Colombia chưa hẳn đã có hòa bình

Colombia đã bước vào thời khắc lịch sử. Sau thất bại trong đàm phán dưới thời các tổng thống Belisario Betancur, César Gaviria và Andrés Pastrana trong những năm 1980 và 1990, tối 24-8 (giờ địa phương) tại Havana (Cuba), chính phủ Colombia đã ký kết hiệp định hòa bình chung cuộc với tổ chức Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

FARC được thành lập năm 1964 từ phong trào nổi dậy của nông dân, là tổ chức du kích quân chủ chốt và lâu đời nhất ở Colombia.

Hiệp định hòa bình quy định sẽ giải giáp từ 7.000 đến 10.000 tay súng FARC. Thời gian giải giáp kéo dài 180 ngày dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Địa điểm giải giáp được thực hiện tại 23 khu an toàn và tám trại được lập ra để làm nhiệm vụ tiếp nhận quân FARC giải giáp. Các khu vực trên đều nằm trong vùng do FARC kiểm soát.

Vũ khí của quân FARC sẽ được thu hồi và tiêu hủy. Quân FARC giải giáp sẽ được hưởng trợ cấp về giáo dục, y tế và hỗ trợ công ăn việc làm.

Về chính trị, FARC sẽ giải thể và sẽ trở thành đảng chính trị để tham gia đời sống chính trị Colombia.

Chính phủ Colombia cam kết sau một thời gian người của FARC sẽ được quyền ra tranh cử và tham gia Quốc hội.

Những người ủng hộ hòa bình ở Colombia reo mừng trước thông tin hiệp định hòa bình đã được ký kết. Ảnh: AP

Hiệp định hòa bình còn quy định về bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của FARC thông qua trợ cấp tài chính và mở phiên tòa đặc biệt để xét xử các tay súng FARC cũng như lực lượng chính phủ.

Nói chung, nguyên tắc của hiệp định hòa bình là ưu tiên cho biện pháp vô hiệu hóa đối tượng thay vì trừng phạt.

Do đó, phần lớn quân du kích FARC sẽ được ân xá. Chỉ có những người phạm tội ác đặc biệt nghiêm trọng và những người không thành thật khai báo tội ác mới bị phạt tù.

Các nhà phân tích đánh giá trong giải quyết xung đột, hiệp định hòa bình ở Colombia là hình mẫu về mối quan tâm đến các nạn nhân cũng như đưa ra xét xử công bằng.

Dù vậy, nhiều vấn đề lo ngại được đặt ra. Sau khi hiệp định hòa bình có hiệu lực, một bộ phận quân FARC có thể sẽ không từ bỏ vũ khí và tham gia các lực lượng du kích khác như tổ chức Quân đội Giải phóng dân tộc.

Đối với số quân FARC chịu buông súng, vấn đề khó khăn ở chỗ trình độ học vấn của họ quá thấp, chính phủ cần phải có đầy đủ phương tiện mới có thể đưa họ hòa nhập trở lại với xã hội.

Chính phủ đã cam kết bảo đảm an toàn cho các tay súng FARC, dù vậy công việc bảo đảm an ninh sẽ trở nên phức tạp hơn tại các địa bàn mà họ đã từng gây ra tội ác.

Dân chúng địa phương có thể phản đối và gia đình các tay súng FARC trở về cuộc sống dân sự có thể bị đe dọa.

Một nguy cơ nữa là tình hình tội phạm có thể gia tăng. FARC có liên quan đến các đường dây mua bán ma túy và một số tay súng FARC có thể đầu quân cho các băng nhóm mafia.

Tình hình này đã từng xảy ra trong quá trình giải giáp lực lượng du kích ở Salvador và Nicaragua.

Liên quan đến bồi thường, trở ngại lớn nhất là tài chính. Kinh tế của Colombia đang suy thoái, trong khi đến nay có đến 400.000 người được công nhận là nạn nhân trong xung đột vũ trang với FARC.

Những người ủng hộ hiệp định hòa bình đánh giá cần phải kết thúc nội chiến ở Colombia. Ngược lại, nhiều ý kiến bất bình khi FARC được chuyển thành đảng chính trị và hầu hết tay súng FARC thoát án tù. Vấn đề này sẽ được thể hiện qua cuộc trưng cầu ý dân về hiệp định hòa bình vào ngày 2-10. Theo kết quả thăm dò, 70% số người được hỏi phản đối các thủ lĩnh FARC tham gia chính trị và 80%-90% cho rằng quân FARC phải ngồi tù. Nếu kết quả trưng cầu ý dân không tán thành hiệp định hòa bình, Colombia sẽ rơi vào hỗn loạn.

_________________________________

52 năm nội chiến kết thúc với hiệp định hòa bình vừa đạt được sau bốn năm đàm phán. Đây là hiệp định hòa bình chung cuộc, toàn diện và mang tính chất quyết định. Ngày 2-10, Colombia sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về hiệp định hòa bình này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm