Trung Quốc: Miễn học phí cho học sinh thành thị

Miễn thu toàn bộ các khoản chi phí nhà trường (học phí và các chi phí phụ như chi phí ăn ở, điện nước, đồng phục...) cho học sinh thành thị từ lớp 1 đến lớp 9 trong cả nước.

Thúc đẩy công bằng giáo dục

Thời gian thực hiện chế độ miễn thu các khoản chi phí nhà trường được ấn định từ đầu năm học mới vào tháng 9-2008.

Học sinh thành thị từ lớp 1 đến lớp 9 và học sinh con em gia đình lao động nông thôn nhập cư thuộc diện được hưởng chính sách bảo đảm đời sống thấp sẽ tiếp tục được cấp sách giáo khoa miễn phí. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải ở ký túc xá nhà trường còn được trợ cấp sinh hoạt phí.

Việc thực hiện chế độ miễn thu các khoản chi phí nhà trường cho học sinh thành thị được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một từ học kỳ hai năm học 2007-2008, Trung Quốc đã làm thí điểm tại 16 tỉnh, khu tự trị, TP trực thuộc trung ương và năm TP (Đại Liên, Thanh Đảo, Ninh Ba, Hạ Môn, Thâm Quyến). Giai đoạn hai từ học kỳ một năm học 2008-2009 mở rộng trên phạm vi cả nước.

Về ngân sách thực hiện, trung ương và địa phương sẽ phân chia tỷ lệ tùy theo từng tỉnh. Mỗi học sinh sẽ được miễn mỗi năm 190-350 nhân dân tệ (475.000-875.000 đồng VN). Đối với gia đình có thu nhập thấp và gia đình lao động nông thôn nhập cư, khoản tiền này không phải nhỏ.

Ông Điền Tổ Âm - Phó Giám đốc Sở Tài chính thuộc Bộ Giáo dục nhận xét: “Số tiền được miễn không lớn nhưng đa số phụ huynh đều cho rằng chính sách này thể hiện đầy đủ thái độ coi trọng dân sinh và sự quan tâm đến giáo dục nghĩa vụ của chính phủ. Đây cũng là một biện pháp quan trọng thúc đẩy công bằng giáo dục”.

Chú trọng học sinh nhập cư

Đối với học sinh thuộc gia đình lao động nông thôn nhập cư vào TP, hội nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 31-7 nhấn mạnh: Học sinh học trường công lập hay dân lập đều được miễn. Hội nghị đề ra ba yêu cầu như sau:

- Làm tốt kế hoạch toàn diện. Chính quyền các địa phương phải đưa công tác tiếp nhận giáo dục nghĩa vụ của con em lao động nông thôn nhập cư vào hệ thống giáo dục cộng đồng. Căn cứ vào các số liệu như số lao động nông thôn nhập cư, tình hình phân bố và xu hướng phát triển để quy hoạch trường học hợp lý.

- Phân phát đầy đủ chi phí công cộng. Chính quyền các cấp phải căn cứ vào tiêu chuẩn dự toán chi phí công cộng bình quân mỗi học sinh và số lượng học sinh được thụ hưởng thực tế để phân phát chi phí công cộng cho các trường công lập có tiếp nhận con em lao động nông thôn nhập cư.

- Tăng cường đầu tư ngân sách giáo dục. Tại các địa phương có học sinh là con em lao động nông thôn nhập cư tương đối nhiều mà ngân sách không đủ, chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ ngân sách giáo dục, đồng thời tăng cường cải tạo điều kiện giảng dạy, hỗ trợ cho hiệu trưởng và giáo viên, bảo đảm nhu cầu cơ bản trong công tác giảng dạy.

Đã miễn cho học sinh nông thôn

Luật Giáo dục nghĩa vụ của Trung Quốc đã nêu rõ nguyên tắc không thu học phí và các khoản phí. Căn cứ theo luật, cuối năm 2005, hội nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định miễn thu các khoản phí cho học sinh nông thôn từ lớp 1 đến lớp 9. Báo chí Trung Quốc gọi đó là chế độ “hai miễn một bù” (miễn học phí, miễn các chi phí phụ, hỗ trợ sinh hoạt phí).

Chế độ miễn thu các khoản phí nhà trường được chia làm hai giai đoạn. Từ năm 2006 miễn thu đối với học sinh nông thôn khu vực Tây bộ. Từ năm 2007 sẽ mở rộng chế độ miễn thu cho học sinh nông thôn các vùng Trung bộ và Đông bộ. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được trợ cấp sinh hoạt phí nếu ở ký túc xá nhà trường và được phát miễn phí sách giáo khoa.

HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm