An Huy (Trung Quốc): Đấu thầu cho thuê khu thắng cảnh

Ngày 20-4, trang web của thị trấn cổ Tam Hà đăng thông báo cho thuê khu di tích Lưu Đông Hưng Long Trang.

Đấu thầu cho thuê công khai

Sau khi cơ quan quản lý tài sản quốc gia định giá khu di tích, lúc đó sẽ tiến hành đấu thầu cho thuê công khai.

Thông báo nêu rõ, cho thuê theo hai hình thức ngắn hạn và dài hạn, hợp đồng thuê ba năm ký một lần, giá cả có thể thương lượng. Bên thuê không được thay đổi hình thức kinh doanh, phải có trách nhiệm quản lý, giám sát và bảo vệ môi trường.

Bên thuê có thể đầu tư mở rộng kinh doanh nhưng phải báo cáo quy hoạch đầu tư cho ban quản lý thị trấn cổ, nếu ban quản lý thông qua mới được sửa chữa.

Trong khu di tích Lưu Đông Hưng Long Trang có hơn 130 gian nhà cổ trên diện tích hơn 4.200 m2. Nhà cổ đều có nguồn gốc lịch sử, được bảo tồn nguyên vẹn kết cấu kiến trúc.

Bên thuê phải giữ nguyên trạng theo quy hoạch tổng thể thị trấn Tam Hà, nếu có sửa chữa cũng không được ảnh hưởng đến kiến trúc cổ. Nhà đầu tư có thể mở cửa hàng đặc sản, quán trà, địa điểm tham quan để làm phong phú thêm văn hóa du lịch địa phương.

Cho thuê để thúc đẩy du lịch

Thị trấn cổ Tam Hà tọa lạc bên bờ sông Sào Triều, tỉnh An Huy. Tại đây có ba con sông Phong Lạc, Hàng Phụ và Tiểu Nam chảy qua.

Thị trấn Tam Hà có lịch sử lâu đời, văn hóa rực rỡ, là vùng đất linh thiêng có nhiều di tích lịch sử, nhân tài đời nào cũng có. Ở đây lại có mạng lưới sông ngòi ngang dọc, đê điều đan xen nhau, nơi tập trung buôn bán sầm uất. Thị trấn hiện được xếp hạng khu du lịch cấp 4A quốc gia.

Từ năm 2000 đến nay, chính quyền thị trấn cổ Tam Hà đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng với hơn 100 triệu nhân dân tệ (220 tỷ đồng VN). Tuy nhiên, mỗi năm chỉ thu được không đủ một triệu nhân dân tệ (2,2 tỷ đồng VN) trong khi tiền thuê người quản lý đã mất mấy trăm ngàn.

Đầu tư thì lớn mà hiệu quả không thấy đâu, thị trấn cổ Tam Hà lại thiếu cán bộ chuyên nghiệp và cán bộ quản lý có trình độ cao, vì vậy khó giữ chân khách du lịch.

Ban quản lý khu thắng cảnh thị trấn cổ Tam Hà cho biết, cho thuê khu di tích là một cách đổi mới tư duy, mạnh dạn thực hiện cơ chế thị trường thúc đẩy phát triển du lịch và đây là hướng đi mới lâu dài của nhà nước.

Ông Cao Xương Tỏa (phó chủ nhiệm ban quản lý khu thắng cảnh Tam Hà) phân tích: Thực hiện cơ chế thị trường không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn là giải pháp bảo tồn thị trấn cổ.

Hai quan điểm

Thực ra, việc đấu thầu cho thuê danh lam thắng cảnh không phải chỉ có ở thị trấn cổ Tam Hà. Từ năm 2000 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã làm tương tự. Tuy nhiên, trong vấn đề này vẫn tồn tại hai quan điểm.

Quan điểm phản đối cho rằng tài nguyên thắng cảnh là duy nhất và không thể thay thế, do đó không thể theo đuổi lợi ích kinh tế mà chuyển giao các khu thắng cảnh cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh.

Ví dụ tiêu biểu như khu thắng cảnh Ngu Công Tuyền ở Hà Nam. Sau khi cho thuê, môi trường bị phá hủy, chất lượng phục vụ kém, lề lối quản lý rất hỗn loạn. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Thật khó tưởng tượng nếu giao cho cá nhân hoặc công ty nào đấy quản lý khu thắng cảnh Hoàng Sơn hay Cố cung thì hậu quả sẽ ra sao.

Quan điểm ủng hộ lại dẫn chứng trên thế giới có nhiều khu di tích, thắng cảnh giao cho cá nhân quản lý kinh doanh rất thành công, trong khi đó nhiều khu thắng cảnh do nhà nước quản lý lại thất bại, vì thế công hay tư đều không quan trọng.

Quan điểm này cho rằng vấn đề then chốt là xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, phân chia quyền lợi rõ ràng, như vậy bất luận khu thắng cảnh do công hay tư quản lý đều phát triển.

Hiện nay, việc tìm người cho thuê khu di tích ở thị trấn cổ Tam Hà vẫn tiếp tục. Đã có hơn 10 đơn vị đến tìm hiểu thủ tục đấu thầu. Công tác định giá cũng đang bước vào giai đoạn cuối cùng.

Brazil hạn chế vào rừng

Ngày 25-4, Bộ Tư pháp Brazil thông báo trong vòng vài tháng tới sẽ đệ trình Quốc hội xem xét dự luật cấm người nước ngoài tự do vào rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil.

Theo dự luật, người nước ngoài muốn vào rừng phải xin giấy phép của quân đội và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Brazil. Ai vi phạm sẽ bị phạt 100.000 real (960 triệu đồng VN). Các công ty, cơ quan tổ chức cho người nước ngoài vào rừng đều phải xin phép.

Theo Bộ Tư pháp Brazil, trước nay có một số tổ chức phi chính phủ vào rừng với danh nghĩa giúp đỡ người da đỏ, thực tế lại có âm mưu khác hoặc trá hình vào rừng để nghiên cứu nhưng muốn thu hoạch giá trị về dược và thương mại. Đã có công ty lấy bằng sáng chế độc quyền từ những nghiên cứu này. Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng đem văn hóa của mình làm ảnh hưởng hệ thống dân cư trong rừng Amazon.

Rừng Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, rộng 5,5 triệu km2, trải dài qua các nước Nam Mỹ gồm Colombia, Peru, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname, tỉnh Guyane thuộc Pháp và Brazil (chiếm 61% diện tích).

HỒNG CẨM (Theo Brazil-brasil.com, AP, Miami Herald)

HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm