Triều Tiên thử bom hạt nhân để thử lòng Trung Quốc?

Chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ở TP Hạ Môn ngày 3-9, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng ngày đã ra lệnh thử hạt nhân lần sáu.

Tính toán kỹ lưỡng

Tờ New York Times nhận định Bình Nhưỡng đã chọn thời điểm thử vũ khí cực kỳ nhạy cảm và chính xác, tạo áp lực cực lớn cho Trung Quốc. Ngày đầu tiên của thượng đỉnh BRICS ngay lập tức bị phủ bóng bởi tin tức về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên chọn thời điểm trùng với một sự kiện chính trị quốc tế lớn ở Trung Quốc để thử vũ khí. Hồi tháng 5, Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo chỉ vài giờ trước khi ông Tập Cận Bình khai mạc diễn đàn Vành đai, con đường ở Bắc Kinh với sự có mặt của lãnh đạo 29 nước.

Giới phân tích đánh giá đây không phải là sự trùng hợp mà ngược lại đã được Triều Tiên tính toán. Bình Nhưỡng muốn cho Bắc Kinh thấy làm giảm  tiếng nói và uy tín của nước này trong vấn đề Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên chủ yếu nhằm gây áp lực cho ông Tập, chứ không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Peter Hayes, giám đốc viện Nautilus chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nhận định rằng điều mà Bình Nhưỡng muốn nhất hiện nay là đối thoại với Washington. Triều Tiên hy vọng thông qua đối thoại sẽ đạt được một thỏa thuận để Mỹ giảm số quân ở Hàn Quốc, đồng thời cho phép chính quyền Bình Nhưỡng duy trì vũ khí hạt nhân. Phía Bình Nhưỡng tin rằng Trung Quốc có đủ sức ảnh hưởng để dàn xếp giúp một cuộc đàm phán.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới tham dự phiên khai mạc thượng đỉnh BRICS ở TP Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến hôm 3-9. Ảnh: NEW YORK TIMES

Thử láng giềng có “thay lòng đổi dạ”

Nhiều người cho rằng Triều Tiên sẽ phải trả giá vì coi thường Trung Quốc - đối tác thương mại và là đồng minh chính của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới phân tích Trung Quốc không tỏ ra lạc quan rằng vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên sẽ làm thay đổi quyết tâm của ông Tập về việc duy trì mọi thứ ngoài mức xung đột và không nhúng can thiệp chính sách của Bình Nhưỡng.

“Vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên sẽ buộc Trung Quốc hành động quyết liệt. Đây sẽ là một phép thử chính trị. Nhưng tâm tính của Trung Quốc lại không diễn biến theo cách đó” – Cheng Xiaohe, một chuyên gia về hạt nhân tại ĐH Nhân Dân Trung Quốc, nhận định.

Theo ông Cheng, bất chấp các động thái khiêu khích của Triều Tiên, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng vẫn bám trụ với lập trường: Một Triều Tiên được trang bị hạt nhân sẽ mang ít hiểm nguy cho Trung Quốc hơn là một Triều Tiên sụp đổ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3-9 cũng chỉ “lên án mạnh mẽ” để phản ứng với vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc cũng không dám sử dụng đòn bẩy kinh tế mạnh tay để gây tổn thương cho Triều Tiên, chẳng hạn như ngừng cung cấp dầu thô cho Triều Tiên. “Việc cắt đứt nguồn dầu có thể ảnh hương nghiêm trọng các ngành công nghiệp và sự ổn định của Triều Tiên. Đây là giải pháp mà Trung Quốc và Nga đều rất băn khoăn” – Zhao Tong đến từ Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh đánh giá.

Liên quan tới giải pháp hạ nhiệt căng thẳng, Trung Quốc đề xuất Triều Tiên cần dừng chương trình hạt nhân của nước này, và đổi lại Mỹ-Hàn kết thúc tập trận quân sự chung.

Tuy nhiên, ông Tập hiện cần tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng trong nước, đặc biệt là Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 tới. Trung Quốc sẽ không để vấn đề Triều Tiên vượt quá giới hạn nhằm tạo sự điềm tĩnh trong nước trước sự kiện này, do đó không thể làm bất cứ thứ gì quyết liệt trước ngày 19-10, ngày bắt đầu phiên họp kín.

Việc Trung Quốc cần phải nhân nhượng Triều Tiên trước đại hội đảng cũng có thể được thấy rõ thông qua truyền thông Trung Quốc. Cách đây vài tháng, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quố  nói rằng Bắc Kinh cần xem xét cắt đứt nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần sáu. Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân ngày 3-9, Thời báo Hoàn Cầu lại đổi giọng: “Nguồn gốc của vấn đề hạt nhân Triều Tiên là tình trạng không chắc chắn do các hành động quân sự Mỹ-Hàn gây ra. Trung Quốc không nên ra mặt trước tình hình phức tạp này”.

Một mối lo ngại lớn khác của chính phủ Trung Quốc là về tình trạng an toàn của người dân nước này ở khu vực Đông Bắc vì khu vực này cách không xa bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Nhiều người dân ở Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, giáp biên giới Triều Tiên, cho biết họ cảm nhận nhà cửa như bị rung chuyển sau vụ thử hạt nhân ngày 3-9 của Bình Nhưỡng. Một số hình ảnh được đăng tải cho thấy đồ ăn và thức uống trong một cửa hàng tạp hóa rơi xuống mặt sàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm