Cướp biển và những món tiền chuộc khổng lồ

Tàu Tân Đức Hải khi đó đang chở khoảng 76.000 tấn than từ Nam Phi tới cảng Mundra, bang Gujarat, ấn Độ thì bị cướp biển tấn công tại vùng biển cách bờ biển Somalia chừng 1.100km về phía đông.

Chính phủ Trung Quốc nói họ sẽ làm tất cả để cứu chiếc tàu bị bắt cóc, tuy vậy khả năng giải cứu bằng vũ lực hiện đã qua đi, và vấn đề dùng tiền để chuộc chính là bước tiếp theo cần nghĩ tới. Khoản tiền đó sẽ là bao nhiêu, khi trước tàu Tân Đức Hải, chủ những con tàu bị bắt cóc của các nước khác trên thế giới đã phải “cắn răng” trả cho bọn cướp những khoản tiền chuộc khổng lồ?

Cướp biển và những món tiền chuộc khổng lồ ảnh 1

Tiền chuộc được thả xuống cho bọn cướp tàu Sirius Star

2,75 triệu USD cứu tàu Hansa

Ngày 4-8-2009, tàu Hansa Stavanger của Đức được hải tặc Somalia trả tự do sau 4 tháng giam giữ. Thông qua kênh vệ tinh, bọn hải tặc tuyên bố với Reuters, chúng đã nhận được món tiền chuộc 2,75 triệu USD.

Tàu Hansa Stavanger có 24 thủy thủ, gồm 5 người Đức, 3 người Nga, 2 người Ukraine và 14 người Philippines. Ngày 4-4, con tàu trọng tải 210.000 tấn này bị bắt cóc ở vùng biển cách cảng phía nam Somalia 640km. Ngay khi nhận được tin, chính phủ Đức lên kế hoạch sử dụng 200 lính đặc chủng thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển nhằm giải thoát thủy thủ và hàng hóa trên tàu Hansa Stavanger, và nhằm thay đổi cách thức truyền thống: trả tiền cho bọn cướp.

Thủ tướng Angela Merkel cũng như các bộ trưởng đều cho rằng sẽ không có chuyện chính phủ hoặc hãng tàu Leonhardt & Blumberg bỏ ra một số tiền lớn trong khi Đức có tiềm lực quân sự không kém Pháp và Mỹ - hai nước từng giải cứu thành công thủy thủ của họ khỏi cướp biển Somalia. Dầu vậy, các chiến thuật đưa ra lần lượt bị bãi bỏ và sau 3 tuần chuẩn bị, kế hoạch này bị hủy bỏ khi đã làm thiệt hại khá nhiều ngân sách nước Đức.

3,2 triệu USD chuộc tàu Faina

Ngày 5-2-2009, hải tặc Somalia rời khỏi con tàu Faina bị chúng bắt giữ từ tháng 9-2008 sau khi nhận được khoản tiền chuộc khoảng 3,2 triệu USD.

Tàu MV Faina chở xe tăng và một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược với 20 thủy thủ đang trong hành trình từ Nikolayev, Ukraine tới Kenya bị tấn công hôm 25-9-2008 trên vùng biển ấn Độ Dương gần Somalia. Hai ngày sau, Thuyền trưởng Vladimir Kolobkov đột tử do bệnh tim tái phát. 20 thủy thủ còn lại trong đó có 17 người Ukraine bị khoảng 100 tên hải tặc cầm tù trên tàu suốt hơn 4 tháng tại khu vực Harardhere, Somalia.

Gần như ngay sau khi xảy ra vụ cướp, Hải quân Mỹ và Nga đã triển khai tàu khu trục, tàu tuần tra đến bao vây quanh tàu Faina để ngăn không cho vũ khí trên đó “rơi vào tay kẻ xấu”. Ban đầu, bọn cướp biển đòi 35 triệu USD tiền chuộc và đe dọa sẽ cho nổ tung tàu cùng các thủy thủ trên đó, nhưng các cuộc thương lượng đã liên tục diễn ra kèm theo các cảnh báo thực thi hành động quân sự, cuối cùng thỏa thuận thành ở mức 3,2 triệu USD. Ngày 4-2, tiền chuộc được chở bằng máy bay từ Nairobi tới và thả dù xuống tàu. Bọn hải tặc đếm tiền rất nhanh, song tranh cãi về việc chia chác đã nổ ra nên đêm 5-2 chúng mới rút hết khỏi tàu.

Tàu Sirius Star và 3 triệu USD

Ngày 9-1-2009, siêu tàu chở dầu Arập Xêút Sirius Star được hải tặc Somalia trả tự do sau khi nhận được 3 triệu USD tiền chuộc. Tàu Sirius Star bị cướp tháng 11-2008 ở cách Mombasa, Kenya khoảng 830km về phía đông nam, sau đó bị giữ tại cảng Eyl của Somalia. Con tàu này mang cờ Liberia, chở theo 25 thủy thủ và khoảng 2 triệu thùng dầu trị giá 100 triệu USD, được đánh giá là con tàu lớn nhất bị cướp từ trước tới nay.

Vì tầm giá trị của con tàu, hơn nữa việc nó bị bắt có thể gây xáo trộn thị trường dầu thô thế giới nên các khả năng giải cứu đã được đặt ra. Thậm chí gần như ngay sau vụ cướp, ngày 20-11, 5 quốc gia Ai Cập, Jordan, Arập Xêút, Sudan và Yemen đã nhóm họp khẩn cấp nhằm tìm ra biện pháp chống hải tặc.

Dầu vậy, khả năng giành lại Sirius Star bằng biện pháp quân sự cũng nhanh chóng qua đi và chủ tàu buộc phải đàm phán với bọn cướp để chuộc lại bằng tiền.

Theo BẢO TRÂM (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm