Mỹ can thiệp Trung Đông, Iran ‘ngư ông đắc lợi’

Dấu ấn và ảnh hưởng Iran in đậm ở nhiều nước Ả Rập, đặc biệt là tại Iraq, Yemen, Lebanon và Syria. Theo Benjamin Miller, chuyên về quan hệ quốc tế tại Trường Khoa học chính trị, ĐH Haifa (Israel), điểm đáng chú ý là những nước “vô tình” giúp Iran mở rộng ảnh hưởng ở khu vực lại chính là Mỹ và các đồng minh.

Đầu tiên là Lebanon. Đối thủ của Iran là Israel đã vô tình tăng vai trò của Iran ở Lebanon với việc chiếm đóng phía Nam Lebanon thời gian 1982-2000, làm thúc đẩy phong trào vũ trang Hezbollah do Iran bảo trợ. Hezbollah trở thành nhóm vũ trang mạnh nhất Lebanon, mở rộng cả vị thế chính trị và có chân trong liên minh cầm quyền.

Trường hợp thứ hai là can dự của Mỹ tại Iraq sau cuộc chiến năm 2003. Dễ hình dung các cuộc bầu cử “kiểu Mỹ” ở một đất nước đa sắc tộc, giáo phái như Iraq thì chiến thắng sẽ thuộc về nhóm đông đảo nhất. Nhóm chiếm đa số ở đất nước Iraq phân cực là nhóm người Shiite với nhiều lãnh đạo là đồng minh bên Iran, mang lại quyền lực cho các lực lượng Iraq liên kết với Iran.

Trường hợp thứ ba cho thấy sự can thiệp từ bên ngoài vô tình làm lợi cho Iran là ở Syria. Dù bên can thiệp quân sự lần này là Nga hiện tại không phải là kẻ thù của Iran nhưng tương lai của trục Moscow-Tehran không có gì chắc chắn. Chiến dịch của Nga tại Syria kể từ giữa năm 2015 đóng vai trò lớn mang đến lợi thế cho không chỉ Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà cả Iran, Hezbollah và hàng loạt nhóm dân quân Shiite có chân trong cuộc nội chiến. Sự phụ thuộc của chính phủ Assad vào sự giúp đỡ của Iran là một sự bảo đảm cho Iran tăng ảnh hưởng.

Trường hợp cuối cùng là Yemen, nơi cuộc nội chiến vẫn đang tiếp diễn. Có thể thấy rõ ràng một điều: Các vụ không kích của liên minh người Sunni từ 10 nước Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu đã và sẽ không đuổi được nhóm phiến quân Houthi người Shiite vẫn đang kiểm soát một vùng lớn lãnh thổ Yemen. Chưa kể chiến dịch quân sự của liên quân Sunni càng khiến củng cố liên minh giữa nhóm Houthi với Iran. Thậm chí có nguy cơ cuộc “đối đầu lạnh” giữa hai bên sẽ trở thành một cuộc “đối đầu nóng” vì Saudi Arabia có biên giới với Yemen. Tháng trước Saudi Arabia hứng tên lửa từ Yemen bắn sang, sau đó cáo buộc nhóm vũ trang Houthi là thủ phạm. Cả Saudi Arabia và phía Mỹ đều khẳng định tên lửa do Iran sản xuất.

Theo GS Miller, Israel và Saudi Arabia sớm muộn phải xem “kẻ thù của kẻ thù là bạn” và bắt tay với nhau. Tuy nhiên, để đạt được điều này nhất định cần đến vai trò của Mỹ - vốn có quan hệ tốt với cả hai nước nhưng lại đang ngày càng xa rời Trung Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm