Đằng sau việc đổi tiền của Triều Tiên

Theo lần định giá này, 100 won trước kia sẽ chỉ còn giá trị 1 won. Sự kiện đầy bất ngờ này đã khiến người ta phải đặt ra không ít câu hỏi về ảnh hưởng và vai trò của nó.

Đằng sau việc đổi tiền của Triều Tiên ảnh 1
Khách du lịch đang xem những đồng tiền mới
của Triều Tiên tại một cửa hàng lưu niệm. (Ảnh: Chosun)
Cải cách tiền tệ không phải là điều xấu, về nguyên tắc. Trong lịch sử, các chính phủ từng sử dụng "chiến thuật" này để hạn chế những ảnh hưởng xấu của chính sách kinh tế không tốt trong quá khứ, thường là sau khi đã kiểm soát được đợt siêu lạm phát. Những cải cách tốt thường liên quan đến việc xóa đi một vài số 0 trong đồng tiền cũ, và phát hành tiền mới, có thể ở một mức ngang giá phù hợp so với những đồng tiền lớn như với đôla hay euro để làm cho người dân thuận tiện hơn khi nắm giữ. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana là 2 trong số những nước thực hiện chích sách này một cách thành công. Mục đích định giá lại đồng wonLý giải ban đầu là việc chính phủ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên muốn ngăn chặn lạm phát bằng việc xóa đi hai chữ số 0 trên đồng tiền cũ. Việc đưa một số yếu tố thị trường vào nền kinh tế dưới sự điều tiết của nhà nước vào năm 2002 được cho là đã làm tăng giá cả quá mức. Triều Tiên là nước sống nhờ vào nông nghiệp là chính, mà giá gạo hiện tại là khoảng 3.000 won/kg. Trong khi đó, thu hoạch bình quân hàng tháng của người dân là 2000-3000 won. Một USD tương đương khoảng 135 won, nhưng có thể mua được khoảng 3.000 won ngoài chợ đen. Và như thế, đổi tiền cũng sẽ là cách hiệu quả chống lại các hoạt động tại thị trường chợ đen, vốn từ lâu vẫn được nhiều người lợi dụng để làm giàu. Còn lý giải thứ hai, theo nhiều nhà kinh tế, thì việc định giá này sẽ là biện pháp quan trọng giúp chính phủ có thể kiểm soát nền kinh tế tốt hơn và hướng tới một quốc gia Triều Tiên "vững mạnh và thịnh vượng". Những người gian lận trong hoạt động thị trường mở của những khu vực chủ chốt của đất nước đã làm xói mòn các nguyên tắc - tham nhũng giữa các quan chức ngày càng tăng. Xu hướng này có ảnh hưởng xấu tới lòng tin với Đảng cầm quyền và làm mất sự tập trung quyền lực của đảng ở trong nước. Thông qua biện pháp tiền tệ, chính phủ Triều Tiên có vẻ đang muốn duy trì sự tập trung và củng cố lại quyền lực. Nhưng có vẻ mọi chuyện lại diễn ra theo cách khác ở Triều Tiên. Không giống như cải cách kiểu Thổ Nhĩ Kỳ hay Ghana, trong đó, tất cả các công dân được khuyến khích chuyển đổi số tiền cũ đang giữ, còn chính phủ Triều Tiên lại hạn chế số tiền có thể được chuyển đổi. Điều này làm cho lượng nắm giữ vượt quá giới hạn trở nên vô giá trị, và buộc người dân trong suốt tuần qua phải "tống khứ" đồng won cũ lấy bất cứ thứ gì khác - đôla, nhân dân tệ, các hàng hóa vật chất - những thứ có thể giúp duy trì giá trị. Vì thế, chắc chắn "sự kiện" đầy bất ngờ này chắc chắn sẽ khiến không ít người dân còn phải băn khoăn. Ảnh hưởng với người dânNhiều chuyên gia cho rằng, quyết định đổi tiền sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới tầng lớp trung lưu, khi tài sản của họ bỗng chốc trở nên mất giá quá mức. Theo những thông tin ban đầu, người dân Triều Tiên thu lợi từ hoạt động thị trường đã đổ xô đi đổi tiền won sang nhân dân tệ và đôla Mỹ sau khi nghe tin về cuộc định giá này. Kể từ đầu những năm 2000, những thương nhân này đã mở rộng hoạt động thị trường tại Triều Tiên. Chính họ được cho là những người làm dấy lên cuộc phản đối chống lại quan chức Triều Tiên và cho rằng các quy định mới được thực thi sẽ giới hạn khả năng bán hàng hóa. Những nữ thương nhân là những người phản đối nhiều nhất khi cơ hội đổi tiền won sang đồng tiền khác trôi qua. Những ai không kịp đổi lượng tiết kiệm bằng đồng won sẽ còn mất mát nhiều hơn thế. Theo quy định, mỗi hộ gia đình chỉ được đổi 100.000-150.000 won tiền cũ sang tiền mới, số tiền vượt quá giới hạn mà một người được đổi phải gửi vào ngân hàng. Thêm nữa, nhà nước lại hạn chế số tiền gửi của một cá nhân ở ngân hàng là 300.000 won tới 3 triệu won, người gửi không được tự do rút tiền khỏi tài khoản. Việc này càng khiến bất bình chồng chất. Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất, theo đúng mục đích của cuộc đổi tiền này, là giúp ổn định hoạt động trong nước và khiến người dân không còn suy nghĩ theo kiểu chạy tiền. Trong những năm qua, khi người ta có thể kiếm nhiều tiền hơn từ thị trường, họ có thể đút lót chính quyền để thoát tội. Họ cũng có thể hối lộ để giúp người thân không phải gặp rắc rối. Đổi tiền mới sẽ đánh mạnh vào tập quán này. Những bất ổnĐịnh giá lại đồng tiền sẽ khiến các thị trường, kể cả chính thức và không chính thức cần thời gian để tự điều chỉnh. Và chính phủ Triều Tiên có thể sẽ phải đối phó các hoạt động tội phạm nhiều hơn khi người dân có thể sẽ tính tới các công cụ khác khi thị trường "tạm ngưng" trong giai đoạn điều chỉnh. Nhiều người Triều Tiên hoảng loạn khi tất cả các cửa hàng bị yêu cầu đóng cửa trong thời kỳ cải cách tiền tệ và họ không thể sử dụng một chút tiền tiết kiệm nào. Như thế, trong thời gian ngắn, chắc chắn nước này sẽ không tránh khỏi những bất ổn nhất định về chính trị. Trong tình hình này, có nhiều người trung lưu có thể sẽ tính chuyện "đào tẩu" khi số tiền họ dành dụm được bất ngờ mất đi quá nhiều giá trị. Riêng việc đối phó với xu hướng này cũng khiến chính phủ Triều Tiên gặp phải không ít khó khăn. Và khi Ủy ban Quốc phòng nước này ra lệnh cho lực lượng biên phòng ở biên giới với Trung Quốc phải ngăn cản bất cứ ai định vượt biên mà không được phép, thì có thể sự phản đối trong nước cũng sẽ gia tăng. Liệu cuộc khủng hoảng lần này có sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng lương thực nữa hay không, sau cuộc khủng hoảng những năm 1990 làm không ít người chết, còn những người sống thì cũng khốn đốn. Đã có nhiều bà mẹ xuống đường biểu tình đòi chính phủ phải hành động để con cái họ không phải đói ăn. Triều Tiên còn nhiều việc phải làm bên cạnh những vấn đề tiền tệ và kinh tế.
Theo Đình Ngân ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.