Trung Quốc bán vũ khí qua ngõ hẹp

Đầu tháng 11-2016, Trung Quốc đã tổ chức cuộc triển lãm hàng không quốc tế lớn nhất từ trước đến nay ở Chu Hải (tỉnh Quảng Đông). Tại triển lãm, lần đầu tiên Trung Quốc đã trình làng máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ mới J-20.

Ngày 22-12 mới rồi, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm mẫu máy bay tàng hình mới FC-31 Gyrfalcon tại Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh).

Trung Quốc quảng bá rùm beng nhưng như tạp chí Quan sát Môi trường Tác chiến của phòng nghiên cứu quân sự nước ngoài (Trung tâm Phối hợp lục quân Mỹ) số tháng 12-2016 ghi nhận, Trung Quốc vẫn đang đương đầu với nhiều trở ngại trong mua bán vũ khí.

Nguyên nhân do nhận thức chung của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc chưa đầy đủ, hệ thống hoạt động yếu kém, khái niệm thiết kế cũ kỹ và thiếu các dịch vụ cộng thêm như huấn luyện, bảo trì. Về chính trị, một số nước cũng không mấy tin tưởng Trung Quốc.

Trước đây, tình hình xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục. 2/3 số nước châu Phi đang sử dụng vũ khí Trung Quốc. Tuy nhiên, các thương vụ vũ khí của Trung Quốc đang giảm tốc để nhường bước cho Nga và Mỹ.

Tại cuộc triển lãm hàng không hồi tháng 9-2016 ở Nam Phi, các nhà cung cấp Trung Quốc đã vất vả tìm khách hàng mua máy bay tiêm kích JF-17 (Trung Quốc hợp tác với Pakistan sản xuất).

Tại Nam Sudan, quân của Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đấu với nhau  bằng vũ khí Trung Quốc bất chấp nghèo đói và bạo lực.  Biếm họa của PARESH NATH (báo The Khaleej Times)

Rốt cuộc chỉ có Nigeria là quốc gia châu Phi duy nhất ký hợp đồng mua loại máy bay này.

Ngoài các nước châu Phi đang thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu quốc phòng, một số nước như Cameroon lại lo ngại chất lượng vũ khí Trung Quốc.

Các loại vũ khí của Mỹ và Nga đều được đưa ra thử nghiệm trong chiến đấu nhưng vũ khí Trung Quốc thì không.

Tại cuộc tập trận hải quân Indonesia ngày 14-9-2016, hai tàu chiến KCR-40 bắn hai quả tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc sản xuất. Cả hai quả tên lửa đều hỏng. Hải quân muối mặt vì đích thân Tổng thống Joko Widodo đến dự khán.

Chuyên gia Chu Thần Minh, từng làm việc cho Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, biện bạch với báo South China Morning Post: “Khi bắn tên lửa, yếu tố con người giữ vai trò then chốt trong thao tác để tên lửa trúng mục tiêu”.

Ông cho rằng tên lửa C-705 hay các loại tên lửa tầm ngắn hơn C-701 và C-704 đã được phiến quân Houthi ở Yemen sử dụng hiệu quả để bắn tàu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (tham gia liên quân Ả Rập tham chiến ở Yemen).

Hiện nay dù cạnh tranh không lại trên thị trường vũ khí chính thức, vũ khí Trung Quốc vẫn tìm được đất sống tại các nước có chiến tranh, các nhóm phiến quân và dân quân.

Sudan là một trong các nước thụ hưởng viện trợ quân sự từ Trung Quốc và tiếp tục trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho các phe nhóm ở châu Phi.

Tại Nam Sudan, quân đội trung thành với Tổng thống Salva Kiir đang sử dụng tên lửa phòng không Trung Quốc. Quân của Phó Tổng thống Riek Machar cũng sử dụng súng ống mới của Trung Quốc.

Xuất khẩu vũ khí Trung Quốc sang châu Phi gia tăng trùng hợp với tình hình vốn đầu tư Trung Quốc vào châu Phi gia tăng. Rốt cuộc mục đích của Trung Quốc chỉ nhằm khai thác tài nguyên châu Phi và củng cố vị thế của Bắc Kinh.

Tạp chí Quan sát Môi trường Tác chiến dự báo: “Thương mại là yếu tố then chốt của sức mạnh kinh tế đang lên Trung Quốc… Nếu có thể cải thiện hiệu quả của công nghệ quân sự, Trung Quốc sẽ có cơ hội gia tăng năng lực và uy tín kinh tế quốc phòng”. Nói tóm lại, mặc dù công nghiệp quốc phòng còn phập phù, chừng nào còn chiến tranh Trung Quốc vẫn tìm được khách hàng mua vũ khí.

___________________________

4 máy bay trực thăng tấn công mới của Trung Quốc đã được Cameroon đặt hàng mua. Ngay sau khi nhà cung cấp Trung Quốc giao hàng, một máy bay trực thăng đã bị rơi.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm