Nhận diện những đặc điểm tham nhũng ở Trung Quốc

Trường Đại học Thanh Hoa và Trung tâm nghiên cứu Tình trạng quốc gia thuộc Viện Hàn lâm xã hội Trung Quốc qua nghiên cứu các vụ việc tham nhũng đã đưa ra 10 đặc điểm cơ bản về tham nhũng ở nước này.

Số người, số tiền tham nhũng gia tăng

Trong giai đoạn 1987-1992, số các quan chức bị điều tra cấp tỉnh và cấp bộ là 110 người, riêng trong hai năm 90-92 là 79 người. Tuy nhiên, số người chịu hình bị đưa ra xét xử trước tòa không nhiều. Trong số 64 quan tham, có 31 trường hợp bị đưa ra xét xử trước tòa, năm người bị kết án trước năm 1992 và 26 người bị kết án sau năm 1992.

Về mức độ tiền tham nhũng, các trường hợp vi phạm vào thập niên 90 cao hơn 80. Trước năm 1992, không có trường hợp nào biển thủ hoặc nhận hối lộ khoảng 100.000 nhân dân tệ (12.081,7 USD). Trong khi đó, sau 1992, trong 37 vụ thống kê, có 27 trường hợp vượt quá mức 100.000 nhân dân tệ, 12 trường hợp biển thủ hay nhận hối lộ hơn 1 triệu nhân dân tệ, bốn trường hợp vượt quá 10 triệu nhân dân tệ, 5 trường hợp sau năm 2000 đều vượt mức 1 triệu nhân dân tệ.

Phạm vi lớn

Trong 54 trường hợp bị đưa ra ánh sáng có 43 trường hợp bắt đầu ở giai đoạn 1988-1995. Khi Tòa án Nhân dân Tối cao TQ và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra tuyên bố thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc trừng phạt các quan chức tham nhũng (năm 1989), số người vi phạm vẫn khá lớn chứng tỏ rằng mục tiêu giảm bớt nạn tham nhũng chưa hoàn toàn thành công.

Quan tham cấp bộ, ủy ban gia tăng, tỉ lệ tham nhũng ở vùng duyên hải lớn

Trước 1992, các trường hợp tham nhũng cấp bộ và ủy ban tăng mạnh, giảm dần hồi đầu năm 90 nhưng lại bắt đầu tăng vào giữa thập niên trở đi.

Có sự khác biệt giữa tham nhũng cấp bộ và ủy ban ở hai thời kỳ. Trước 1992, tham nhũng chủ yếu xảy ra ở hệ thống tự quản lý cấp bộ, ủy ban. Các quan tham thường thường đi vào lĩnh vực kinh tế thông qua những chính sách của chính phủ về thương mại, quan tham tìm kiếm lợi nhuận bằng việc lợi dụng chức vụ, địa vị được bổ nhiệm. Sau 1992, một hình thức tham nhũng mới hình thành khi các quan chức phối hợp với doanh nghiệp địa phương, tìm kiếm lợi nhuận từ vị trí và quyền lực của họ. Hình thức cũ mang dáng dấp "đơn vị" trong khi hình thức mới đậm chất cá nhân.

Trong công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế, phạm vi tham nhũng ở vùng duyên hải phía đông thường cao hơn khu vực nội địa. mức tiền tham nhũng cũng lớn hơn.

Bè cánh

Năm 1989, trường hợp tham nhũng của Luo Yunguang, Thứ trưởng Đường sắt đã khiến cả Trung Quốc bàng hoàng về số nhóm liên quan cũng như số lượng quan chức dính líu. Sau đó, cơ quan kiểm sát Trung Quốc liên tục phát hiện ra các trường hợp ’’nhóm’’, ’’bè cánh’’ tham nhũng mới với sự tham gia của rất nhiều quan chức cấp tỉnh, cấp bộ như trường hợp của Wang Baosen (nguyên Phó thị trưởng Bắc Kinh) và Chen Xitong (nguyên Thị trưởng Bắc Kinh), trường hợp của Wu Wenying và Xu Penghang, hai vị lãnh đạo hàng đầu ngành công nghiệp dệt may và trường hợp buôn lậu tại Hạ Môn có sự tham gia của rất nhiều người, trong đó có hai quan chức cấp tỉnh.

Các trường hợp bè cánh địa phương có vẻ phức tạp hơn. Ví dụ như vụ tham nhũng tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh có sự tham gia của một quan chức cấp tỉnh, bốn quan chức cấp cục, 11 quan chức cấp phân khu, 7 quan chức cấp huyện với tổng số tiền là 200 triệu nhân dân tệ (24 triệu USD).

Các nhóm tham nhũng bắt đầu từ kẻ cầm đầu, phe cánh sau đó "noi theo".

Tham nhũng âm ỉ

Tỉ lệ trung bình năm các vụ tham nhũng âm ỉ bị phát hiện trong giai đoạn 1980-1992 là 1,43-1,44 năm. Điều đó có nghĩa là hầu hết các trường hợp tham nhũng hầu như bị phát hiện lập tức. Tuy nhiên, sau đó tỉ lệ này đã tăng tới 6,31 năm trong giai đoạn cuối 1990, đầu 2000.

Trong số 17 trường hợp tham nhũng trước 1992, quan tham thường giữ nguyên vị trí từ lúc bắt đầu có hành động tham nhũng tới khi bị phát hiện. Trong 37 trường hợp sau năm 1992, 22 người được thăng chức sau khi có hành động tham nhũng lần đầu tiên, con số này cho thấy vấn đề trong hệ thống chọn lựa quan chức của Trung Quốc.

Thông tin nội bộ

Các dữ liệu chính thức cho thấy, hầu hết mọi trường hợp tham nhũng bị phát hiện đều có sự trợ giúp của người cung cấp thông tin. Tuy nhiên, có một số trường hợp quan tham bị lộ từ những vụ điều tra khác. Trong số 39 trường hợp được nghiên cứu, 19 trường hợp bị phát hiện từ một vụ khác liên quan chiếm 80,6%, 5 trường hợp do thông báo của người cung cấp thông tin và 1 trường hợp tự thú. Điều này có nghĩa là sự giám sát của các bên liên quan còn lỏng lẻo. Đặc biệt trong các trường hợp được nghiên cứu cuối 1990, đầu 2000, có nhiều người trong cuộc biết rõ nội tình nhưng không tố cáo.

Nhận hối lộ

Hối lộ là tội danh chủ yếu với các quan tham Trung Quốc. Trong 8 trường hợp nghiên cứu năm 1980-1988, có ba trường hợp liên quan tới hối lộ, giá trị không cao, một trường hợp nhận quà biếu là vật dụng hàng ngày, quần áo kiểu phương Tây, máy ảnh. Hai trường hợp còn lại nhận hối lộ 20.000 nhân dân tệ (2.410 USD) và 12.000 nhân dân tệ (1.446 USD). Trong 9 trường hợp năm 1989-1992, bốn người dính tới hối lộ với mức nhận tiền trung bình là 20.000 nhân dân tệ. Trong 47 trường hợp sau năm 1993, 37 trường hợp bị kết tội có hành vi nhận hối lộ, 3 trường hợp biển thủ công quỹ, hai người sở hữu tài sản lớn mà không có nguồn thu chính đáng, một người tiêu xài phung phí của công.

Trong 37 trường hợp xảy ra thập niên 90, có 8 trường hợp hối lộ với tổng giá trị hơn 1 triệu nhân dân tệ, ba trường hợp hơn 5 triệu nhân dân tệ, 7 trường hợp từ 0,5-1 triệu nhân dân tệ, 8 trường hợp 100.000 - 500.000 nhân dân tệ, 10 trường hợp chưa đủ 100.000 nhân dân tệ, không có trường hợp nào dưới 10.000 nhân dân tệ.

Nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có một trường hợp trong đó các quan tham nhận hối lộ từ hơn 10 cá nhân trong số 24 trường hợp được thống kê. 23 trường hợp còn lại, số người hối lộ là 3, sáu trường hợp chỉ nhận hối lộ từ một người duy nhất. Như vậy, việc nhận hối lộ từ ít người thể hiện rõ là, hầu hết quan tham đều rất thận trọng cố gắng giảm thiểu rủi ro. Các trường hợp nhận hối lộ thường liên quan đến những dự án xây dựng, vay nợ công quỹ, thăng quan tiến chức và dính dáng tới cơ quan pháp luật.

Gia đình

Theo kết quả điều tra, phần lớn vợ và con đóng vai trò quan trọng trong hành động tham nhũng của các quan chức. Có rất ít trường hợp không hay biết về việc gia đình nhận hối lộ. Nhiều trường hợp do người thân tham lam khuyến khích quan chức tham nhũng và gia tăng các hành động đòi hỏi bất hợp pháp. Các quan chức thường không tự mình nhận hối lộ mà thông qua những công ty gia đình để ’’gột sạch’’ tiền bẩn. Trong 17 trường hợp điều tra trước năm 1992, ba vụ có người thân dính líu. Trong 37 vụ sau năm 1992, 19 vụ thừa nhận gia đình đóng vai trò quan trọng.

Ngoại tình

Nếu ngoại tình là chuyện ’’tày trời’’ ở xã hội Trung Quốc trong thập niên 80, thì vào thập niên 90 và những năm trở lại đây, vấn đề này không quá lớn. Rất nhiều người cho rằng, ngoại tình đơn giản là vấn đề cá nhân và hầu như không liên quan tới các vụ tham nhũng. Tuy nhiên, ngoại tình hầu như là bước đi đầu tiên của một quan tham.

Hiện tượng 59 tuổi

Kết luận tham nhũng thường diễn ra vào cuối những năm làm việc của quan tham đã không còn thực tế. Có hơn 53% quan chức cấp bộ và tỉnh tham nhũng độ tuổi dưới 53. Hiện tượng ’’tuổi 59’’ tồn tại ở tỉ lệ cao trong giai đoạn 1992-1993. Sau đó, chính phủ Trung Quốc nhanh chóng thúc đẩy việc tuyển dụng cán bộ trẻ đã làm giảm hiện tượng này.

Kỳ Thư (Theo VietNamNet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm