Lao động dịch vụ thắng thế

Trước đây, ngày nào ông Valdir De Santos, người Brazil, cũng phải làm việc quần quật trên đồng mới đủ ăn. Hiện nay ông đã chuyển sang lái taxi. “Lái taxi dễ hơn làm ruộng nhiều. Khi còn trẻ, tôi làm 12 giờ một ngày, đổ mồ hôi từ 7g sáng tới 7g tối. Công việc rất cực nhọc. Bây giờ thì khác” - người đàn ông luống tuổi kể trong lúc lái xe dọc con phố ở Sao Paulo.

Qui luật trái dự báo

Chuyện của ông De Santos là ví dụ tiêu biểu cho xu hướng chuyển dịch công việc của lao động thế giới trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 1996, 42% lực lượng lao động thế giới làm trong ngành nông nghiệp, 21% trong ngành sản xuất hàng hóa và 37% trong ngành dịch vụ. Một thập niên sau, tỉ lệ ấy đã thay đổi, 42% lao động làm trong ngành dịch vụ, 37% trong nông nghiệp và 21% trong công nghiệp.

Điều đáng lưu ý trong báo cáo vừa công bố của ILO là xu hướng thay đổi này đang diễn ra trái với những gì mà các nhà kinh tế cổ điển từng dự báo. Theo lý thuyết, sự phát triển kinh tế phải trải qua các giai đoạn thay đổi cấu trúc từ nông nghiệp sang công nghiệp. Thực tế cho thấy thay vì chuyển sang làm trong những nghề công nghiệp năng suất cao, con người đang chuyển thẳng sang lĩnh vực dịch vụ, trong đó bao gồm cả những nghề năng suất cao và năng suất thấp.

Vẫn còn quá sớm để nói đến một thế giới toàn những người mặc áo cổ trắng (thuật ngữ chỉ lao động trong ngành nghề trí óc). Nhưng theo các nhà kinh tế, nếu sự chuyển dịch nghề nghiệp này được tiến hành một cách hợp lý sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Nhà lịch sử kinh tế Gregory Clark (Đại học California) giải thích: “Sự chuyển đổi giúp giải phóng con người về mặt địa lý. Singapore có thể giàu có như Canada, dù đất đai Singapore không rộng lớn bằng”.

Ông Clark nhận xét sự dịch chuyển khỏi công việc đồng áng tiêu biểu cho một giai đoạn sống còn trong tiến trình phát triển của nhân loại. Khi con người đạt đến bước chuyển này, họ có khuynh hướng sống trong những cộng đồng lớn hơn, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng và cuối cùng là làm ra nhiều tiền hơn.

Sợ phân hóa

Có hai luồng ý kiến của các chuyên gia trước xu thế này. Những người phản đối lo ngại xu thế này sẽ tạo ra sự phân hóa, làm cuộc cạnh tranh kiếm việc làm của người lao động toàn cầu trở nên khốc liệt hơn. Khoa học, công nghệ hiện đại và trình độ giáo dục được cải thiện tại những nước đang phát triển đã biến dịch vụ thành một món hàng hóa thuần túy.

Có thể hình dung cuộc cạnh tranh việc làm này như sau: một lao động ở Boston (Mỹ) sau một đêm ngủ dậy bỗng nhiên mất việc vì công ty mình đã tìm thấy lao động có giá rẻ hơn ở Brasilia (Brazil). Những người lao động ở Brasilia chưa kịp vui lại thấy xuất hiện đối thủ về giá ở một đất nước châu Á xa xôi nào đó như Bangladesh chẳng hạn. Cuối cùng, phần thắng thuộc về những nước có lao động trình độ cao với giá rẻ nhất.

Những người ủng hộ cho rằng đây là điều tích cực. Thậm chí có người cho rằng kinh tế dịch vụ là trụ cột cho sức mạnh phát triển của toàn cầu. Những dẫn chứng cho luận điểm này: dịch vụ ngân hàng và du lịch đã phát triển rầm rộ tại các nước đang phát triển trong thời gian gần đây. Nhờ phát triển dịch vụ mà Trung Quốc và Ấn Độ đã giải phóng hàng triệu người khỏi cảnh đói nghèo... “Đây là một điều tích cực, không nên xem nó như một chuyện đáng sợ” - ông Lawrence Jeff Johnson, tác giả báo cáo của ILO, nhận xét.

T.Trúc <EM>(Theo TTO)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm