ Abhisit Vejjajiv để hối thúc họ dàn xếp các bất đồng.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm