Lật lại vụ thảm sát nhà báo ở Đông Timor

Lật lại vụ thảm sát nhà báo ở Đông Timor ảnh 1
Phóng viên Greg Shackleton của kênh truyền hình HSV-7 đưa tin từ Đông Timor  - Ảnh: AAP

Cái giá của nghề báo

Tháng 10.1975, khi binh lính Indonesia đổ bộ vào đất nước ở phía đông đảo Timor vừa thoát khỏi ách thuộc địa Bồ Đào Nha, có 5 nhà báo trẻ từ Úc đang làm nhiệm vụ đưa tin ở đó. Họ gồm 2 người Úc là Greg Shackleton, 27 tuổi, chuyên viết tin; Tony Stewart, 21 tuổi, chuyên về âm thanh; phóng viên ảnh quốc tịch New Zealand Gary Cunningham, 27 tuổi - cùng của kênh truyền hình Seven Network (HSV-7) tại Melbourne; 2 phóng viên quốc tịch Anh làm cho kênh Nine Network (TCN-9) ở Sydney là Brian Peters, 29 tuổi, và Malcolm Rennie, 28 tuổi.

Nơi họ tạm trú để hành nghề là thị trấn Balibo, cách biên giới với phần phía tây đảo Timor thuộc Indonesia chừng 10 km. Họ có biệt danh là Balibo Five - Nhóm 5 người ở Balibo. Là nhà báo, họ tin mình không là kẻ thù của ai cả.

Vậy mà trong buổi sáng 16.10.1975, tất cả họ thiệt mạng. Nhà chức trách Indonesia loan tin rằng họ tử thương trong một cuộc giao tranh giữa binh sĩ Indonesia với "những kẻ nổi loạn" của Mặt trận cách mạng vì độc lập của Đông Timor (FRETLIN). Hãng tin Australian Associated Press (AAP) của Úc đã điều phóng viên Roger East, 50 tuổi, đến thủ đô Dili của Đông Timor để điều tra về cái chết khó hiểu của đồng nghiệp.

 Nhưng đến ngày 8.12, Roger East cũng bỏ mình trên hòn đảo tang thương khi cuộc điều tra còn dang dở và quân đội Indonesia đã chiếm Dili. Nấm mồ chung của nhóm Balibo Five nay nằm trong khu Thiên chúa giáo của nghĩa trang Nam Jakarta.

Năm 1999, một cuộc điều tra do Cục Tội phạm quốc gia và Cố vấn tư pháp của Chính phủ Úc thực hiện nói rằng họ không tìm thấy bằng chứng Balibo Five bị cố sát. Riêng với nhà báo Roger East, cuộc điều tra kết luận ông bị bắn bởi một binh sĩ Indonesia không rõ tên vào cuối buổi sáng 8.12.1975 tại khu vực cầu cảng của Dili.

Ngày 5.2.2007, Tòa án New South Wales mở cuộc điều tra công khai về cái chết của nhóm Balibo Five. Một nhân chứng đã tả lại: "Chính Chỉ huy trưởng quân đội Indonesia Yunus Yosfiah và binh sĩ của ông đã bắn vào những nhà báo trong tay không vũ khí và hai tay giơ cao lên trời… Tôi nhìn thấy họ bắn". Theo bằng chứng được trình tại tòa, 4 nhà báo đã bị bắn chết.

Người còn lại trốn trong nhà tắm và khóa kín cửa lại. Nhưng khi anh ta mở cửa ra thì lập tức bị đâm vào lưng đến chết bằng loại dao trang bị cho lực lượng đặc nhiệm của Indonesia. Thi thể của cả 5 người sau đó bị đốt chung. Cũng có cáo buộc rằng sau khi bắn và đâm chết 5 nhà báo, người ta đã cho 5 tử thi mặc quân phục và mang vũ khí nhằm nói rằng họ trực tiếp tham chiến.

Che đậy

Lật lại vụ thảm sát nhà báo ở Đông Timor ảnh 2

Ảnh: ABC

 "Nếu để họ sống sót, chắc chắn họ sẽ đưa tin rằng Indonesia đã xâm lược Đông Timor. Nếu giết họ và để nguyên xác, người ta sẽ nhận ra họ bị giết trong vùng do du kích Indonesia kiểm soát. Cách dễ nhất là thủ tiêu họ hoàn toàn và nói rằng: Chúng tôi không hề biết gì cả!"
Cựu đại tá Gatot Purwanto

Năm 2009, đạo diễn Robert Connolly và người viết kịch bản David Williamson đã làm sống lại thảm kịch năm 1975 trong bộ phim có tên gọi Balibo, dựa vào quyển sách nhan đề Cover-Up (Che đậy) của Jill Jolliffe, một nhà báo nổi tiếng của Úc cũng có mặt ở Đông Timor trong thời gian quân đội Indonesia tấn công và gặp nhóm Balibo Five. Viết nhạc cho phim là Paul Stewart, người đang ở tuổi thiếu niên khi anh trai Tony Stewart bị hạ sát năm 1975. Đoàn làm phim đã dành nhiều thời gian tiếp cận với gia đình 6 nhà báo bị giết và hầu hết cảnh quay được thực hiện tại Đông Timor.

Buổi chiếu ra mắt bộ phim diễn ra hôm 24.7.2009 tại Liên hoan phim quốc tế Melbourne. Dự khán có thân nhân 6 nhà báo và Tổng thống Đông Timor José Ramos - Horta, người sáng lập và chiến đấu dưới màu cờ FRETLIN ròng rã 24 năm lưu vong và là chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 1996. Phát biểu sau buổi trình chiếu, ông Ramos - Horta nói rằng: bộ phim đã miêu tả "rất thật" những gì đã diễn ra trên quê hương ông 34 năm về trước.

Về phía gia đình nạn nhân, họ đã khóc rất nhiều và mong mỏi di hài các nhà báo được đưa về Úc. Chính phủ Úc cho tới gần ngày bộ phim được trình chiếu đã đề nghị gia đình các nạn nhân ký một cam kết chung đồng ý bốc mộ nhóm Balibo Five về nước. Nhưng nỗi đau của các gia đình là họ không biết bên dưới nấm mồ ở Nam Jakarta là cái gì.

Mới đây, Balibo được đem sang Indonesia để chiếu tại Liên hoan phim Jakarta diễn ra từ ngày 4 - 12.12. Nhưng hôm 1.12, nhà chức trách Indonesia ra lệnh cấm bộ phim chưa đầy 2 giờ trước khi phim dự kiến được chiếu tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Jakarta, với lý do phim "nguy hiểm về chính trị" dù khen ngợi nó "tuyệt vời về nghệ thuật". Dù vậy, các hiệp hội phóng viên tại nước này đã đưa được bộ phim đến một bộ phận khán giả.

Điều ít ai ngờ là sau khi xem bộ phim, cựu đại tá Gatot Purwanto, thành viên "Nhóm Susi" trong Lực lượng đặc biệt tham gia cuộc thảm sát nhà báo năm 1975, đã lên tiếng. Trả lời tạp chí Tempo của Indonesia hồi tuần trước, ông Purwanto kể rằng "Nhóm Susi", trong khi chờ đợi lệnh từ Jakarta là nên bắt sống hay bắn chết các nhà báo, đã tự động nổ súng dưới mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng Yunus Yosfiah.

Sau đó, người ta đã đốt xác 5 người để xóa dấu vết. "Chúng tôi rơi vào thế khó. Nếu để họ sống sót, chắc chắn họ sẽ đưa tin rằng Indonesia đã xâm lược Đông Timor. Nếu giết họ và để nguyên xác, người ta sẽ nhận ra họ bị giết trong vùng do du kích Indonesia kiểm soát. Cách dễ nhất là thủ tiêu họ hoàn toàn và nói rằng: Chúng tôi không hề biết gì cả!", ông Purwanto kể. Ông này cũng khẳng định khi nã súng, họ nhận ra quá rõ các phóng viên với máy quay phim và thiết bị hành nghề trên người.

Theo Thục Minh (TNO, VP Singapore)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm