Bộ ba quyền lực phía sau tham vọng tên lửa Triều Tiên

Thường xuất hiện chung với ông Kim trong các bức ảnh và đoạn ghi hình trên TV, ba người này rất được các cơ quan an ninh và tình báo phương Tây quan tâm vì họ là những nhân vật chủ chốt trong chương trình tên lửa đang phát triển nhanh chóng của Triều Tiên. Đó là ông Ri Pyong Chol, cựu tướng không quân; Kim Jong Sik, nhà khoa học tên lửa kỳ cựu và Jang Chang Ha, người đứng đầu trung tâm phát triển và thu mua vũ khí.

Ảnh chụp và các cảnh quay từ TV cho thấy đây là ba quan chức thân cận nhất bên Kim Jong Un. Ở ba người này không có sự khúm núm thường thấy ở các quan chức cấp cao khác, vốn luôn cúi chào và che miệng khi nói chuyện với ông Kim. Hai trong số họ từng đi chung Goshawk-1, chuyên cơ riêng của ông Kim. Họ là ba nhân tố không thể thiếu trong chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên - nước này đã hai lần thử hạt nhân và phóng tên lửa hàng chúc lên kể từ năm 2016, bất chấp quy định của Liên Hiệp Quốc.

“Ông Kim Jong-un thường giữ các chuyên gia kỹ thuật này bên mình để trực tiếp liên hệ với họ và thúc giục họ. Điều này thể hiện sự cấp bách muốn đẩy nhanh phát triển tên lửa của ông ta” - An Chan-il, cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên đã bỏ sang Hàn Quốc, nhận xét. Cũng theo chuyên gia này, Kim Jong Sik và ông Chang không có xuất thân từ các dòng họ danh giá, khác với các nhân vật cấp cao trong bộ máy chính quyền Triều Tiên. Ba người này đều do ông Kim Jong-un đích thân lựa chọn. “Ông Kim Jong-un đang tạo nên một thế hệ cố vấn mới, ngoài các cố vấn chủ chốt của cha ông ta” - một quan chức Triều Tiên nói. Quan chức này đã đề nghị Reuters giữ bí mật danh tính.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng Ri Pyong Chol (thứ hai bên trái), Kim Jong Sik (giữa) và Jang Chang Ha (thứ hai bên phải) trong một vụ phóng thử tên lửa. Ảnh: REUTERS

Theo các chuyên gia, nhân vật sừng sỏ nhất trong bộ ba trên là Ri Pyong Chol. Từng theo học một trường hàng đầu Triều Tiên, ông Ri hiện là phó giám đốc Bộ Công nghiệp Vũ khí của đảng Lao Động, chuyên giám sát chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Theo Michael Madden, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên, ông Ri đã theo sát ông Kim Jong-un trước khi nhà lãnh đạo trẻ được người ta coi trọng. Sinh năm 1948, ông Ri từng học ở Nga và được đề đạt khi ông Kim Jong-un bắt đầu thăng tiến vào cuối những năm 2000. Theo truyền thông Triều Tiên, ông Ri đã một lần tới Trung Quốc và hai lần tới Nga. Ông từng gặp Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc hồi 2008 trong tư cách tư lệnh không quân và từng hộ tống Kim Nhật Thành tới một nhà máy chiến đấu cơ của Nga năm 2011.

Trong bộ ba, Kim Jong Sik là nhà khoa học tên lửa. Ông từng là một kỹ thuật viên hàng không bình thường và hiện là một vị tướng có quân hàm trong Bộ Công nghiệp Vũ khí. Theo ông Madden, vai trò của Kim Jong Sik trong đợt phóng tên lửa thành công năm 2012 đã khiến ông này được công nhận.

Năm 2016, Kim Jong Sik từng hộ tống lãnh đạo Kim Jon-un tới thăm phòng điều khiển Cơ quan Phát triển Hàng không Quốc gia trước đợt phóng tên lửa tầm xa thành công hồi tháng 2. Truyền hình Triều Tiên từng đưa tin ông cùng đi với Kim Jong Un tới bãi thử tên lửa. Khi tới nơi, ông tháp tùng nhà lãnh đạo trẻ đi thảm đỏ và nhận hoa từ các quan chức cấp cao khác. Hiện chưa rõ tuổi tác và các thông tin chi tiết khác về ông này.

Trong bộ ba quyền lực, người ít được biết đến nhất là Jang Chang Ha, Chủ tịch Học viện Khoa học Quốc phòng, trước là Học viện Khoa học tự nhiên số 2. Cơ quan này phụ trách nghiên cứu và phát triển các hệ thống tên lửa tối tân của Triều Tiên. Học viện này bị Bộ Ngân khố Mỹ liệt vào danh sách đen năm 2010 do chuyên thu thập các công nghệ, thiết bị và thông tin từ nước ngoài để áp dụng vào chương trình vũ khí. Ông Jang cũng bị liệt vào danh sách đen năm 2016. Theo truyền thông Hàn Quốc, học viện có khoảng 15.000 nhân viên, trong đó có 3.000 kỹ sư tên lửa.

Theo ông Madden, bộ ba này đã thay thế cho bộ ba chủ chốt trong vấn đề vũ khí, quân sự của Triều Tiên những năm 2000 - chuyên gia hậu cần Jon Pyong Ho, nhà khoa học So Sang Guk và nhà điều phối quân sự O Kuk Ryol.

“Họ là những người đưa chương trình tên lửa của Triều Tiên vào thế kỷ 21” - ông Madden nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giới lãnh đạo Hamas đang ở đâu?

Giới lãnh đạo Hamas đang ở đâu?

(PLO)- Nhiều đồn đoán xung quanh nơi ở của giới lãnh đạo Hamas, có tin rằng họ đang tận hưởng cuộc sống xa hoa ở Qatar giàu có, cũng có tin rằng họ đang trú ẩn dưới các đường hầm ở Gaza.

Cua xanh làm thị trấn lao đao

Cua xanh làm thị trấn lao đao

(PLO)- Loài cua xanh đang đe dọa ngành đánh bắt nghêu ở thị trấn Goro (miền bắc nước Ý), khiến người dân nơi đây đau đầu tìm cách xử lý. 

Độc đáo 'nhà máy bay'

Độc đáo 'nhà máy bay'

(PLO)- Nhiều người đã cải tạo những máy bay cũ thành các căn hộ đầy đủ tiện nghi để sinh sống, thậm chí đón cả khách tham quan ngôi nhà.