Trung Quốc: Ngụy tạo ảnh báo chí vì danh lợi

Ngày 3-4, ban tổ chức cuộc thi Ảnh báo chí quốc tế Trung Quốc đã tuyên bố hủy giải vàng năm 2005 của bức ảnh Tiêm chủng cúm gia cầm cho chim bồ câu quảng trường của phóng viên Trương Lượng. Các chuyên gia ảnh đã phát hiện một con chim bồ câu ở góc phải trên bức ảnh được sao chép từ một con bồ câu khác.

Ba ngày sau, Trương Lượng công khai xin lỗi và biện bạch đã sử dụng phần mềm Photoshop chỉnh sửa để ảnh hoàn mỹ hơn. Trương Lượng đã bị tờ Cáp Nhĩ Tân Nhật Báo sa thải.

Làm bậy vẫn chối

Sự việc bắt đầu từ tháng 4-2007. Trang web blshe.com (diễn đàn của hơn 3.000 nhà nhiếp ảnh Trung Quốc) đặt nghi vấn về bức ảnh của Trương Lượng. Anh này khăng khăng mình vô tội, thậm chí khi Hội Nhiếp ảnh báo chí Trung Quốc hỏi vẫn không nhận đã ngụy tạo ảnh. Sự việc dần dần lắng xuống.

Đến tháng 2-2008, trang web xitek.com đặt nghi vấn về bức ảnh Đường sắt Tây Tạng dành con đường sống cho sinh vật hoang dã của Lưu Vi Cường. Ảnh này đoạt giải ba trong cuộc thi 10 ảnh báo chí có ảnh hưởng lớn năm 2006 do Đài truyền hình trung ương bình chọn.

Đến khi tờ Báo tối Đại Khánh tuyên bố bức ảnh trên được dàn dựng bằng kỹ thuật Photoshop, Lưu Vi Cường mới thừa nhận, rồi bị sa thải. Giải đồng của bức ảnh bị thu hồi.

Đến lúc này, vụ bức ảnh nghi là giả của Trương Lượng được xới lên. Trương Lượng vẫn cứng rắn lấy danh nghĩa đảng viên và lương tâm người làm báo tuyên bố không hề ngụy tạo. Tuy nhiên, Trương Lượng nói đã vô tình hủy ảnh gốc.

Người phát hiện chim bồ câu trong ảnh là chi tiết ngụy tạo là ông Hứa Lâm, biên tập viên cao cấp của tờ Nhân Dân Nhật Báo, phó chủ nhiệm Ban Khoa học nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh báo chí Trung Quốc.

Ông nêu chứng cứ trên blog của ông trên trang web blshe.com. Lúc bấy giờ, ban tổ chức cuộc thi ảnh mới vào cuộc.

Trung Quốc: Ngụy tạo ảnh báo chí vì danh lợi ảnh 1

Trung Quốc: Ngụy tạo ảnh báo chí vì danh lợi ảnh 2

Những bức ảnh ngụy tạo: Đám cưới thời SARS, Ngọn lửa vô tình của Diệp Huệ Đường, Vụ nổ thứ nhất cải cách thành thị nông thôn hóa Trung Quốc của Lâm Cần.
Những bức ảnh ngụy tạo: Đám cưới thời SARS, Ngọn lửa vô tình của Diệp Huệ Đường, Vụ nổ thứ nhất cải cách thành thị nông thôn hóa Trung Quốc của Lâm Cần.

Vấn nạn ảnh ngụy tạo

Vụ của Trương Lượng không phải là vụ ảnh báo chí giả đầu tiên. Trong cuộc thi Ảnh Trung Quốc lần thứ hai năm 2006, bức ảnh Vụ nổ thứ nhất cải cách thành thị nông thôn hóa Trung Quốc của phóng viên Lâm Cần đoạt giải vàng. Thực ra đây là ảnh ngụy tạo.

Bức ảnh Ngọn lửa vô tình của Diệp Huệ Đường (đoạt giải vàng Triển lãm Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế Trung Quốc lần thứ 20 năm 2007) cũng bị nghi ngờ. Cuối cùng, tác giả thừa nhận đã chỉnh sửa ảnh bằng kỹ thuật số.

Ngày 25-2, trong cuộc thi bình chọn giải Ống kính vàng của Hội Nhiếp ảnh báo chí Trung Quốc lần thứ 16, tác giả cụm ảnh Vì sao không về nhà? đoạt giải vàng. Sau đó, tác giả chủ động xin hủy tư cách đoạt giải vì bức ảnh thứ bảy trong cụm ảnh được xử lý bằng Photoshop. Ảnh gốc không có mây đen, trong khi ảnh gửi dự thi lại có.

Tại các địa phương cũng đã xảy ra nhiều vụ ảnh báo chí ngụy tạo như bức ảnh Đám cưới thời SARS hay bức ảnh Hổ hoang dã Hoa Nam do nông dân Châu Chính Long ở tỉnh Thiểm Tây chụp.

Báo chí phải chân thật

Giáo sư Thịnh Hy Quý (Học viện Báo chí thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc) nhận xét: Đặc điểm chung của ảnh báo chí giả là lạm dụng kỹ thuật số để lừa được danh lợi.

Nguyên nhân chủ yếu tạo môi trường cho hành vi ngụy tạo ảnh báo chí là do ban giám khảo quá chú trọng tính mỹ thuật của ảnh dự giải mà xem nhẹ tính chân thực vốn là yêu cầu cơ bản của ảnh báo chí.

Theo giáo sư Trịnh Á Nam (Viện trưởng Học viện Báo chí truyền thông thuộc Đại học Hắc Long Giang), nguyên nhân cơ bản là trong nội bộ các báo vẫn chưa xây dựng được quan điểm đúng đắn về nghề báo và chưa chú trọng quy tắc chuẩn mực trong tác nghiệp.

Ảnh gốc không có mây đen u ám như trong ảnh này.
Ảnh gốc không có mây đen u ám như trong ảnh này.

Giáo sư nói: “Quan điểm của ngành y là cứu người. Quan điểm của ngành tư pháp là công bằng. Như vậy, quan điểm của ngành báo chí phải là truyền bá tin tức chân thật, toàn diện, công bằng và khách quan”.

Theo nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Trung Quốc Hạ Diên Quang, rất nhiều người trẻ ngụy biện ảnh báo chí phải đạt mức độ hoàn mỹ. Ông cho rằng suy nghĩ này không đúng bởi ảnh báo chí cho phép khiếm khuyết.

Tại hội nghị thảo luận về bảo vệ tính chân thực của ảnh báo chí ngày 3-4, ông Tưởng Đạc (Hội Nhiếp ảnh báo chí Trung Quốc) phát biểu: “Hiện nay, cư dân mạng chính là thiên la địa võng, là Tôn Ngộ Không. Những bức ảnh giả như hổ Hoa Nam, đường sắt Tây Tạng, chim bồ câu quảng trường đều do cư dân mạng phát hiện đầu tiên”.

Theo giám đốc Vương Ái Lệ (Viện Khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang), cư dân mạng đã trở thành một lực lượng giám sát quan trọng của xã hội và chính họ góp phần giám sát đạo đức của giới báo chí.

Ông Mã Hiểu Lâm (người phụ trách trang web blshe.com) nhận định: Cần phải nhận thức được chống ảnh báo chí giả là điều quan trọng đối với giới nhiếp ảnh. Điều này có lợi cho việc xây dựng pháp chế dân chủ, nâng cao niềm tin công chúng và ý thức giữ gìn chữ tín của mọi người.

HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm