Vì sao Đức không ban hành tình trạng khẩn cấp như Pháp?

Mới nhất là vụ đánh bom tự sát tại Ansbach (bang Bavaria) lúc 22 giờ ngày 24-7. Đây là vụ đánh bom tự sát đầu tiên ở Đức mà IS nhận trách nhiệm.

Hung thủ là người Syria di cư tên Mohammad Daleel, 27 tuổi đã ghi băng video tuyên thệ trung thành với IS. Hắn mang bom tự tạo trong túi xách với ý đồ phá hoại liên hoan âm nhạc ngoài trời với 2.500 người tham dự, may mà hắn không có vé để vào. Hắn đến Đức năm 2014, sau đó bị trục xuất sang Bulgaria, từ đó thề “sẽ báo thù vì người Đức cản trở con đường Hồi giáo”.

Ngày 25-7, Đức đã ban hành nhiều biện pháp mới như tăng cường cảnh sát trên đường phố, kiểm soát ở ga tàu, sân bay, biên giới nhưng không điều động quân đội như Pháp đã làm sau vụ tấn công ở Paris ngày 13-11-2015.

Luật cơ bản của Đức cho phép các bang điều động quân đội trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (Điều 35) để hỗ trợ cảnh sát. Nhiều nhà chính trị rất muốn điều động quân đội như ông Joachim Hermann, Bộ trưởng Nội vụ bang Bavaria, hay ông Thomas Strobl, Bộ trưởng Nội vụ bang Bade-Wurtemberg.

Sau vụ nổ súng ở Munich ngày 22-7, Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen đã nghiên cứu điều này nhưng không áp dụng. Lúc đó chỉ có cảnh sát đặc nhiệm liên bang can thiệp.

Thật ra đây là vấn đề nhạy cảm ở Đức. Sau vụ nổ súng ở Munich, đảng Dân chủ-Xã hội Đức (SPD) đã lên tiếng tố cáo “những người muốn lợi dụng thảm kịch này để kêu gọi tăng cường giám sát, lập rào chắn và dùng quân đội nhằm sử dụng các nạn nhân như công cụ”.

Về ban bố tình trạng khẩn cấp, Đức cũng không nối bước theo Pháp. Giáo sư luật công David Capitant ở ĐH Sorbonne nhận xét nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ yếu tố lịch sử.

Thời Cộng hòa Weimar (sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến khi Hitler cầm quyền) đã tập trung quyền lực vào tổng thống. Kế đến là thời Đức quốc xã. Bởi thế hiện nay Đức chủ trương hạn chế tập quyền. Mỗi bang của Đức chịu trách nhiệm về cảnh sát của bang. Cảnh sát liên bang chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát biên giới.

Luật cơ bản của Đức đã quy định nhiều tình huống đối phó tấn công như tình trạng căng thẳng, tình trạng phòng thủ, tình trạng thảm họa nhưng không đưa ra cơ chế nào tương tự với tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, luật cơ bản cho phép hạn chế một số quyền cơ bản về bí mật thư tín, bưu điện, viễn thông, đi lại nhưng đến nay không có dự luật nào được trình hay được đề nghị để thực hiện.

Giáo sư David Capitant ghi nhận khác với Pháp, luật của Đức không cổ súy khám xét hành chính hay quản chế tại nhà vì Đức có truyền thống tôn trọng tự do và không suy tôn quyền lực nhà nước mạnh như ở Pháp. Vì lẽ đó, trong bối cảnh nguy cơ khủng bố, Đức vẫn không thể ban hành tình trạng khẩn cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm