Nước Mỹ và nạn tra tấn ở Ai Cập

Những ngày qua, thế giới dành sự quan tâm đến chính trường Ai Cập và mục kích sự ra đi của Tổng thống Mubarak. Giữa lúc ấy, một cuốn sách được xuất bản đã như giọt nước “làm tràn ly quan hệ” giữa Mỹ với đồng minh “tâm phúc” này.

Phải đưa trò tệ hại này ra ánh sáng

Cuốn Nước Mỹ và nạn tra tấn: Thẩm vấn, giam giữ và hành hạ do Marjorie Cohn - nữ giáo sư của Trường Luật Thomas Jefferson, cựu Chủ tịch Hội Luật gia Mỹ biên tập và là đồng tác giả. Để có được điều đó, Marjorie Cohn thu thập nhiều nguồn tài liệu do nhiều người ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau viết về chủ đề tra tấn và những rắc rối của nước Mỹ trong vấn đề này. Theo bà, mọi người không tiếp nhận được đầy đủ bức tranh toàn cảnh từ thế giới truyền thông khổng lồ về những gì nước Mỹ đang làm: Chính sách đối xử tàn bạo vốn có dưới “triều đại” Bush và những rắc rối liên quan đến vấn đề này đang quay trở lại. Các trường học dành cho châu Mỹ ở nước Mỹ đào tạo cho các nhà độc tài và các nhà chỉ huy quân sự Mỹ Latinh nghệ thuật tra tấn; CIA tiến hành một chương trình nghiên cứu về tâm lý học tra tấn.

Marjorie Cohn khẳng định điều này không phải bắt đầu từ thời chính quyền Bush, thực tế đây là một chính sách có quá trình dài lâu ở đất nước này. Bà nói thêm: Nước Mỹ không chỉ tra tấn tù nhân mà còn ủng hộ, huấn luyện và tài trợ các chính quyền tàn bạo tra tấn, hành hạ nhân dân nước họ.

Nước Mỹ và nạn tra tấn ở Ai Cập ảnh 1

Sinh viên y khoa Ai Cập cứu chữa người bị thương và dọn dẹp đường phố sau cuộc biểu tình. Ảnh: AFP

Ai Cập được đề cập xuyên suốt cuốn sách, đặc biệt là ở chương của Jane Mayer - một nhà văn của tạp chí The New Yorker. Tác giả này viết rằng Ai Cập đang là một “điểm đến phổ biến” cho chính sách tra tấn của Mỹ. Nó được biết đến với tên gọi “sự thực thi phi thường”, là một chương trình trong đó CIA gửi nghi phạm tới các nước khác. Ở đó, họ sẽ bị thẩm vấn và trong nhiều trường hợp còn bị tra tấn. Người ta gọi đó là sự ủy quyền tra tấn hoặc hợp đồng tra tấn. Sau khi nghi phạm bị tra tấn, người của CIA sẽ vào phòng thẩm vấn và lấy cung. Trong đó có trường hợp tra tấn Ibn al-Shaykh al-Libi do cựu Bộ trưởng Colin Powell đạo diễn, để có được những thông tin sai lệch chết người. (Ibn al-Shaykh al-Libi là một kẻ bị cáo buộc là khủng bố. Tên này từng tuyên bố đã bị tra tấn để đưa ra thông tin sai về mối liên hệ giữa al-Qaeda và Iraq - NV).

Về tư liệu, tác giả cuốn sách còn trích báo cáo về Ai Cập năm 2002 của chính quyền Mỹ, trong đó có nêu các nghi can bị cởi bỏ quần áo và bị bịt mắt, treo lên trần nhà hoặc khung cửa; bị đấm, đánh bằng roi sắt, dìm trong nước nóng hoặc nước lạnh, quất vào lưng; bị gí thuốc lá đang cháy đỏ, gí điện; bị làm nhục bằng những ngón đòn khác nữa… Tất cả nhục hình trên được tiến hành bởi các cảnh sát mật Ai Cập. Năm 2005, Ủy ban Chống tra tấn của LHQ phát giác Ai Cập áp dụng và phổ biến hình thức tra tấn và mối nguy hiểm của sự đối xử kiểu này bị đẩy lên cao một cách đặc biệt đối với các nghi can bị giam giữ vì lý do chính trị hoặc an ninh. Mỹ chuyển cho Ai Cập 1,5 tỉ USD mỗi năm, phần lớn trong đó được “đầu tư” cho quân đội.

Nước Mỹ và nạn tra tấn ở Ai Cập ảnh 2

Cảnh sát mật bắt người biểu tình. Ảnh: REUTERS

Phản ứng “xuôi chiều gió” của Mỹ

Những gì diễn ra ở Ai Cập thời gian qua là một cuộc cách mạng không thể tin nổi được tiến hành bởi những người dân nước này nhằm lật đổ ách chuyên chế mà họ phải chịu đựng suốt 30 năm dưới thời Tổng thống Mubarak. Từ năm 2006, đã từng có làn sóng bãi công kéo dài của công nhân chống lại việc trả lương thấp và điều kiện làm việc khủng khiếp. Trên các đường phố, người ta đang chứng kiến cảnh hàng triệu người xuất thân từ các tầng lớp khác nhau đòi Tổng thống Mubarak từ chức. Họ hy vọng việc lật đổ Tổng thống Mubarak sẽ tác động đến thực trạng xâm phạm quyền con người ở quốc gia này thời gian tới.

Theo tác giả cuốn sách, chính quyền Mỹ sẽ xem chiều gió để tính kế bởi họ luôn như vậy. Khi chưa đoan chắc được chuyện Tổng thống Mubarak ra đi, họ không hề nói đến chuyện hất cẳng ông. Nhưng khi điều đó trở nên rõ ràng, Tổng thống Obama lập tức xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố rằng: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Ai Cập”.

Không ai nghe bất kỳ điều gì từ Tổng thống Obama về việc đảm bảo nạn tra tấn không diễn ra, sự chuyên quyền sẽ bị xóa bỏ. Tác giả cuốn sách cho rằng chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ cho chính quyền Ai Cập - thực chất là một chính quyền quân phiệt. Mỹ đã “tặng” cho Ai Cập một khoản tiền khổng lồ suốt những năm qua để Mubarak có thể cai trị đất nước này bằng cú đấm ghê rợn. Và chính quyền Mỹ tiếp tục hậu thuẫn những nhà độc tài xấu xa khắp thế giới, trong đó có một số quốc gia vùng Trung Đông.

Tương lai nào cho Ai Cập?

Quân đội Ai Cập đang ở trong quá trình cải cách. Họ giải tán quốc hội và bãi bỏ hiến pháp Ai Cập nhưng họ không bãi bỏ tình trạng cấp bách vốn gây ảnh hưởng đến xã hội suốt 30 năm qua là cái cớ để cảnh sát mật bắt người không cần chứng cứ, lý do; giam giữ và tra tấn. Hầu hết các vụ tra tấn do cảnh sát mật đảm nhiệm. Nhưng tờ The Guardian lại cho rằng khi các vụ phản đối chính phủ diễn ra, quân đội Ai Cập đã bí mật bắt giữ hàng trăm, cũng có thể là hàng ngàn người và ít nhất một số người đã bị tra tấn. Quân đội đóng vai trò nòng cốt trong suốt 30 năm cai trị theo kiểu đàn áp của chính quyền chuyên chế và họ cũng đóng vai trò tương tự trong chính biến vừa qua.

Trả lời câu hỏi của nhà báo “Phải làm gì để ngăn chặn sự vi phạm quyền con người ở quốc gia này?”, chủ biên Marjorie Cohn cho rằng tình trạng khẩn cấp cần được dỡ bỏ, hàng ngàn tù nhân chính trị phải được phóng thích, phải cấm hình thức tra tấn và người Ai Cập muốn nhìn thấy một hiến pháp dân chủ mới càng sớm càng tốt. Ở đó, quyền làm người, quyền được hưởng tự do và bầu cử minh bạch được đảm bảo như một điều kiện tiên quyết.

Năm 2008, Giáo sư Marjorie Cohn (ảnh dưới) từng thuyết trình trước Tiểu ban Hiến pháp, Quyền công dân, Tự do công dân thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Mỹ về tình hình thẩm vấn.

Nước Mỹ và nạn tra tấn ở Ai Cập ảnh 3

Bà từng nhận giải thưởng về thành tích giáo dục pháp luật của TP San Diego, California năm 2005; giải thưởng xuất sắc về giảng dạy pháp luật của Tổ chức Thư viện pháp luật TP San Diego năm 2008. Bà cũng là người viết bài Chất độc da cam tiếp tục hủy hoại Việt Nam, đòi Mỹ có trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Quyển Nước Mỹ và nạn tra tấn: Thẩm vấn, giam giữ và hành hạ (The United States and Torture: Interrogation, Incarceration, and Abuse) xuất bản ngày 12-1-2011do Nhà xuất bản Trường ĐH New York ấn hành. Sách được viết bởi Giáo sư Marjorie Cohn và một nhóm tác giả.

ĐẶNG NGỌC HÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm