Kim Jong-un là người "ra lệnh nã pháo lên đảo Hàn Quốc"

Kim Jong-un là người "ra lệnh nã pháo lên đảo Hàn Quốc" ảnh 1

Khói bốc lên trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc sau loạt pháo kích của Triều Tiên. Ảnh: AP

Khi Hàn Quốc có "một hành động khiêu khích quân sự" gần đảo Yeonpyeong, "chỉ đạo quân sự và chiến lược tài ba" của ông Kim Jong-un đã làm thất bại "sự khiêu khích của kẻ thù", đồng thời biến hòn đảo Yeongpyeong thành biển lửa. Trong vụ pháo kích này, quân đội Triều Tiên cũng có những tổn thất về con người sau những đòn đáp trả từ phía Hàn Quốc.

Các thông tin nói trên được đăng tải hồi tháng hai trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động cầm quyền tại Triều Tiên. Vishwanath, một người Ấn Độ thân Triều Tiên kiêm tổng giám đốc Học viện Quốc tế về Tư tưởng Chủ thể (Juche) tại Tokyo, là tác giả của bài xã luận được đăng vào ngày 16/2, trùng với ngày sinh của cố chủ tịch Kim Jong-il. Truyền thông của Hàn Quốc hôm qua đăng tải lại các thông tin này.

Tháng 11/2010, khi quan hệ liên Triều còn chưa hết căng thẳng vì vụ Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng cho bắn ngư lôi làm chìm tàu chiến Cheonan khiến 46 thủy thủ thiệt mạng, Triều Tiên bất ngờ bắn khoảng 200 quả đạn pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, làm chết 4 người, trong đó có hai thường dân.

Trong một động thái hiếm thấy vào tháng 4 năm ngoái, tờ Rodong Sinmun công bố thiệt hại của Triều Tiên trong vụ "giao tranh". Tờ này mô tả rằng các nông dân ở tỉnh Nam Hwanghae của Triều Tiên đã giúp đỡ một binh sĩ bị hạ gục trong khi nã pháo lên đảo Yeonpyeong.

Triều Tiên hôm 29/2 tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân để đổi lại việc được Mỹ viện trợ 240.000 tấn lương tực. Tuy nhiên, quan hệ liên Triều không vì thế mà tan băng. Triều Tiên mới đây đe dọa phát động một cuộc thánh chiến nhằm vào Hàn Quốc, đồng thời coi các cuộc tập trận chung của Seoul và Washington là "lời tuyên chiến ngầm", cũng như buộc tội Hàn Quốc phỉ báng và bất kính với lãnh đạo Triều Tiên.

Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, vì mới chỉ có một thỏa thuận ngừng bắn được ký chứ chưa có một hiệp ước hòa bình nào được hai bên thông qua.

Theo Hà Giang (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm