Ulm, cái nôi của Hồi giáo cực đoan

Ulm, cái nôi của Hồi giáo cực đoan ảnh 1

Một góc thành phố Ulm bên bờ sông Danube

Thành phố Ulm nằm ở ranh giới hai bang Baden-Wuertemberg và Bavaria thuộc miền Nam nước Đức. Neu-Ulm là thành phố anh em của Ulm mới xây dựng sau này nằm bên kia sông Danube, thuộc bang Bavaria đối diện với Ulm thuộc bang Baden-Wuertemberg. Thị trưởng thành phố Ulm, Ivo Goenner, cho biết từ nhiều năm nay Ulm nổi tiếng là trung tâm của phong trào Hồi giáo cực đoan.

Benno Kopfer, phó trưởng nhóm nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan và khủng bố Hồi giáo cho Verfassungsschutz – cơ quan chính phủ Đức thành lập sau thế chiến thứ hai để theo dõi các nhóm quá khích – cũng cho biết Ulm là một vấn nạn hết sức nhức đầu cho cơ quan an ninh Đức từ cuối thập niên 1990.

Nơi thu hút nhiều thanh niên Đức

Ulm và Neu-Ulm có tổng cộng 167.000 dân, trong đó 16% là người nước ngoài, theo thống kê chính thức của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, theo nhật báo Mỹ The New York Times, nếu chỉ bấy nhiêu đó thì không đủ để biến Ulm thành một địa bàn bất ổn. Từ lâu nay, cộng đồng những người Hồi giáo ở Đức mà đa số là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ít có xu hướng ủng hộ các phần tử chống đối chính phủ và những tên khủng bố.

Theo nhận định của ông Kopfer, đa số những người Hồi giáo cực đoan ở Ulm thuộc dòng người di cư đến từ Bosnia vào cuối thập niên 1990. Hầu hết những người này ít nhiều thích hoạt động chính trị.

Có hai trung tâm thu hút các phần tử cực đoan ở hai thành phố nói trên là Trung tâm Thông tin Hồi giáo ở Ulm và đặc biệt Câu lạc bộ Ngôi nhà đa văn hóa ở thành phố Neu-Ulm. Năm 2005, bộ trưởng nội vụ bang Bavaria đã quyết định đóng cửa câu lạc bộ này để trừ hậu họa.

Hai trung tâm nói trên từng thu hút nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan, kể cả một số thanh niên Đức. Những thanh niên bản địa này là những quả bom nổ chậm hết sức nguy hiểm. Năm 2003, có một công dân Ulm vào đạo Hồi , tự xưng là “Hamza” Fischer, sang Chesnia chiến đấu bị lính Nga tiêu diệt.

Giải thích động cơ thanh niên Đức vào đạo Hồi, ông Kopfer nhận định: “Hầu hết thanh niên Đức bỏ đạo truyền thống của những người phương Tây theo đạo Hồi không phải vì giác ngộ giáo lý mà vì hệ tư tưởng”. Cho nên, trong số 230 cuộc điều tra các phần tử khủng bố, có đến 130 trường hợp vào đạo để gây bạo loạn.

Từ mùa xuân năm ngoái, lượng định sức nóng của lò luyện khủng bố Ulm và Neu-Ulm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức, ông Wolfgang Schauble, cảnh báo rằng nước Đức đang đứng trước những hiểm họa khủng bố nghiêm trọng.

Thứ trưởng bộ này, August Hanning, còn nói rằng bầu không khí ở hai thành phố anh em vừa kể làm cho ông nhớ bầu không khí ngột ngạt trước khi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bị đánh sập ngày 11-9-2001.

Ulm, cái nôi của Hồi giáo cực đoan ảnh 2
Mohammed Atta

Mohammed Atta, tên không tặc 11-9, từng đến Neu-Ulm

Biên niên sử hoạt động khủng bố ở hai thành phố Ulm và Neu-Ulm phong phú hơn bất cứ thành phố nào khác ở Đức. Gần đây, hồi giữa tháng 7, toàn bộ nhân sự của một quân y viện ở Ulm đã được sơ tán khẩn cấp sau khi có lời đe dọa đánh bom.

Trước đó, người Đức không thể nào quên những vụ tấn công “Mùa thu Đức” của nhóm Lữ đoàn đỏ tháng 9-1977 và vụ thảm sát các vận động viên thể thao Israel tham dự thế vận hội Munich 1972 do những tên khủng bố Palestine tiến hành cũng vào tháng 9.

Tháng 6 vừa qua, cảnh sát chống khủng bố Đức đã bắt một công dân của thành phố Ulm là Tolga Durbin về tội kích động bạo lực.

Người đàn ông Đức này từng là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Ngôi nhà đa văn hóa. Anh ta đã bị lực lượng an ninh Pakistan bắt giữ hồi đầu tháng 6 năm nay trên đường tìm đến một trại huấn luyện chiến binh thánh chiến của Al-Qaeda với hàng ngàn đồng euro trong túi. Sau đó Durbin bị trục xuất về Đức.

Hiện nay anh ta đang trả lời thẩm vấn của cơ quan điều tra Đức về tội phân biệt chủng tộc và các tội khủng bố. Nghe nói, y từng thú thiệt có tham vọng trở thành “người nổi tiếng hơn nhà bác học Einstein”!

Lý thú nhất là cuộc điều tra “nhà khủng bố tương lai” Durbin giờ đây lại làm sáng tỏ nhiều khía cạnh của một âm mưu tấn công khủng bố bằng xe bom quy mô lớn mới nhất nhắm vào sân bay quốc tế Frankfurt và căn cứ không quân Mỹ Ramstein mà nếu thành công sẽ là một sự kiện 11-9 ở châu Âu với kết quả 3 thanh niên Hồi giáo cực đoan gốc Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt hôm 4-9 sau một cuộc ruồng bố đồng loạt 41 địa điểm của 600 cảnh sát liên bang và cảnh sát chống khủng bố Đức.

Tolga Durbin làm việc trong một công ty nhỏ chuyên bán và lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời trong thành phố Neu-Ulm. Anh ta có một đệ tử ruột vốn là con trai của ông chủ, tên Fritz Martin Gelowicz, 28 tuổi, cải danh Abdullah sau khi vào đạo Hồi lúc 18 tuổi. Chính Durbin đã truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan cho Gelowicz.

Ngày 4-9 vừa qua, Gelowicz bị bắt cùng với Daniel Martin Schneider, 22 tuổi và Adem Yilmaz, 29 tuổi, sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ và sinh sống ở Đức với tội danh tình nghi thực hiện âm mưu kể trên. Theo cơ quan điều tra Đức, Gelowicz là thủ lĩnh của nhóm Liên hiệp Hồi giáo (IJU) ở Đức, một chi nhánh của tổ chức Phong trào Hồi giáo Uzbekistan được Al-Qaeda tài trợ.

Nhật báo Anh The Times còn cho biết thêm, theo một nguồn tin cảnh sát Đức, các điều tra viên đang cố gắng làm rõ mối quan hệ giữa Gelowicz và Mohammed Atta, sinh viên Ai Cập từng học ở thành phố Hamburg, trước khi trở thành một trong 19 tên không tặc cướp bốn chiếc máy bay dân dụng của Mỹ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Lầu Năm Góc ở Washington ngày 11-9-2001.

Mohammed Atta từng đến Câu lạc bộ Ngôi nhà đa văn hóa ở Neu-Ulm, nơi Gelowicz sinh hoạt và thấm nhuần tư tưởng thánh chiến của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Các nhà điều tra Đức tin rằng cả hai đã gặp nhau hồi năm 2000.

VĂN ANH tổng hợp <EM>(Theo NLĐO)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm