Khi nhà ngoại giao lúng túng

Hôm chủ nhật, ông Kouchner, một bác sĩ và là nhà hoạt động nhân đạo trước khi trở thành ngoại trưởng, đã nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh và truyền hình Pháp rằng “chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng xấu nhất” nếu Iran có vũ khí hạt nhân, và “khả năng xấu nhất đó là chiến tranh”. Vào lúc đó, ông Kouchner cũng thông báo rằng Pháp đang lập kế hoạch cho những tình huống bất ngờ khi cuộc chiến nổ ra.

Tuy nhiên, hôm thứ tư, ông nói với báo Pháp Le Monde rằng bình luận của ông là nhằm “hướng sự quan tâm vào tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng” và ý kiến của ông về việc thế giới phải chuẩn bị cho cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Iran đã bị hiểu sai. Khi nước Pháp mạnh mẽ chỉ trích những lời đe dọa chiến tranh ồn ào, ông Kouchner đã lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn trên đài RFI (Pháp) để giải thích những điều ông nói nhưng không rút lại nó. “Tôi đã nói “khả năng xấu nhất, đó là chiến tranh” - ông Kouchner nói- “khả năng xấu nhất”, đây không phải là điều tôi muốn. Tôi đã không nói “điều tốt nhất, đó là chiến tranh”. Tôi đã không nói “sự lựa chọn của tôi, đó là chiến tranh”. Tôi đã nói “khả năng xấu nhất”. Ông Kouchner tuyên bố: “Tôi không phải là kẻ gây chiến. Tôi là người quảng bá hòa bình”. Cũng trong ngày ông Kouchner “nói lại cho rõ” ý kiến của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Herve’ Morin phát biểu trên kênh truyền hình Canal Plus rằng Pháp không có bất cứ kế hoạch quân sự nào nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran và rằng sự suy đoán về một cuộc xung đột với Tehran là “ý tưởng kỳ quặc”. Hoàn toàn trái ngược! Hôm thứ hai, Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã tìm mọi cách làm nguội những lời bình luận của Ngoại trưởng Kouchner, khẳng định rằng “vai trò của Pháp là dẫn đường đi đến một giải pháp hòa bình”.

Phát biểu trên đài Ekho Moskvy (Tiếng vọng Moscow) sau các cuộc thảo luận lần đầu tiên với Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm 18-9, ông Kouchner nói ông không bao giờ kêu gọi một cuộc chiến tranh chống Iran và các phương tiện truyền thông đã hiểu sai ý ông. Ông Kouchner cũng bác bỏ cáo buộc của Iran rằng Pháp chia sẻ chính sách đối ngoại với chính quyền Tổng thống Bush. “Điều đó không đúng” - ông nói - “Tôi đã đến Iraq mà không có người Mỹ, không thông báo trước cho họ, không dùng các dịch vụ của họ, không được họ bảo vệ”. Tuy vậy, ông thừa nhận rằng dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, chính sách của Pháp đối với nước Mỹ đã thay đổi so với chính sách của người tiền nhiệm Jacques Chirac. Nhưng “chúng tôi không nhận lệnh từ Washington, ngay cả khi chúng tôi có chính sách khác hơn chính sách của người tiền nhiệm vốn thường xuyên chống Mỹ” - ông nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những thông tin ngày càng dồn dập nói rằng hành động quân sự chống Iran đang được tính toán và nếu điều đó xảy ra, theo ông, sẽ dẫn đến thảm họa! Ông Lavrov chỉ trích ý tưởng trừng phạt đơn phương của Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ. Ông cho rằng nếu “chúng ta cùng làm việc và điều đó được thể hiện qua quyết định tập thể của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì sự trừng phạt đơn phương mang ý nghĩa gì?”.

Nữ phát ngôn của Bộ Ngoại giao Pháp Pascale Andreani, được hỏi về triển vọng một thỏa thuận về nghị quyết trừng phạt thứ ba, cho biết: “Tuần tới sẽ có các cuộc thảo luận ở New York để đạt đến một nghị quyết. Nếu trong khuôn khổ của LHQ, mọi việc chưa ổn, chúng tôi sẽ hành động trong khuôn khổ của châu Âu”. Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ sự phản đối của Nga đối với vòng trừng phạt thứ ba của Liên Hiệp Quốc, đồng thời hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) và Iran nhằm giải quyết những vấn đề mấu chốt.

Trong lúc ấy, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tỏ ra xem thường lời cảnh báo của nhà ngoại giao Pháp, ông nói mỉa rằng đối với Iran, “những lời đe dọa đó là không quan trọng”. Iran tuyên bố sẽ sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ mình nếu bị tấn công và có thể đánh bom Israel nếu nước này chủ động tấn công trước. Về phần mình, các quan chức Mỹ vẫn lặp đi lặp lại rằng tất cả các lựa chọn, kể cả tấn công quân sự, đang nằm trên bàn, tuy vẫn chú trọng con đường ngoại giao và các đòn bẩy kinh tế.

Trong bối cảnh các mối quan hệ đối trọng, đan xen như vậy, dù căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng gần đây, hay dù ông Kouchner có phát biểu như thế nào nữa, cuộc chiến Iran vẫn khó có thể nổ ra!

CAO TUẤN (Theo NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm