Mỹ: Cứu chủ hộ nợ tiền mua nhà

Bảo đảm có công ăn việc làm là chìa khóa then chốt để bảo đảm mức tiêu dùng. Dù vậy, từng ngày từng ngày, người lao động tại Mỹ cảm thấy lao đao hơn khi làn sóng khủng hoảng đang ngoạm dần từ ngành này sang ngành khác.

“Ông lớn” cũng sụp đổ

Tập đoàn General Motors được xem là gã khổng lồ lớn nhất trong ngành sản xuất xe hơi thế giới. Ấy vậy mà ngày 7-11, lần đầu tiên ông Rick Wagoner (tổng giám đốc-chủ tịch quản trị General Motors) đã nhắc đến những từ ngữ gây sốc: “Có nguy cơ phá sản”.

Đến ngày 10-11, General Motors thông báo sẽ cắt giảm 5.500 lao động thay vì 3.600 lao động như đã công bố trước đó mấy ngày. Chỉ số chứng khoán của General Motors giảm 22,9%, mức thấp nhất trong 60 năm qua.

Hiện Bộ Tài chính Mỹ vẫn lo tiền bạc đổ vào cứu General Motors có thể sẽ tan thành mây khói. Nhưng nếu chính phủ Mỹ không giang tay khẩn cấp giúp đỡ, viễn cảnh sập tiệm của General Motors sẽ đến trong 5-6 tháng nữa. Một tên tuổi lớn trong ngành sản xuất xe hơi Mỹ là hãng Ford cũng có nguy cơ phá sản trong vòng 8-12 tháng nữa.

Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu xe hơi của Mỹ ở bang Michigan công bố ngày 10-11, nếu nguy cơ này trở thành thực tế, thảm họa lao động sẽ xảy ra. 2,5 triệu lao động ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ngành sản xuất xe hơi, một ngành khác cũng đang gặp khó khăn không kém là hàng không. Hiện nay, phần lớn các hãng hàng không Mỹ đều đang trên đà sa sút.

Khi mức tiêu dùng giảm, các công ty dịch vụ cũng bị vạ lây. Ngày 10-11, Tập đoàn Circuit City của Mỹ đã tuyên bố phá sản. Tập đoàn này không phải nhỏ, vốn đứng thứ hai về kinh doanh thiết bị tin học và điện tử phổ thông ở Mỹ với 43.000 nhân viên. Cùng ngày, Công ty dịch vụ phát chuyển nhanh DHL cho biết từ cuối tháng 1-2009 có thể sẽ ngừng hoạt động chi nhánh DHL ở Mỹ. Như vậy sẽ có thêm 9.500 lao động phải ra đi cộng thêm với 5.400 lao động đã bị cắt giảm trước đó.

Nỗi đau mất nhà ở

Theo Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế của đảng Dân chủ Mỹ, giữa tháng 9 và tháng 10, không chỉ có 524.000 lao động bị mất việc như Bộ Lao động Mỹ công bố mà con số này phải tăng đến 844.000 người nếu cộng thêm đối tượng lao động làm việc bán thời gian theo yêu cầu.

Trong bối cảnh ấy, ngày 11-11, ông James Lockhart (giám đốc Cơ quan liên bang đầu tư cho vay mua nhà) đã cảm thán: Tịch thu nhà là nỗi đau của gia đình, người thân, cộng đồng và cả thị trường bất động sản.

Lời cảm thán này được đưa ra sau khi chính phủ và giới ngân hàng Mỹ cùng ra thông báo sẽ thực hiện chương trình hỗ trợ cho các chủ nhà đang có nguy cơ bị tịch thu nhà để trừ nợ vay ngân hàng.

Chương trình này do Cơ quan liên bang đầu tư cho vay mua nhà đề xuất, là bước hai của chương trình Hope Now (tạm dịch là Hy vọng ngay) ra đời năm 2007 nhằm giảm số nhà bị ngân hàng kê biên. Chương trình gồm các thành viên là các ngân hàng cho vay.

Chương trình sẽ tạo điều kiện cho người vay tiền giữ lại chỗ ở chính và người không đủ khả năng trả nợ tối thiểu ba lần được xem xét lại điều kiện cho vay. Người vay có thể sẽ được giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời gian trả nợ vay hoặc giảm vốn vay với điều kiện tiền trả nợ vay hàng tháng thấp hơn hoặc bằng 38% thu nhập chưa tính thuế.

Chương trình nêu trên bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 12. Cơ quan liên bang đầu tư cho vay mua nhà cho biết đây chỉ là chủ trương định hướng. Các ngân hàng là thành viên chương trình Hope Now vẫn có thể chủ động đề xuất các biện pháp mềm dẻo hơn đối với người vay tiền.

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu Moody’s Economy.com, giữa năm 2008-2010 sẽ có 7,3 triệu gia đình khó trả nợ vay mua nhà và trong số đó có 4,3 triệu gia đình phải chịu cảnh mất nhà. Giữa tháng 7 và tháng 9, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.700 người Mỹ bị trục xuất khỏi nhà do không trả nợ nổi.

Theo các chuyên gia, để tránh kinh tế Mỹ trượt dài trên đà suy thoái, chỉ có chính sách can thiệp của nhà nước trên quy mô lớn mới có thể cứu vãn. Chính sách này phải bơm một lượng tiền lớn vào hai lĩnh vực. Một phần đưa vào xã hội để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng (tăng thời gian trợ cấp thất nghiệp, tăng trợ cấp phiếu lương thực, hỗ trợ đầu tư y tế...). Phần còn lại đưa vào chi phí cơ sở hạ tầng (giao thông, năng lượng...) để tạo ra việc làm. Tuy nhiên, theo ông Christopher Dodd, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, Bộ Tài chính chỉ sử dụng một phần nhỏ trong 700 tỷ USD tháo khoán mới đây để giúp đỡ các chủ hộ nợ ngân hàng.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm