Hàn Quốc chuẩn bị trục vớt phà Sewol

Trưa 18-4, phà Sewol đã chìm hoàn toàn xuống biển. Cùng ngày, các thợ lặn đã vật lộn với dòng nước chảy xiết trong điều kiện tầm nhìn kém để tìm lối vào phà. Tuy nhiên, mưa lớn, sóng to và gió mạnh đã cản trở họ.

Báo Washington Post (Mỹ) cho biết Hàn Quốc đã điều động ba tàu cần cẩu cứu hộ đến hiện trường để nâng phà từ độ sâu 35 m lên mặt nước. Tàu cần cẩu thứ tư đang trên đường ra hiện trường.

Cảnh sát đang xem xét sử dụng một ụ tàu nổi để kéo phà lên mặt nước. Hoạt động nâng tàu dự kiến sẽ kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn.

Đại úy hải quân Mỹ Heidi Agle nói với đài truyền hình CNN (Mỹ) rằng phà liên tục chao đảo do nước chảy mạnh gây nguy hiểm cho các thợ lặn.

Theo các quan chức Hàn Quốc, thợ lặn đã bơm khí oxy vào trong phà với hy vọng phà sẽ nổi lên và giúp người sống sót có oxy để thở. Thiết bị tự hành đã sẵn sàng được điều động xuống biển.

Lực lượng cứu hộ dùng túi khí đánh dấu vị trí phà chìm trong khi gia đình những người mất tích cầu mong phép lạ. Ảnh: EPA

Các chuyên gia cho rằng nếu có các túi khí trong các khoang phà, hành khách có thể sẽ sống sót trong khoảng 72 giờ. Chuyên gia hải quân Mỹ Mike Dean cho rằng một số chỗ trong phà có không khí để thở nhưng vấn đề hiện nay là nhiệt độ và làm sao để đưa người vào cứu người sống sót.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 18-4 đưa tin theo kết quả điều tra sơ bộ của nhóm điều tra chung của cảnh sát biển và các công tố viên thì thuyền trưởng phà Lee Jun-seok không có mặt trong buồng lái lúc tai nạn xảy ra.

Trưởng nhóm điều tra chung cho biết thuyền trưởng đã giao nhiệm vụ lại cho nữ thuyền phó thứ ba 26 tuổi. Nữ thuyền phó này đã tốt nghiệp ĐH hàng hải quốc gia Mokpo được ba năm, bắt đầu làm việc cho Công ty Chonghaejin Marine (chủ sở hữu phà Sewol) vào tháng 12-2013, tức chỉ mới làm vài tháng.

Theo báo Ariang (Hàn Quốc), luật pháp Hàn Quốc quy định tàu có trọng tải từ 3.000 tấn trở lên phải được thuyền phó thứ nhất hoặc thứ hai điều khiển nếu thuyền trưởng vắng mặt trong khi phà Sewol có trọng tải đến 6.825 tấn.

Theo Reuters, các công tố viên đã khám xét văn phòng Công ty Chonghaejin Marine để tìm thêm bằng chứng. Các thuyền viên còn sống của phà Sewol cùng quan chức điều hành công ty này bị cấm xuất cảnh.

Ngày 18-4, Thủ tướng Chung Hong-won đã quyết định ở lại văn phòng cảnh sát biển tại Mokpo gần hiện trường để phối hợp hoạt động cứu hộ.

DUY KHANG

 
Ngày 18-4, thân nhân những người mất tích đã phẫn nộ trước phản ứng cứu hộ chậm chạp của chính quyền. Đại diện các gia đình có người thân mất tích đã đệ đơn khiếu nại họ không được thông báo về những gì đã và đang xảy ra. Họ tố cáo chính quyền nói dối về số lượng thợ lặn, tàu và máy bay tham gia cứu hộ. Họ cho rằng chỉ có 200 thợ lặn và hai tàu cứu hộ nhưng chính quyền nói tới 555 thợ lặn, 69 tàu và 121 máy bay trực thăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm