Mỹ: Kế hoạch cứu nguy nhà bị “kéo”

"Kế hoạch cứu nguy sẽ không cứu được mọi người nhưng tạo cơ hội ổn định cho hàng triệu gia đình và những người có nhu cầu mua nhà" - Tổng thống Barack Obama.

Cách đây hai hôm, Tổng thống Obama đã thông báo kế hoạch 75 tỷ USD dùng để cứu nguy những người đang gặp khó khăn trong việc trả vay thế chấp tiền ngân hàng mua nhà. Đây là một phần ngân sách trong tổng số 275 tỷ USD của kế hoạch giải cứu ngành địa ốc vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Do tình hình địa ốc mất giá, hàng triệu chủ nhà mang số nợ cao hơn giá trị thực của căn nhà mình mua. Hầu hết họ đành chọn giải pháp “bỏ của chạy lấy người”. Thực tế số nhà bị tịch biên còn có thể cao hơn nữa (ước tính của Hiệp hội Địa ốc Mỹ lên đến hơn 11,7 triệu căn) nếu không có kế hoạch thỏa thuận giữa hai ngân hàng chính phủ Fannie Mae và Freddie Mac cùng các công ty tài trợ địa ốc khác tạm ngưng siết nợ và tìm cách giúp con nợ giữ được nhà thay vì làm thủ tục tịch biên ngay sau khi con nợ không trả tiền nhà trong vòng ba tháng.

Gia đình anh Tấn Huỳnh ở TP Summer View (bang Texas) hai tháng nay liên tiếp nhận bốn, năm lá thư của công ty tài trợ địa ốc mà anh đang vay nợ. Thư đề nghị anh nên tái tài trợ địa ốc với lãi suất giảm 0,5%, không mất tiền làm hồ sơ hợp đồng và nếu cần tiền mặt có thể rút toàn bộ số tiền nhà anh đã đóng trong chín năm qua theo giá thị trường.

Thế nhưng giá trị thị trường địa ốc khu vực nhà của anh biến động không nhiều. Lẽ ra giá mỗi năm đều tăng chừng 5% theo mức lạm phát của đồng đôla hoặc hơn chút ít nhưng hai năm nay, sở thuế định giá nhà vẫn không tăng, chỉ bằng hai năm trước. Điều này có nghĩa giá nhà của anh bị sụt giá 10% theo thị trường hiện thời.

Nhà của anh Tấn Huỳnh trong bang Texas không nằm trong khu vực khủng hoảng địa ốc trầm trọng như các bang khác như California, Arizona, Maryland, Florida hay Massachusetts. Tại các bang này, giá nhà giảm từ 30%-40% nên chủ nhà mang nợ nhất thiết phải xin tái tài trợ, đặc biệt là người mới mua nhà trong vòng năm năm trở lại đây (thời điểm giá nhà cao).

Sau khi cùng vợ tính toán, anh Tấn Huỳnh quyết định rút tiền chứ không làm hợp đồng tái tài trợ địa ốc vì vợ chồng anh xét thấy không có lợi. Anh nói: “Cố thủ cho chắc, sáu năm nợ nhà rồi sẽ qua mau. Trả xong cái nhà thì không gì phải lo nữa”. Với tình hình nhà cửa sụt giá như hiện nay, nếu làm hợp đồng tái tài trợ tính ra được giảm lãi gần 20 USD mỗi tháng nhưng lại phải nai lưng ra cày trả nợ suốt 15 năm tới.

Theo kế hoạch cứu nguy nhà bị kéo, chính phủ sẽ đền bù cho công ty tài trợ 1.000 USD trên mỗi hợp đồng nợ ký lại. Hợp đồng ký lại thay đổi nợ nhằm giảm số tiền hàng tháng con nợ trả cho ngôi nhà mình mua trên cơ sở lãi suất giảm, cộng thêm sự hỗ trợ của chính phủ nếu con nợ đủ tiêu chuẩn được trợ giúp.

Cụ thể, chính phủ sẽ trả trước nợ gốc căn nhà mỗi năm 1.000 USD kéo dài trong năm năm với điều kiện chủ nợ phải giảm số tiền trả xuống bằng 38% thu nhập hàng tháng của con nợ. Hoặc con nợ đang nợ xe cộ, tín dụng chiếm 55% trong tổng thu nhập hàng tháng thì đủ tiêu chuẩn được trợ giúp. Chính phủ sẽ giúp con nợ trả lãi cho chủ nợ để làm sao con nợ trả tiền nhà chỉ chiếm 31% trên thu nhập. Đối với người mới mua nhà lần đầu, chính phủ sẽ hỗ trợ thuế nhà đến 8.000 USD.

Trước đây, hai công ty tài trợ địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac không được phép mua lại hoặc bảo đảm những món nợ cao hơn 80% giá trị ngôi nhà. Nay chính phủ cho phép hai ngân hàng này tiếp tục giữ mức bảo đảm có thể cao hơn ngưỡng 80%, giúp con nợ được mượn tiền với lãi suất thấp hơn để trả món nợ cũ với lãi suất cao hơn. Nếu kế hoạch của chính phủ đạt hiệu quả sẽ giúp ngăn chặn giá nhà giảm quá mức khiến giá cả có thể ổn định trở lại.

TỰU NGÔ (Cộng tác viên từ Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm